Thách thức nội tại

Theo daibieunhandan.vn

Châu Âu đã trải qua một năm khó khăn, với việc Anh quyết định dứt áo ra đi, sự mất niềm tin của dân chúng đối với thể chế và tầng lớp lãnh đạo cùng hàng loạt các vụ tấn công khủng bố… Những biến cố này được giới chức châu Âu “đổ lỗi” cho chủ nghĩa cực đoan, dân túy và dân tộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hồi sinh

Thực tế, tiến trình hội nhập của Liên minh châu Âu (EU) đã vấp phải trở ngại do ba làn sóng. Nếu như chủ nghĩa cực đoan thúc đẩy việc chấp nhận những quan điểm và cách hành xử cực đoan, chủ nghĩa dân túy đặt người dân ở thế đối lập với giới tinh hoa chính trị, lãnh đạo và các đảng cầm quyền một cách thường xuyên có hệ thống; chủ nghĩa dân tộc coi mọi vấn đề phụ thuộc vào sự thống trị bá quyền của dân tộc - ba trào lưu này đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ ở lục địa già, “biểu hiện” dưới những tranh cãi nội bộ trong các quốc gia, việc mất uy tín của các tầng lớp chính trị và những phê phán mạnh mẽ mang màu sắc bài châu Âu.

Theo Politique Étrangère, các trào lưu dân túy đã xuất hiện từ lâu trên vũ đài chính trị châu Âu. Năm 1983-1986, đảng Tự do Áo (FPO) tham gia liên minh chính phủ do đảng Xã hội dân chủ (SPO) lãnh đạo. Năm 2002, ứng cử viên đảng Mặt trận dân tộc Jean-Marie Le Pen (cha đẻ của thủ lĩnh Mặt trận dân tộc hiện nay Marine Le Pen) đã vào đến vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Cũng trong năm này, tại Hà Lan, Lãnh đạo đảng PFL Pym Fortuyn bị ám sát trong thời gian diễn ra chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử quốc gia, vì những phát ngôn gây tranh cãi mang tính bài người nhập cư và đạo Hồi.

Năm 2004, chính đảng cực hữu Vlaams Belang được thành lập ở Bỉ, đảng Độc lập (UKIP) cũng ra đời trong nền chính trị Anh và nhận được 16,6% phiếu ủng hộ trong các cuộc bầu cử châu Âu. Các trào lưu chính trị này phát triển nhờ lập trường phản đối chế độ, phủ nhận vai trò của tầng lớp lãnh đạo. 

Những chỉ trích nhằm vào EU được duy trì bởi “khiếm khuyết” của liên minh: Nguyên tắc ủy quyền khiến tổ chức này trở nên phức tạp, mang tính pháp lý nhiều hơn và ngày càng xa rời quần chúng. Bối cảnh thế giới với các cuộc khủng hoảng kinh tế và những biến cố chính trị diễn ra nhanh chóng, không ngừng và kéo dài khiến công luận trở nên mệt mỏi và thất vọng với những giải pháp của nền dân chủ.

Ở nhiều nước, tình trạng kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, cuộc sống cá nhân bị xáo trộn, nghề nghiệp không ổn định đã nuôi dưỡng ảo tưởng và cả lo sợ, góp phần tạo ra khoảng trống trong những giải pháp mà lẽ ra mọi nền dân chủ có tổ chức phải mang lại. Sự nhạy cảm về các đề tài tham nhũng, trốn thuế, bất công được tiếp sức bởi xã hội dân sự tự do ngôn luận và được thúc đẩy bởi các mạng xã hội, càng làm tăng áp lực lên các nhà quản trị.

Cách dư luận phản ứng quyết liệt trước những dự án lớn, ý tưởng cải cách hay sáng kiến khác thường càng khiến các Chính phủ trở nên thụ động. Hiển nhiên, chiều hướng này hình thành và phát triển mạnh hơn không có lợi cho các hoạt động của nguyên tắc của cộng đồng châu Âu, góp phần vào sự hoài nghi về tính bền vững của EU.

Đã đến lúc phải thức tỉnh

Kể từ thời kỳ đầu của cộng đồng châu Âu, đã có 56 cuộc trưng cầu dân ý ở liên minh này. Trong bối cảnh sự hoài nghi châu Âu gia tăng, các đảng dân túy ở đây vẫn tiếp tục yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý, coi đó như vũ khí tối thượng chống lại sự hội nhập châu Âu.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23/6/2016 được tổ chức dưới sức ép của phe thiểu số trong đảng Bảo thủ - vốn luôn phản đối việc Anh gia nhập EU năm 1973 - nhưng đóng vai trò không thể thiếu để đảng này tiếp tục cầm quyền. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý ở Anh với việc cử tri ủng hộ Brexit, kéo theo đó là hàng loạt lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU ở những nước thành viên khác… là hồi chuông nhằm thức tỉnh giới chức EU trước thực tại.

Đã đến lúc, châu Âu cần đánh giá lại những tác động của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa dân túy đối với các thể chế châu lục. Bởi lẽ, ngay trong Nghị viện châu Âu (EP), các đảng cực hữu hay dân túy đã giành thắng lợi trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử là nhờ phương thức bầu cử. Hiện nay, các đảng này có khoảng 171/751 nghị sĩ trong các nhóm công khai tỏ thái độ hoài nghi châu Âu (chiếm 22,8% ghế trong EP).

Theo ý kiến chung, sự hiện diện của các nhóm trên không làm thay đổi các điều kiện làm việc của EU. Các đảng cầm quyền cũng đã liên minh nhằm ngăn cản những lực lượng đó. Tuy nhiên, sự thiếu nội dung và hành động mang tính xây dựng khiến liên minh ngày càng chia rẽ và phân tán.

Các cuộc khủng hoảng mới đây đã chỉ ra rằng, nền tảng của châu Âu vững chắc hơn những gì biểu hiện ra bên ngoài. Bởi lẽ, EU được xây dựng bởi mối quan tâm chung được chia sẻ giữa các nước thành viên, cũng như bởi những cam kết, hiệp ước, hệ thống luật pháp tiến bộ. Do đó, EU đủ mềm dẻo để chống đỡ và đủ vững chắc để ngăn chặn các các cuộc tấn công thực sự.