Thách thức từ những “xác sống” mang tên nợ xấu của Trung Quốc

Theo enternews.vn/Bloomberg

Có một danh sách mà Ni Baixiang - Trưởng chi nhánh Giang Tây của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, luôn muốn có trong tay – thường được biết đến như là danh sách "xác sống".

Ở một số tỉnh, những danh sách "xác sống" này thậm chí còn bí mật với cả những người làm chính sách về ngân hàng.. Nguồn: internet.
Ở một số tỉnh, những danh sách "xác sống" này thậm chí còn bí mật với cả những người làm chính sách về ngân hàng.. Nguồn: internet.

Đây là danh sách được lập ra bởi các cơ quan chính quyền của Giang Tây, trong đó có tên của các con nợ đã mất khả năng trả nợ, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước đang đứng trên bờ vực phá sản. Trong ngắn hạn, những doanh nghiệp như vậy đã bị các ngân hàng hạ mức tín nhiệm và luôn muốn tránh càng xa càng tốt.

Tuy nhiên, cả Ni và những đối thủ cạnh tranh của ông ở Giang Tây đều không được cho biết những doanh nghiệp trong danh sách đó là ai. Câu chuyện của ông Ni đã "tô đậm" một thách thức to lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt khi cố loại bỏ khối lượng nợ xấu, trong khi tiến hành tái cơ cấu lại khối danh nghiệp nhà nước đang bị đè nặng bởi tình trạng thừa cung và quan liêu.

Theo một số nguồn tin từ những người làm trong các cơ quan nhà nước (những người đề nghị không nêu tên vì tính nhạy cảm của thông tin), một số chính quyền địa phương cũng như ở Giang Tây đang che giấu thông tin về những con nợ “xác sống”, vì lo sợ nếu các ngân hàng biết thì sẽ ngay lập tức dừng các khoản tín dụng cho vay.

Ở một số tỉnh, những danh sách "xác sống" này thậm chí còn bí mật với cả những người làm chính sách về ngân hàng.

Thực tế thì việc biết được những công ty nào nằm trong danh sách "xác sống" rất quan trọng với những ông chủ ngân hàng, bởi vì các cơ quan chính quyền nhà nước cuối cùng sẽ quyết định liệu những doanh nghiệp đó có thất bại hay không, và những quan chức địa phương thường can thiệp vào quyết định cho vay của ngân hàng.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã cố đưa nền kinh tế tăng trưởng mà không phải dựa nhiều vào đầu tư như trong quá khứ. Một điều quan trọng để đạt được mục tiêu đó là tái cấu trúc lại những ngành công nghiệp đang trong tình trạng thừa cung, như thép, xi măng và than.

Tất nhiên thì việc chuyển đổi này sẽ khiến một số tỉnh vốn dựa nhiều vào những ngành công nghiệp đó trở nên dễ tổn thương hơn với tình trạng tăng trưởng chậm và thất nghiệp gia tăng.

Ví dụ như Giang Tây đã có kế hoạch đóng cửa 205 mỏ than và dừng cấp phép cho các dự án mỏ mới trong ba năm tới. Hiện tại tỷ lệ nợ xấu ở vùng này đang cao hơn mức trung bình của cả nước và các ngân hàng đang lưỡng lự cho vay.

Câu hỏi là liệu cuộc tái cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng vốn đã quay cuồng với mức nợ xấu cao nhất từ năm 2005.

Sức khỏe tài chính của nhiều ngân hàng thậm chí còn có liên hệ mật thiết tới các doanh nghiệp nhà nước bởi vì họ đã có hàng thập kỷ chỉ cho vay những khách hàng như vậy.

“Chính quyền địa phương và các ngân hàng có những lợi ích rất khác nhau. Sự bế tắc này sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể cho cả hệ thống. Và sẽ không có một giải pháp rõ ràng để thỏa mãn cả hai bên", Harrison Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng Hoàng gia Scotland phân tích.

Tháng Ba vừa qua, Tổng Công ty Vốn quốc tế Trung Quốc, ước tính cuộc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục biến thêm 181 tỷ USD thành nợ xấu.

Thực tế thì chính quyền địa phương ở một số tỉnh cũng cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin về danh sách xác sống. Ở tỉnh Chiết Giang, cơ quan địa phương thuộc Ủy ban Chính sách Ngân hàng Trung Quốc nơi đây hồi tháng Ba cho biết đang làm việc với chính quyền địa phương để lập một một danh sách "xác sống", và vẽ ra những kế hoạch để các doanh nghiệp này thoát ra khỏi thị trường. Trong đó, phương án mua bán và sát nhập vẫn được ưu tiên hơn là phá sản.