Thế giới đang chạy đua với nền kinh tế "tiền tệ giá rẻ"?

Theo Thời báo Ngân hàng

Chính sách tiền tệ nới lỏng cần đi cùng chính sách tài khóa phù hơp, không nhất thiết phải thuận chiều nhưng quan trọng vẫn phải giữ lợi thế có được từ một loại tiền tệ được định giá thấp hơn.

Thế giới đang chạy đua với nền kinh tế "tiền tệ giá rẻ"?
Các quốc gia đang đồng hành "nới lỏng tiền tệ"

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, diễn ra tại Hải Nam (Trung Quốc) ngày 7/4/2013, Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Lĩnh vực tài chính quốc tế đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Các quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong khi cơ chế quản trị toàn cầu đang cần được cải thiện. Thách thức hiện nay là cần phải đạt được sự phát triển chung cho tất cả các quốc gia.”

Theo ông Tập Cận Bình, nền kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ và sự phục hồi vẫn còn chậm chạp. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho rằng, xu hướng hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi đang trên đà phát triển, bởi hiện các quốc gia đều tăng cường kết nối và hợp tác lẫn nhau.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, cùng phát triển là cơ sở quan trọng của phát triển bền vững, phù hợp với lợi ích của nhân dân các nước. Ông nói, để cùng phát triển, các nước cần cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đồng lòng duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và kiên trì cải cách mở cửa.

Phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra khi nhiều nền kinh tế, quốc gia trên thế giới đang coi giải pháp pháp áp dụng chính sách "nới lỏng tiền tệ" như là công cụ chủ yếu nhằm mục tiêu khôi phục lại đà tăng trưởng của nền kinh tế, tại thêm công ăn việc làm mà điển hình mới nhất là Nhật Bản, EC, Anh, Úc, Mỹ...

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn này, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde tán đồng với gói kích thích kinh tế mở rộng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hồi tuần trước và coi đây là “một bước đi đúng đắn”.

Thời đại tiền tệ giá rẻ mới đã bắt đầu?

Thông điệp từ ngân hàng trung ương các nước phát triển trên thế giới rất rõ ràng là thời đại mới của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã bắt đầu.

Trong năm 2008-2009, khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất ngắn hạn gần bằng không và bắt đầu mua trái phiếu để đẩy lãi suất dài hạn xuống thấp, tất cả mọi người đều cho rằng những biện pháp đặc biệt sẽ sớm được thực hiện giúp các nền kinh tế hồi phục.

Tuy nhiên hiện nay, những điều đặc biệt ấy cũng dần trở nên “bình thường”. Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang (Fed) vẫn tiến hành in thêm tiền để mua trái phiếu, đồng thời bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng sẽ không tăng lãi suất ngắn hạn chừng nào tỷ lệ thất nghiệp (hiện gần 8%) giảm xuống 6,5%.

Tại Nhật Bản, Haruhiko Kuroda-thống đốc mới do Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm, tuần vừa qua đã công bố giai đoạn mới của chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có. Nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong vòng 2 năm tới, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tăng gấp đôi chương trình mua trái phiếu hàng tháng.

Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng cho phép giảm lãi suất lâu hơn. Ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể hướng tới hàng động táo bạo hơn khi mới đây chủ tịch Mario Draghi tuyên bố sẵn sàng hạ lãi suất nếu kinh tế suy thoái.

Những thông điệp từ các ngân hàng trung ương của các nước phát triển trên thế giới rất rõ ràng là thời đại mới của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã bắt đầu.

Tác động của tiền tệ giá rẻ

Tác động của tiền tệ giá rẻ đến thị trường tài chính tỏ ra rất ấn tượng. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã tăng 40% kể từ khi ông Abe hứa hẹn về các gói kích thích kinh tế khổng lồ hồi tháng 11. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ đều tăng kỷ lục.

Thật không may, tác động lên sản lượng lại vô cùng yếu. GDP của Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên các nền kinh tế của châu Âu lại chững lại, thậm chí đang suy giảm.

Nhìn chung, tỷ lệ tăng trưởng của các nước phát triển trên thế giới sẽ thấp hơn so với năm 2012, nhiều khả năng chỉ hơn 1% trong năm 2013.

Thế giới đang chạy đua với nền kinh tế "tiền tệ giá rẻ"? - Ảnh 1

Các nền kinh tế lớn đang cấp tốc "in tiền" ?

Các quan điểm trái ngược về một đồng tiền rẻ hơn

Với sự đối lập giữa bong bóng tài chính đang lớn dần lên và tỷ lệ tăng trưởng kém, liệu có chắc rằng các ngân hàng trung ương đang làm đúng? Có 2 quan điểm trái ngược cho câu hỏi này.

Một là phía những người ủng hộ, cho rằng tiền giá rẻ là điều cần thiết cho việc phục hồi kinh tế, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, các chính sách thắt lưng buộc bụng đang bóp nghẹt nền kinh tế.

Tuy nhiên, quan điểm của những người phản đối luôn chỉ trích tiền tệ rẻ hơn chỉ đơn giản là bơm thêm bong bóng tài sản, làm méo mó thị trường tài chính và thổi bùng nguy cơ lạm phát.

Các nhà phê bình đã đúng khi lập luận rằng đồng tiền rẻ hơn rõ ràng mang ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường tài chính, nhưng ảnh hưởng lên các lĩnh vực khác của nền kinh tế không được như kỳ vọng.

Chẳng hạn ở Mỹ, chi phí đi vay thấp hơn và tín dụng tiêu dùng phát triển nhưng người dân phải chịu ảnh hưởng từ giá nhà đất tăng lên, tốc độ tăng thế chấp cao hơn 40% so với năm trước.

Mối quan hệ khó giải thích nhất là giữa tiền tệ giá rẻ và đầu tư. Dĩ nhiên, các công ty không bỏ qua cợ hội hưởng mức lãi suất thấp để đi vay những khoản nợ mới, nhưng tiền mặt đi vay lại được sử dụng để tái tài trợ cho các khoản vay hoặc để xây dựng các quỹ. Điều đó mang lại tăng trưởng ít hơn so với việc xây dựng các nhà máy mới.

Các doanh nghiệp vẫn còn đang ngồi trên đống tiền mặt kỷ lục 1,8 nghìn tỷ USD chỉ riêng trong các công ty Mỹ. Ở Mỹ chi tiêu vốn đang tăng, trong khi giá cổ phiếu cao và chi phí đi vay thấp cuối cùng sẽ khiến cho các bong bóng tài chính tỉnh giấc.

Tiền tệ rẻ hơn sẽ chỉ có tác dụng nếu được quản lý đúng cách và nếu chính phủ cũng thay đổi nhiều thứ khác. Đạt được tính thuận chiều giữa chính sách tiền tệ và tài khóa là vô cùng quan trọng, như cách làm giảm “hiệu ứng lấn át” mà bất kỳ nhà kinh tế học nào cũng đã học thuộc lòng.

3 cách để chính sách tiền tệ giá rẻ đạt hiệu quả

Trên thực tế, chính sách tiền tệ nới lỏng hướng tới một đồng tiền rẻ hơn chỉ có thể đạt hiệu quả khi được áp dụng đúng cách và đi kèm theo một chính sách tài khóa phù hợp. Fed đang thực hiện chính sách này tốt hơn so với ECB và châu Âu có thể học hỏi 3 điều sau từ Mỹ.

Đầu tiên, không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng dự trữ liên bang của Mỹ nhận thấy tác động mạnh mẽ đến chi tiêu của các hộ gia đình và các công ty, đây là thành quả xứng đáng cho sự táo bạo của Fed. Ngược lại, cũng chẳng ai ngạc nhiên trước sự tăng trưởng yếu kém của châu Âu, là hệ quả từ sự rụt rè của ECB.

Thứ hai, ngân hàng trung ương nên đặt tiền vào nơi vấn đề đang xảy ra. Có thể nói Fed đã đặt tiền của mình vào đúng chỗ. Trên thực tế, việc mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng trung ương Anh tác động đến các hộ gia đình ít hơn chương trình mua trái phiếu thế chấp của Fed.

Nơi tập trung các vấn đề của châu Âu chính là các nước lâm vào khủng hoảng, đa phần nằm ở phía nam châu Âu. Triển vọng kinh tế ảm đạm không chỉ vì những lo ngại về đồng euro và tăng trưởng mà còn vì tiền tệ giá rẻ đã xuất hiện theo khu vực.

Theo Goldman Sachs, lãi suất cho vay kinh doanh ở phía nam châu Âu (các nước lâm vào khủng hoảng) cao hơn ở phía bắc gần 4%. Do vậy trong khu vực đồng euro, ECB nên giảm lãi suất cho vay đối với các công ty ở các nước đang khủng hoảng, tức cần tập trung ưu tiên giải quyết những nơi đang gặp bất ổn trước.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chính sách tiền tệ không hoạt động độc lập. Đi cùng biện pháp nới lỏng tiền tệ, nếu thắt chặt tài khóa, như cách mà châu Âu đã thực hiện và Mỹ hiện nay đang bắt đầu làm, sự kết hợp ngược chiều này sẽ làm giảm hiệu quả của tiền tệ giá rẻ.

Mỹ cũng đã cơ cấu lại các ngân hàng nhanh hơn châu Âu, và sức mạnh nền kinh tế được giải phóng hơn. Điều này cho phép Mỹ sử dụng đồng bạc xanh rẻ hơn một cách hiệu quả, bằng cách thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, điều này Anh cũng nên làm theo.

Còn tại châu Âu, sự kết hợp ngược chiều được thấy rõ một ECB rụt rè trong quyết sách tiền tệ đi cùng với hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt của các chính phủ, trong khi tái cơ cấu chỉ ở mức tối thiểu. Tất cả kết hợp lại sẽ không giúp cho bài toán tăng trưởng của các quốc gia châu Âu tìm ra lời giải cho quá trình phục hồi.

Điều mà châu Âu cũng như các nước phát triển đang theo đuổi tiền tệ giá rẻ cần là hành động táo bạo của các ngân hàng trung ương, đồng tiền rẻ hơn nhưng không có nghĩa được phép tùy tiện, mà phải biết đặt tiền đó vào đúng chỗ.

Chính sách tiền tệ nới lỏng cần đi cùng chính sách tài khóa phù hơp, không nhất thiết phải thuận chiều nhưng quan trọng vẫn phải giữ lợi thế có được từ một loại tiền tệ được định giá thấp hơn.