Tăng trưởng châu Á độc lập với phương Tây?

Theo daibieunhandan.vn

Hội nhập châu Á đang định hình lại bức tranh kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi ở Đông và Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 25% tổng khối lượng thương mại toàn cầu và 21% GDP toàn cầu, so với tỷ lệ lần lượt là 10% và 5,8% hồi năm 1985. Liệu sự tăng trưởng đáng gờm đó có độc lập với tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển khác ở phương Tây hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ý tưởng cho rằng, một Đông Á có sự độc lập về mặt kinh tế trước các cú sốc tại những nước công nghiệp hóa chủ đạo đôi khi được gọi là “giả thuyết phân  tách”. Nó dựa trên quan sát rằng, sự tăng trưởng bền vững của khu vực vào đầu những năm 2000 dường như không bị ảnh hưởng bởi thăng trầm của các nền kinh tế lớn.
Khả năng vận hành kinh tế Đông Á vẫn vững vàng, bất chấp sự chậm lại rõ rệt của hầu hết các nền kinh tế tiên tiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này một phần có được là nhờ sự tăng trưởng năng động ở Trung Quốc.

Một Đông Á mới nổi đã mở rộng kinh tế nhanh chóng nhờ vào khả năng xuất khẩu mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. Việc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đó đi kèm với sự đa dạng hóa đáng kể các đích xuất khẩu. Điều này cho thấy, một cú sốc nhu cầu từ một thị trường đơn lẻ có thể được giảm nhẹ nhờ sự tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ từ nơi khác.

Đồng thời, tỷ trọng thương mại liên vùng trong hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi Đông Á đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 30%  lượng xuất khẩu liên vùng. Tăng trưởng mạnh trong thương mại nội khối chứng tỏ khả năng hồi phục lớn hơn trước các biến động ngoài khu vực.

Tuy nhiên, những thay đổi nhu cầu ở các nền kinh tế lớn của thế giới - đặc biệt là  Mỹ - vẫn có vẻ là động lực chính dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu của Đông Á. Dường như, các sản phẩm của khu vực luôn được hướng tới đích là thị trường bên ngoài khu vực.

Do đó, sự tăng trưởng của  tỷ trọng thương mại liên vùng trong tổng xuất khẩu của Đông Á không hẳn mang hàm nghĩa là nó đã được độc lập với cú sốc về cầu từ bên ngoài. Thực tế, xuất khẩu châu Á vẫn rất nhạy cảm với cú sốc kinh tế ngoài khu vực.

Là cơ sở sản xuất chính của khu vực, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của thương mại nội vùng. Song cùng với đó, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và phần còn lại của châu Á cũng tăng lên.

Về lý thuyết, hội nhập tài chính mang lại nhiều lợi ích, như chia sẻ rủi ro, phân bổ vốn đầu tư hiệu quả hơn và tăng cường kỷ luật kinh tế vĩ mô và tài chính. Nhưng ngược lại, các mối liên kết tài chính chặt chẽ đó cũng tạo ra nguy cơ lây nhiễm về tài chính xuyên biên giới cao hơn. Điều này đã được chứng minh trong các giai đoạn khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 và 2007 - 2008.

Danh mục quốc tế các tài sản và nợ của các nền kinh tế châu Á đã tăng lên. Mỹ và EU cũng chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản nợ tài chính đang phát triển của khu vực Đông Á, làm cho khu vực dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong điều kiện tài chính của họ. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thắt chặt các điều kiện tín dụng ở Mỹ và EU có thể thúc đẩy nhanh sự hồi hương các quỹ đầu tư của họ tại các khu vực Đông Á.

Những mối quan hệ thương mại và tài chính ngày càng sâu sắc sẽ có thể ảnh hưởng đến mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế vĩ mô. Xu hướng gần đây của châu Á cho thấy tác động mạnh mẽ của các thành phần toàn cầu và khu vực trong việc thúc đẩy chu kỳ kinh doanh.

Thực tế, sự đồng bộ chu kỳ kinh doanh tại khu vực Đông Á và G3 đã tăng lên và chặt chẽ thêm trong thời gian khủng hoảng tài chính, bởi các nền kinh tế tiếp xúc nhiều hơn với những cú sốc thông thường.

Tóm lại, thương mại nội khối và các liên kết tài chính đang thực sự tăng cường, và việc Trung Quốc tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu có thể dẫn đến một xu hướng tăng trưởng toàn cầu độc lập. Dẫu vậy, châu Á dường như vẫn khó tách rời khỏi nền kinh tế thế giới.

Sự mở rộng các liên kết thương mại và đầu tư của châu Á vẫn do mạng lưới sản xuất có liên quan đến nhu cầu toàn cầu của khu vực điều khiển. Như vậy, châu Á ngày càng trở nên tích hợp vào nền kinh tế thế giới và chắc chắn, ảnh hưởng của cú sốc toàn cầu (nếu có) sẽ trở nên lớn hơn.