Thắp sáng hy vọng

Theo Thành Nam/daibieunhandan.vn

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã kết thúc tốt đẹp với những cam kết lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ ra sao vẫn cần thời gian để kiểm chứng vì nhiều vấn đề không dễ được giải quyết chỉ trong một hội nghị.

Vẫn cần thời gian kiểm chứng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nguồn: Internet
Vẫn cần thời gian kiểm chứng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nguồn: Internet

Sau khi ông Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều dư luận quan tâm hiện nay là biến thiện chí của Bình Nhưỡng thành hành động thực sự dỡ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo nhiều chuyên gia, việc tuyên bố chung được ký kết sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore không đưa ra nhiều chi tiết về cách thức đạt được mục tiêu đó. Anthony Ruggiero, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ vì Quốc phòng của các Nền dân chủ ở Washington nói: “Hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán sau đó sẽ dẫn tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hay không.

Kết quả lần này giống như việc nhắc lại những gì trong các cuộc đàm phán hơn 10 năm trước”. Trong khi đó, chuyên gia Melissa Hanham của Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến Hạt nhân có trụ sở tại Mỹ viết trên Twitter rằng, Triều Tiên “đã hứa hẹn việc này rất nhiều lần” và rằng hai bên “vẫn chưa nhất trí về khái niệm phi hạt nhân hóa có nghĩa là gì”.

Văn kiện trên cũng không nhắc tới các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên do nước này theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như không nhắc tới việc ký kết một hiệp định hòa bình.

Mỹ và Triều Tiên là hai bên đối địch trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953 và về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Lý do là vì cuộc xung đột mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn.

Nếu tuyên bố chung vừa qua thực sự mang tới tình hình lắng dịu lâu dài, nó có thể thay đổi cơ bản bối cảnh an ninh Đông Bắc Á, như chuyến thăm của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 đã giúp Trung Quốc thay đổi.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Li Nan tại Viện Nghiên cứu Chính sách công Pangoal ở Bắc Kinh cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ mang ý nghĩa biểu tượng và “hiện vẫn quá sớm để gọi đây là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Triều”.

Cùng quan điểm trên, theo trang npr.com, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết sẽ phải mất nhiều năm để đánh giá kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh trên. Giới phân tích phương Tây nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được một trong những mục tiêu của mình khi có cùng một vị thế với Tổng thống Mỹ tại hội nghị.

Cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ giúp ông Kim Jong-un thay đổi hình ảnh từ một người “cô lập” thành người kiến tạo hòa bình, từ đó gia tăng đáng kể vị thế, ảnh hưởng cho nhà lãnh đạo này.

Sau gần 7 thập kỷ đối đầu và một thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, nhiều việc chắc chắn sẽ không thể được giải quyết trong khuôn khổ của một cuộc gặp thượng đỉnh được chuẩn bị gấp rút.

Tổng thống Donald Trump hiểu rõ điều đó và dư luận hy vọng bằng cách tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, ông chủ Nhà Trắng sẽ khởi đầu một lối thoát cho tình trạng bế tắc chiến lược liên quan tình hình hạt nhân của Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã và sẽ hy vọng vượt qua những trở ngại to lớn để biến giấc mơ hòa bình lâu nay của người dân hai miền bán đảo Triều Tiên trở thành hiện thực. Trong thời gian đầu, tiến trình đàm phán có thể chỉ dừng lại ở mức ý tưởng cũng như các hành động bày tỏ thiện chí của mỗi bên. Mặc dù vậy, cuộc gặp đánh dấu sự bắt đầu một thời kỳ hòa hoãn và đây sẽ là một bước tiến rất lớn, nếu nhìn lại thời điểm cách đây gần một năm, khi “bóng ma chiến tranh” lởn vởn trên bán đảo Triều Tiên.

Và hy vọng của người dân ở cả hai miền về một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc chiến từ cách đây gần 7 thập kỷ đang được thắp sáng.