Tham vọng AIIB và khả năng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Theo dantri.com.vn

(Taichinh) - Gần đây báo chí châu Âu đưa ra nhiều nhận định về khả năng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Một nhóm chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tới Trung Quốc để nghiên cứu việc đưa đồng NDT vào “rổ tiền” dự trữ toàn cầu.

Vì thế câu hỏi, liệu đồng NDT có được quốc tế hóa là vấn đề được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

NDT sẽ tham gia “rổ tiền” toàn cầu

Theo giới phân tích, khả năng NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu là rất lớn, với các lý do chủ yếu sau đây:

Một là: Sau nhiều năm phấn đấu, cho đến nay Trung Quốc đã ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ với gần 30 nước, có ngân hàng thanh toán tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Anh, Đức, Pháp, Luxembourg, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Qatar, Canada và Australia. Con số giao dịch đã là 4.800 tỷ NDT với gần 200 quốc gia.

Hai là: Thị phần các giao dịch thương mại toàn cầu của Trung Quốc thực hiện bằng đồng NDT cũng đã tăng hơn 20%; lượng tiền gửi ở nước ngoài đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm liên tiếp và đồng NDT đã có mặt tại hơn 10.000 ngân hàng trên thế giới.

Thị trường trái phiếu niêm yết bằng NDT phát hành ngoài Trung Quốc đến nay cũng đã tăng lên hàng chục đợt bán mỗi tháng. Về giá trị đồng NDT đã tăng hơn 30% trong thập kỷ vừa qua và được IMF cho là “khá hợp lý”.

Ba là: Vào tháng 6 năm ngoái NDT đã vượt franc (Thụy Sỹ) để chiếm vị trí số 7 trong những đồng tiền được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế. Đây là bước nhảy vọt so với vị trí thứ 20 của đồng tiền này vào năm 2012.

AIIB: tham vọng và sự “tế nhị” của Trung Quốc

Một trong những thành công lớn nhất của Trung Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu tới nay là lập được Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và lôi kéo được các đồng minh của Mỹ tham gia vào ngân hàng này. Đây cũng là một trong những bước đi nhằm thực hiện tham vọng quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, ẩn giấu sau AIIB cũng là tham vọng lớn của Trung Quốc, mặc dù trong cuộc họp đầu tiên của các cổ đông sáng lập AIIB ngày 4/5, ngân hàng này đã tuyên bố lấy USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu.

Và dù Bắc Kinh rất “nóng ruột” thúc đẩy quá trình quốc tế hóa NDT, để đồng NDT có thể có mặt trong “rổ tiền” có vị thế quốc tế vào tháng 10 năm nay, nhưng Trung Quốc cũng đủ “thông minh” để không ép các nước thành viên sáng lập AIIB.

Trung Quốc sẽ phải thay đổi chính sách

Có nhiều dự báo cho rằng đến năm 2030, NDT có lẽ sẽ sánh ngang USD và là một trong những đồng tiền thống trị thị trường thế giới, nên khả năng tham gia “rổ tiền” dự trữ toàn cầu của đồng NDT là rất cao.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng đồng tiền này sẽ còn phải phấn đấu lâu hơn nữa để bắt kịp các loại tiền tệ lớn trên thế giới. Vì thế, Trung Quốc sẽ sớm điều chỉnh chính sách để đạt được mục đích của mình vào 3 tháng tới, nhất là việc hạn chế kiểm soát vốn và mở rộng khả năng tự do chuyển đổi của đồng NDT.

Theo giới chuyên gia, điều quan trọng nhất mà Trung Quốc buộc phải làm trong 3 tháng còn lại là: (1) Tìm kiếm sự đồng thuận của 187 nước thành viên; (2) Vượt qua bài kiểm tra của thị trường tài chính và của IMF; (3) Làm vừa lòng Mỹ, vì Mỹ giữ 17% số phiếu bầu, nên Mỹ sẽ phủ quyết nếu Mỹ không vừa ý.

Mặt khác cũng phải kể đến một điều là Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc “ép giá” đồng NDT để nó không phản ánh đúng với giá trị thực của đồng tiền này, tới nay vẫn còn thấp hơn khoảng 5-10%.

Sự tác động của NDT đến thị trường tài chính toàn cầu


Theo giới chuyên gia, khi NDT được quốc tế hóa sẽ có hai tác động: tích cực và hạn chế:

Tác động tích cực là do thị trường có thêm sự lựa chọn. Hiện nay trong “rổ tiền” dự trữ quốc tế chỉ có các đồng tiền của 7 quốc gia: USD (Mỹ), Euro (Eurozone), Yên (Nhật Bản), Bảng (Anh), Franc (Thụy Sỹ), CAD (Canada) và AUD (Australia).

Nhưng thực chất chỉ có 2 đồng tiền là USD và Euro là có sức nặng hơn cả. Nay có thêm đồng NDT thì tính “dân chủ hóa” trên thị trường tiền tệ sẽ tăng lên. Tính “độc quyền”, nhất là của đồng USD sẽ giảm đi tương đối.

Tuy nhiên cũng có mặt hạn chế, đó là: độ rủi ro của đồng NDT cao hơn. Vì đồng NDT vẫn bị sự chi phối lớn của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vẫn còn kiểm soát vốn và đồng tiền này vẫn chưa thể tự do chuyển đổi hoàn toàn.

Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc tuy phát triển nhanh nhưng không bền vững còn nhiều nguy cơ “bong bóng” nên độ tín nhiệm đối với đồng NDT hiện vẫn rất khiêm tốn chỉ chiếm 1,4% trong thanh toán toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của đồng USD là 60,7%.

Vì thế, “Thời báo tài chính” của Anh cho là NDT đang trở thành một thế lực mạnh trên phạm vi toàn cầu khi vị thế của đồng tiền này ngày càng được tăng cường để có thể làm thay đổi cán cân hiện nay trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ quốc tế là có cơ sở.