Tăng cường viện trợ cho nhóm “Mekong 5”

Theo Phong Nguyễn/thoibaonganhang.vn

(Taichinh) - Nhật Bản đã cam kết khoản viện trợ trị giá 750 tỷ Yên (khoảng 6,1 tỷ USD) cho các nước “Mekong 5” bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào trong vòng 5 năm tới, với nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của mình lên khu vực mà nước này cho rằng đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế và cân bằng chiến lược phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là một mức tăng đáng kể so với con số 600 tỷ Yên mà Nhật Bản đã và đang viện trợ cho nhóm “Mekong 5” trong vòng 3 năm qua.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài và dân số đang ngày một già hóa, động thái này đánh dấu một bước tiến quan trọng của nước này trong nỗ lực cân bằng tầm ảnh hưởng đang ngày một tăng của Trung Quốc, cũng như thúc đẩy lợi ích của họ tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị Thượng đỉnh với 5 nước khu vực Mekong tại Tokyo vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng việc Trung Quốc ngang nhiên tiếp tục xây dựng cơ sở tại biển Đông đã làm dấy lên những mối quan ngại, khiến tình hình ngày một phức tạp, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Ngay sau cuộc họp tại Tokyo sẽ là những chuyến thăm cấp cao của các quan chức ngoại giao Nhật Bản tới Lào và Campuchia - 2 quốc gia trung tâm trong kế hoạch tăng cường thương mại của Trung Quốc nhằm đón đầu sự ra đời của thị trường chung ASEAN dự kiến vào cuối năm nay.

Trong những năm đầu của “thập niên kim cương”, Bắc Kinh cũng đã đầu tư rất mạnh mẽ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại các nước khu vực sông Mekong, và tăng cường mối quan hệ kinh tế cũng như sự hiện diện của mình tại thị trường với dân số hơn nửa tỷ người này. Mục tiêu của Trung Quốc là tăng cường kim ngạch thương mại song phương với ASEAN từ 444 tỷ USD năm 2013 lên 1.000 tỷ USD năm 2020.

Mặc dù khu vực sông Mekong vốn có những liên kết khá chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều mặt cả về chính trị, văn hóa cũng như kinh tế, nhưng những động thái “ngang ngược” của nước này tại biển Đông đã khiến cho Nhật Bản trở thành một “đồng minh” hấp dẫn đối với các nước ASEAN, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ lập trường cương quyết ủng hộ ASEAN trong vấn đề biển Đông.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Mekong, đặc biệt là Thái Lan. Nhật Bản cũng hứa sẽ giúp Myanma hồi sinh lại dự án khu vực kinh tế đặc biệt Dawei bị trì hoãn từ lâu.

Dự án này hứa hẹn sẽ giúp tạo lập một hành lang kết nối kinh tế giữa Đông Á và Đông Nam Á với khu vực Ấn Độ Dương, Nam Á, Trung Đông, châu Phi và xa hơn nữa.