Thấy gì từ nợ hộ gia đình của một số nước ASEAN?

ThS.Nguyễn Thị Hưng

Nợ hộ gia đình là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia. Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford của Anh công bố dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại một số nước ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, nợ hộ gia đình đã tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế của các nước này và làm dấy lên nghi ngờ về tính ổn định của loại nợ này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nợ hộ gia đình của một số quốc gia ASEAN

Xu hướng gia tăng nợ hộ gia đình đã được nhận diện ở các nước trên thế giới nói chung và các quốc gia thuộc ASEAN nói riêng. Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford của Anh công bố dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã tăng mạnh trong những năm gần đây, thậm chí vượt mức nợ hộ gia đình của Mỹ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo số liệu thống kê từ năm 2007, mặc dù nợ hộ gia đình của Mỹ chiếm 137% nguồn thu có thể chi phối của gia đình, nhưng sau đó đã giảm dần. Trong khi đó, mức nợ hộ gia đình của một số nền kinh tế chủ chốt trong khu vực ASEAN không những không giảm, mà còn tăng lên mức cao kỷ lục. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Singapore, Thái Lan và Malaysia đã chiếm hơn 80% GDP, tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Malaysia: Theo báo cáo hàng năm của Ngân hàng Negara, nợ hộ gia đình của Malaysia tăng nhanh với tỷ lệ 12,7%/năm. Tính từ năm 2003 đến cuối năm 2015, tỷ lệ này đã tăng lên 89,1%/GDP, cao nhất khối và dẫn đầu châu Á và con số này được dự đoán sẽ gia tăng trong vài năm tới.

Tuy nhiên, tài sản của hộ gia đình Malaysia cũng tăng bình quân 10,4%/năm, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ này đạt 321,6% so với GDP, theo đó tổng tài sản hộ gia đình cao gấp 3,7 lần mức nợ. Một số nhà kinh tế nhận định rằng, sự gia tăng của nợ hộ gia đình là biểu hiện của sự tăng trưởng kinh tế và thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Mức nợ cao này không đáng lo ngại bởi các khoản vay đều được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tương tự trường hợp của Mỹ năm 2007 và khủng hoảng tài chính có khả năng xảy ra, khi nền kinh tế này gặp những cú sốc dù nhỏ nhất.

Thái Lan: Trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2015, nợ hộ gia đình tại Thái Lan có mức trung bình hằng năm là 47,32% GDP, đến năm 2015 đã lên đến 70,80% GDP, đây là mức cao nhất và dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng hộ gia đình nước này là khá chậm, khoảng 5-7%/năm. Con số này thấp hơn nhiều với mức tăng trưởng 15-18%/năm của giai đoạn 2011-2012. Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tỷ lệ tín dụng hộ gia đình không quá nguy hiểm so với vài năm trước đây. Ngân hàng này cho rằng, các hộ gia đình đang trả nợ và tỷ lệ nợ/tiền gửi đã giảm.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự đoán, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở nước này sẽ tăng lên trong thời gian tới cho đến khi tăng trưởng kinh tế thế giới khởi sắc hơn.Trong khi đó, hãng Bernstein nhận định, các công cụ đòn bẩy tài chính đóng vai trò khoảng 57% trong tăng trưởng GDP của Thái Lan trong vòng 5 năm qua.

Những khoản tín dụng này đã thúc đẩy số lượng xe hơi và tài chính hộ gia đình ngay cả khi GDP bình quân đầu người không tăng lên đáng kể, yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Thái Lan trong tương lai.

Thấy gì từ nợ hộ gia đình của một số nước ASEAN? - Ảnh 1

Singapore: Sau 1 thập kỷ giảm nợ do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 2007), các hộ gia đình của nước này đã tăng mức vay nợ đáng kể do môi trường lãi suất thấp, phản ánh một phần xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nợ hộ gia đình của Singapore có xu hướng tăng nhẹ qua các năm. Cụ thể, tháng 1/2013, là 57%, tháng 1/2014 là 59,5% và đến cuối quý III/2015 đạt 60,8% GDP. Trong dài hạn, nợ hộ gia đình của Singapore được dự báo sẽ duy trì với mức 61%GDP.

Thấy gì từ nợ hộ gia đình của một số nước ASEAN? - Ảnh 2


Thấy gì từ nợ hộ gia đình của một số nước ASEAN? - Ảnh 3
Đánh giá thực trạng nợ hộ gia đình của một số nước ASEAN



Thứ nhất, có thể nói, điều kiện cho vay hộ gia đình tại các nước thành viên ASEAN thường khắt khe hơn Mỹ và Canada, đặc biệt là tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp không cao, ngoài ra, không có nhiều sản phẩm phát sinh phức tạp mang nhiều rủi ro như các thị trường tài chính phát triển mạnh.

Do đó, một cuộc khủng hoảng tài chính bất ngờ là khó xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại ở chỗ khi tiêu dùng chủ yếu dựa vào đòn bẩy tài chính, nền kinh tế sẽ trở nên nhạy cảm đối với các động thái thắt chặt điều kiện tài chính mà có thể được gây ra bởi chính sách quản lý của nhà nước.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Oxford của Anh công bố dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã tăng mạnh trong những năm gần đây, thậm chí vượt mức nợ hộ gia đình của Mỹ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thứ hai, mặc dù mức nợ hộ gia đình tại các nước (Malaysia, Thái Lan và Singapore) vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm sau.

Do vậy, cần nhận thấy rõ mối liên hệ giữa nợ hộ gia đình, tiêu dùng và GDP. Thực tế, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại gần đây của các nước này đã làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của nợ hộ gia đình.


Thứ ba, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu và việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại các nước này, nên ngày càng có nhiều hộ gia đình tại các nước ASEAN chuyển sang mô hình tiêu dùng bằng cách vay nợ, lấy đầu tư vào bất động sản làm sự lựa chọn ưu tiên trong đầu tư gia đình trong bối cảnh giá nhà của khu vực tăng vọt. Xu hướng chạy theo những sản phẩm mới của người tiêu dùng trẻ cũng đẩy nhanh xu hướng gia đình vay tiêu dùng.

Qua phân tích trên cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, các nước thành viên ASEAN đều phải đối mặt với tình trạng nợ hộ gia đình ngày càng gia tăng, ngân hàng Trung ương và các nhà hoạch định chính sách đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, góp phần bảo đảm bộ máy kinh tế trong khu vực được vận hành thông suốt.