Thay đổi ở Mỹ Latinh

Theo thoibaonganhang.vn

Hiện nay, hầu hết các học giả và các nhà kinh tế đều có chung một nhận định việc Washington đang dịch chuyển ra xa khỏi Mỹ Latinh - một khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, sẽ là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc xích lại gần hơn và tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này.

Washington đang dịch chuyển ra xa khỏi Mỹ Latinh là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc xích lại gần hơn và tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Nguồn: internet.
Washington đang dịch chuyển ra xa khỏi Mỹ Latinh là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc xích lại gần hơn và tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Nguồn: internet.

Kể từ ngày 8/11, tức là sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra với kết quả ông Donald Trump chính thức đắc cử, hoạt động thương mại tự do trên toàn cầu đang phải đối mặt với những áp lực không nhỏ trước các tuyên bố của vị tân tổng thống Mỹ về việc sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại đa phương; xây dựng một bức tường biên giới với Mexico và trục xuất 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp khỏi lãnh thổ nước Mỹ. 

Theo ông Jorge Castaneda, cựu Bộ trưởng ngoại giao Mexico, việc ông Trump đắc cử tổng thống rõ ràng là một “thảm họa” cho toàn khu vực Mỹ Latinh.

Nhưng khu vực này đang trông đợi vào một vị cứu tinh để giải quyết vấn đề, đó là Trung Quốc. Hiện nay, hầu hết các học giả và các nhà kinh tế đều có chung một nhận định việc Washington đang dịch chuyển ra xa khỏi Mỹ Latinh - một khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, sẽ là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc xích lại gần hơn và tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ cánh ở Ecuador vào thứ Năm tuần qua để bắt đầu một chuyến công du tới hàng loạt các quốc gia tại khu vực. Trọng tâm của chuyến dài ngày này sẽ là cuộc gặp tại Lima với nguyên thủ từ 21 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - khu vực chiếm đến một nửa của thương mại toàn cầu và một phần ba dân số thế giới. Những cuộc làm việc này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác mạnh  mẽ về kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc với các quốc gia Nam Mỹ trong thời gian tới.

Do nhu cầu lớn của nền kinh tế Trung Quốc đối với các loại nguyên liệu thô chủ chốt, sự thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh là mối quan hệ tự nhiên, cùng có lợi. Quả thực, các mối quan hệ thương mại song phương giữa hai bên đang phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc hiện lên đến hơn 112 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, Trung Quốc là một nguồn vốn đầu tư quan trọng của các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh, nhất là Brazil và Chile.

Cũng cần lưu ý đến những bằng chứng khác cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Bắc Kinh với Mỹ Latinh. Một tỷ phú Trung Quốc có những quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh hiện đang tiến hành một dự án lên tới 50 tỷ USD xây dựng một kênh đào nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương qua Nicaragua. Dự án này đang khiến giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ phải “rung lên hồi chuông báo động”.

Trung Quốc cũng đang cung cấp các khoản vay nhiều tỷ USD cho Venezuela trong các năm 2014-2015.

Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, trọng tâm hợp tác trong chính sách đối với Mỹ Latinh của Bắc Kinh vẫn tập trung vào vấn đề kinh tế, nhưng chính quyền hiện tại của Tổng thống Brack Obama cũng đã bày tỏ nhiều quan ngại về sự chú ý của Trung Quốc tới khu vực này. Trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị đón nhận một vị tân tổng thống mới với các chính sách mang tính bảo thủ hơn, các nước Mỹ Latinh dường như hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc.