Thấy gì từ làn sóng M&A tại Mỹ?

Theo daibieunhandan.vn

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 không chỉ được giới chính trị mới quan tâm mà cả thị trường mua bán và sáp nhập dường như cũng “dậy sóng” theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Những con số biết nói

Số liệu chính thức cho thấy, chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, thị trường Mỹ chứng kiến 602 thương vụ sáp nhập (M&A) với tổng trị giá lên đến 329 tỷ USD. Con số này chỉ cách mức cao kỷ lục trong lịch sử M&A Mỹ hồi tháng 7.2015 là 3 tỷ USD.

Vụ M&A mới nhất là thương vụ “ông trùm” trong lĩnh vực truyền thông Mỹ CenturyLink Inc. Ngày 31.10 thông báo thâu tóm Level 3 Communications trong thương vụ trị giá 34 tỷ USD gồm cả nợ. Tập đoàn General Electric (GE) cũng vừa thông báo sáp nhập mảng kinh doanh dịch vụ dầu khí với Baker Hughes, tạo thành nhà cung cấp dịch vụ dầu khí lớn thứ hai thế giới với 90 tỷ USD.

Kế hoạch của AT&T mua sáp nhập Time Warner trị giá 85,4 tỷ USD là trường hợp gây tranh luận nhiều nhất vì các quan ngại về gây thiệt hại người tiêu thụ. Thương vụ cũng đồng nghĩa AT&T tiếp nhận toàn bộ khoản nợ của Time Warner, khiến tổng giá trị của hợp đồng lên tới 108,7 tỷ USD.

Năm ngoái, AT&T đã thâu tóm DirecTV, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất nước Mỹ với giá 48,5 tỷ USD. Và việc thâu tóm Warner Bros, AT&T có thể tạo dựng nên một đế chế truyền thông internet siêu khổng lồ, trở thành đối thủ “đáng gờm” của Comcast, đơn vị sở hữu NBCUniversal, cũng như đối trọng với các tên tuổi đình đám trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình số đang phát triển như Netflix hay Amazon.

Các yếu tố tác động

Theo các nhà kinh tế, có hai yếu tố tác động tới tâm lý các đại gia, góp phần tạo nên nhu cầu sáp nhập trên, đó là bầu cử Mỹ và quyết định chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Thứ nhất, thời điểm quyết định xem ai, bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump, sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ sau khi ông Barack Obama hết nhiệm kỳ đang đến gần. Theo đánh giá của giới chuyên gia, kết quả cuộc bầu cử này sẽ tác động lớn đến các chính sách kinh tế chủ chốt ở Mỹ, bao gồm cả thương mại quốc tế và thuế. 

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cả hai ứng cử viên Tổng thống đều chỉ trích các hiệp định thương mại quốc tế và tỏ thái độ khá cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc. Sự tràn ngập của hàng hóa giá rẻ Trung Quốc trên quy mô toàn cầu đã đẩy giá xuống mức quá thấp để các đối thủ Mỹ có thể cạnh tranh.

Đây là vấn đề mà cả hai ứng cử viên đã nêu ra trong các chiến dịch tranh cử. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump đưa ra lập trường cứng rắn khi cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trong khi đó, bà Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ hứa hẹn sẽ cho thực thi mạnh mẽ các điều luật thương mại mà  đã ký kết. Điều đáng lo ngại hơn là tầng lớp trung lưu ngày càng xa rời hàng hóa của Mỹ và hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ hơn từ Trung Quốc.

Kết quả là nhiều người lao động Mỹ bị mất việc làm. Thực tế đó dẫn tới những suy luận về các biện pháp cứng rắn của chính quyền mới tại Nhà Trắng. Đón đầu những thay đổi này, các tập đoàn tại Mỹ cân nhắc thương vụ M&A như là một lựa chọn bước đầu và phù hợp với xu thế chung của giới kinh doanh thế giới. Liên quan tới cuộc bầu cử, 400 nhà kinh tế đã viết thư khuyên cử tri Mỹ: “Dù Trump hay Clinton thắng, hãy cứ mua vàng Phố Wall”.

Đi cùng với yếu tố trên là những quan ngại về khả năng FED có thể nâng lãi suất thời gian tới sẽ làm tăng chi phí vay nợ. Mặc dù Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận hoạch định chính sách của FED, sẽ không thông báo tăng lãi suất trong tháng 11 này, nhưng khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới vẫn được lưu ý.

Thực tế, lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của FED đã diễn ra chậm hơn nhiều so với kỳ vọng, với lý do là tình hình kinh tế trong nước và toàn cầu yếu cũng như các sự kiện chính trị ở Mỹ và châu Âu diễn biến chưa rõ ràng. Việc tăng lãi suất quá gần với một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, điều có thể gây ra tranh cãi về chính trị không cần thiết, cũng là động thái hiếm thấy đối với FED, khi việc đó mới chỉ xảy ra một lần kể từ những năm 1980. 

Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến và tỷ lệ lạm phát tăng ổn định, không có lý do gì để FED trì hoãn việc tăng lãi suất, siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Nó động nghĩa với chi phí vay nợ gia tăng, khiến các doanh nghiệp cân nhắc các lựa chọn sáp nhập.