Thanh toán điện tử giúp nhiều nước thoát nghèo

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mở rộng khả năng thanh toán điện tử tại các nước đang phát triển sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng thu nhập.

 Thanh toán điện tử giúp nhiều nước thoát nghèo
Mở rộng khả năng thanh toán điện tử tại các nước đang phát triển sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng thu nhập. Nguồn: internet

Báo cáo có tên "Cơ hội thanh toán điện tử" vừa được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Liên minh không tiền mặt (Better Than Cash Alliance) và quỹ Bill & Melinda Gates Foundation cho biết: "Các nền tảng kỹ thuật số và thanh toán điện tử phát triển nhanh có thể đảm bảo tốc độ giao dịch, tăng tính bảo mật, minh bạch và tiết kiệm chi phí để nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính trên thế giới".

Hiện tại, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đang lên kế hoạch giúp 2,5 tỷ người tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Ruth Goodwin-Groen - Giám đốc điều hành Better Than Cash Alliance cho biết: "Khi nhìn vào các nền kinh tế mới nổi lớn trong G20, như Indonesia, Brazil và Mexico, chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn tại các nước này nhằm chuyển dịch thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử. Tuy nhiên, việc này có thích hợp hay không còn tùy vào từng quốc gia", bà cho biết trên Guardian.

Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul năm 2010, nhóm này đã tuyên bố mục tiêu tăng độ tiếp cận dịch vụ tài chính tại các nước mới nổi. Khi ấy, tổ chức này cho biết họ "nhận thấy việc tiếp cận tài chính của các cá nhân và doanh nghiệp là một trong những trụ cột của kế hoạch phát triển mạnh, bền vững và cân bằng của kinh tế toàn cầu". Báo cáo của WB cũng cho rằng mở rộng khả năng thanh toán điện tử tại các nước đang phát triển sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng thu nhập.

Rất nhiều người nghèo trên thế giới đang phải sống nhờ vào các khoản tiền gửi về của người thân, con số này lên tới 514 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chuyển tiền theo cách này có chi phí cao và tốc độ chậm. "Chính phủ, người tiêu dùng và các hãng cung cấp dịch vụ tài chính tại khu vực châu Phi cận Sahara vẫn phải chịu phí thanh toán cao do quá trình nhận tiền, ghi sổ sách, thống kê, lưu trữ, bảo mật và vận chuyển đều phải thực hiện bằng tay", báo cáo nhận xét.

Trích dẫn các nghiên cứu tại nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Kenya, Niger, Philippines và Nam Phi, báo cáo cho biết dịch vụ tài chính điện tử có thể giảm chi phí và tăng tốc độ gửi tiền cả trong nước và quốc tế.

Nhà kinh tế học Leora Klapper cho biết: "Chúng tôi đã phỏng vấn người dân tại 150 quốc gia về cách họ tiết kiệm, vay tiền, thanh toán và quản lý rủi ro. Số liệu cho thấy tỷ lệ có tài khoản ngân hàng tại các nước đang phát triển cực thấp, đặc biệt trong nhóm phụ nữ nông thôn".

"Tuy nhiên, những người này vẫn thường xuyên phải thanh toán, như tiền điện nước, học phí cho con cái, hoặc gửi tiền cho gia đình, bạn bè. Đó chính là cơ hội lớn. Thanh toán điện tử sẽ giúp giảm chi phí gửi - nhận, tăng độ bảo mật, giúp nâng cao tỷ lệ sử dụng tài khoản và dịch vụ tài chính", ông nói.

Tháng 11 tới, G20 sẽ nhóm họp tại Australia để bàn thảo về tương lai kinh tế toàn cầu. Vì vậy, báo cáo cũng thúc giục các lãnh đạo thế giới "bàn cách làm thế nào sử dụng hệ thống tài chính điện tử làm đòn bẩy tăng trưởng, tăng tỷ lệ đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, trong đó có kiều hối".