Tham vọng phát triển điện hạt nhân của Ấn Độ

Trang Trần

(Tài chính) Chính phủ Ấn Độ xác định điện hạt nhân là lĩnh vực quan trọng và phải được chú trọng đầu tư ở nước này mà mở đầu là việc đưa Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam vào vận hành năm 2012. Với những kết quả khả quan đã đạt được, Ấn Độ tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng về phát triển điện hạt nhân cùng các kế hoạch dài hạn trong tương lai.

Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất các nhà máy điện hạt nhân đến năm 2024. Nguồn: internet
Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất các nhà máy điện hạt nhân đến năm 2024. Nguồn: internet

Chặng đường của những nỗ lực

Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Ấn Độ được thành lập ngay từ năm 1944 - trước cả khi Ấn Độ giành độc lập là bước đi mạnh mẽ đầu tiên trong chính sách phát triển điện hạt nhân của nước này. Nguyên Thủ tướng Jawaharlal Nehru từng chia sẻ: “Chúng tôi phát triển năng lượng hạt nhân không vì mục đích chiến tranh, mà vì mục đích hòa bình.” Theo đó, năng lượng hạt nhân được coi như là một biểu tượng của độc lập ở đất nước sông Hằng và luôn được ưu tiên trong hoạch định chính sách của New Dehli.

Với nỗ lực phát triển trong suốt những năm qua, mới đây, tờ New Indian Express đưa tin, công suất sử dụng của các lò phản ứng điện hạt nhân ở Ấn Độ tăng tới 33% (từ 50% lên 83%). Đồng thời, sản lượng điện hạt nhân ở nước này cũng tăng gấp đôi trong vòng 6 năm qua từ 14.927 triệu đơn vị điện giai đoạn 2008 – 2009 lên 35.333 triệu đơn vị điện giai đoạn 2013 – 2014.

Nhận định về những con số đã đạt được, Bộ trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử Ấn Độ Jitendra Singh chia sẻ, những kết quả trên có được là nhờ phần lớn vào sự hợp tác quốc tế từ năm 2008 trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của nước này. Ông cũng lạc quan dự báo “Sản lượng điện hạt nhân đã tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới”.

Mục tiêu trong dài hạn

Tháng 6/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã công bố mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất các nhà máy điện hạt nhân hiện nay của Ấn Độ lên 4780 MW trong vòng 10 năm tới (năm 2024). Để có thể hiện thực hóa tham vọng này, Chính phủ Ấn Độ đã có các hoạt động chuẩn bị lên dự án cho việc xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân bổ sung trong tương lai. Trong đó, có các dự án như: Dự án điện hạt nhân Jaitapur (JNPP 1 và 2), Kaiga (5 và 6) và Mahi Banswara (1 và 2)…

Đồng thời, Ấn Độ cũng tham vọng phát triển chính sách năng lượng nước tới năm 2020 bao gồm các lò phản ứng nước nặng, nước nhẹ và các lò phản ứng tái sinh nhanh. Trong đó, có 7 lò phản ứng hạt nhân đang hoặc sắp được xây dựng, gồm cả thiết kế trong và ngoài nước, bao gồm lò phản ứng tái sinh nhanh nguyên mẫu 500 MWe. Việc này sẽ đưa chương trình sử dụng thorium của Ấn Độ sang giai đoạn 2 và xây dựng quy hoạch cho việc sử dụng cuối nguyên tố thori phong phú của đất nước làm nhiên liệu lò phản ứng.

Dự kiến, đến năm 2017, Ấn Độ sẽ có lò phản ứng thorium đầu tiên. Theo nhật báo Deccan Herald (Ấn Độ), giai đoạn đầu, lò phản ứng thorium sẽ cần tới 52 tấn nhiên liệu thorium để khởi động, tuy nhiên sau đấy sẽ chỉ cần 4,7 tấn mỗi năm để duy trì hoạt động. Điều này sẽ giúp Ấn Độ có thể sử dụng tiết kiệm trữ lượng thorium của quốc gia này trong hàng trăm năm tới.