Tây Ban Nha và châu Âu: Giấc mơ vỡ vụn

Theo TTVN/FT

Khi đi du lịch giữa Madrid và Barcelona vào một buổi chiều các ngày trong tuần gần đây, nếu bạn lang thang vào khoang hạng nhất của một chuyến tàu hỏa, thì chỉ có một hành khách ở đó và có thể bạn sẽ làm ông ta giật mình khi trong khoang xuất hiện một người thứ hai.

Tây Ban Nha và châu Âu: Giấc mơ vỡ vụn
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Hệ thống đường sắt cao tốc sang trọng của Tây Ban Nha là minh chứng cho việc hiện đại hóa đáng kể của đất nước này trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, các đoàn tàu cao tốc trống rỗng giữa hai thành phố hàng đầu của đất nước là bằng chứng của một tình trạng bất ổn kinh tế sâu sắc. 

Rắc rối ở Tây Ban Nha là khó khăn đối với châu Âu. Cho đến nay, tiền giải cúu đã được rót vào các nước tương đối nhỏ như: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Síp. Trong khi đó, Tây Ban Nha - một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng đã gục ngã và việc thảo luận về một gói cứu trợ cuối cùng lại một lần nữa được đưa ra.

Các số liệu thống kê đều rất thảm hại. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 26%, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là hơn 50%. Các ngân hàng đều phải được giải cứu, nhưng các chuyên gia đang e ngại rằng nếu nền kinh tế tiếp tục trượt dốc, hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi một làn sóng thứ hai xuất phát từ các khoản nợ xấu. Chính phủ buộc phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu và nới lỏng quy định trên thị trường lao động. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách năm nay vẫn duy trì ở khoảng 6,6% GDP và nợ quốc gia tăng đến 90% - mức độ được coi là nguy hiểm.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự là một cú sốc đối với Tây Ban Nha bởi kể từ khi thành lập nền dân chủ vào cuối những năm 1970, nước này luôn là quốc gia giàu có và lạc quan nhất của châu Âu. Trong khi, Pháp, Anh và Ý phải vật lộn với suy giảm quốc gia, Tây Ban Nha vẫn luôn hướng về phía trước. Sự thịnh vượng đang tăng cao và Tây Ban Nha đã trở thành một quốc gia hàng đầu quốc tế về bóng đá, thời trang, thực phẩm và điện ảnh.

Trong lịch sử, Tây Ban Nha đã từng bị suy thoái nghiêm trọng, thậm chí từ những năm 1990. Tuy nhiên, trong thời kỳ trước, Tây Ban Nha có thể “trông cậy” vào sự hỗ trợ từ mối liên kết với Liên minh châu Âu và sau đó là đồng euro. Sự khác biệt lần này là người Tây Ban Nha gần như không chắc chắn rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm. Thay vào đó, đường hầm kinh tế tiếp tục hun hút tối hơn và dài hơn. Kết quả là, người Tây Ban Nha đang mất đi niềm tin vào quốc gia và các nước trong liên minh châu Âu.

Người dân không còn tin vào hệ thống ngân hàng. Các chính trị gia cũng không được ưa chuộng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng 96% người Tây Ban Nha tin rằng tham nhũng chính trị là “rất cao”. Thủ tướng Mariano Rajoy, hoàn toàn thiếu sức thu hút. Sự nổi lên của các indignados, một phong trào phản đối phổ biến, khiến một số người nghĩ rằng năng lượng chính trị mới sẽ đến từ các đường phố.

Tây Ban Nha đã mất đi niềm tin. Tuy nhiên, sự mất mát lớn nhất có lẽ nằm ở “dự án châu Âu”. Trong những thập kỷ gần đây, dường như EU đã vẽ nên con đường giải thoát các nước khỏi sự biệt lập, nghèo đói và độc tài. Đức tin của người dân Tây Ban Nha vào châu Âu được phản ánh trong câu nói nổi tiếng của nhà văn José Ortega y Gasset: “Tây Ban Nha là vấn đề và châu Âu là giải pháp”.

Thế nhưng, giờ đây, đối với nhiều người Tây Ban Nha, châu Âu dường như là nguyên nhân của mọi vấn đề. Các nhà kinh tế tự hỏi có phải chính tư cách thành viên của eurozone đã đẩy Tây Ban Nha vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay hay không. Từ khi là thành viên của đồng euro, lần đầu tiên ở Tây Ban Nha bùng nổ tín dụng và ngăn chặn phục hồi khả năng cạnh tranh thông qua việc phá giá tiền tệ. 

“Giấc mơ châu Âu” mà người Tây Ban Nha mong chờ là một cuộc sống trung lưu đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, thực tại người trẻ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và một mối đe dọa đến tương lai của phúc lợi xã hội. Một mối lo sợ hiện nay là Tây Ban Nha trong tương lai sẽ giống như Argentina, với sự sợ hãi về các cuộc khủng hoảng tài chính và khoảng cách ngày càng lớn giữa các tầng lớp xã hội. Trên tất cả, đời sống công cộng xã hội Argentina được đặc trưng bởi sự hoài nghi sâu sắc về tổ chức và các nhà lãnh đạo quốc gia.

Tất cả những điều đó hiện không chỉ có ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đất nước này đang rất cần một câu chuyện lạc quan để chống lại sự bi quan và hoài nghi trong người dân. Tây Ban Nha đã từng là “con đẻ” của những lợi ích của “dự án châu Âu”. Và, bây giờ, đất nước này có nguy cơ trở thành một biểu tượng của những sai lầm!