Thế giới trước nguy cơ bong bóng tài sản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong một thế giới vẫn đang phải vận lộn với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các bong bóng tài sản mới là những nguy cơ đe dọa làm chệch đà phục hồi trong giai đoạn hậu bão tài chính.

Thế giới trước nguy cơ bong bóng tài sản
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng các bong bóng tài sản mới là những nguy cơ đe dọa làm chệch đà phục hồi trong giai đoạn hậu bão tài chính. Nguồn: internet

Những lo lắng trên không phải không có cơ sở khi các nhà đầu tư đang mạnh tay chi cho các cổ phiếu với hy vọng sẽ được hưởng khi các mức lãi suất cơ bản vẫn được duy trì ở mức thấp kỷ lục (gần bằng 0% tại nhiều nước). Tiền mặt được cho vay với lãi suất quá thấp đã khuyến khích nhà đầu tư đi vay để đổ vào các loại tài sản với kỳ vọng rằng giá sẽ tăng. Giá đã tăng, thậm chí là tăng kỷ lục với một số tài sản, nhưng những người theo dõi thị trường đang lên tiếng cảnh báo rằng bong bóng có thể đang hình thành và sẽ nổ trong năm nay, khiến thị trường đứng bên bờ vực sụp đổ.

Các ngân hàng trung ương đã làm “ngập” thị trường bằng các khoản tín dụng với lãi suất thấp kỷ lục như một cách đối phó với các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau bắt đầu từ năm 2008. Trong tháng 11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất xuống mức thấp chưa từng có là 0,25%, bằng với mức đã được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì từ cuối năm 2008.

Giám đốc tài chính của Ngân hàng Thế giới, Bertrand Badre, cho rằng thanh khoản dồi dào đã đẩy lùi khủng hoảng, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng với các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục bơm tiền vào thị trường, song cũng cần phải xem xét tình hình hiện nay. Chủ tịch Cơ quan giám sát thị trường AMF của Pháp, ông Gerard Rameix, cho rằng lượng tiền mặt lớn là một mối nguy lớn bởi đây chính là một trong những căn nguyên của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ mà sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Theo Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế, Tim Adams, trong điều kiện lãi suất thấp, các nhà đầu tư nhắm tới bất kỳ tài sản nào có thể sinh lời và bong bóng đã bắt đầu xuất hiện ở một số lĩnh vực.

Lãi suất trái phiếu của các nước châu Âu, vốn chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, đã giảm mạnh, cho thấy các nhà đầu tư không còn coi đây là một nguy cơ bất chấp một thực tế là nền kinh tế tăng trưởng yếu trong khi giá trị tài sản cầm cố lên mức chưa từng có. Các ý kiến chỉ trích rằng đây là lỗi của các ngân hàng trung ương khi giữ lãi suất thấp kỷ lục và lựa chọn giải pháp bơm tiền cho nền kinh tế để thoát khủng hoảng và phục hồi. Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập những kỷ lục mới khi chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 17.000 điểm. Chịu tác động của cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, các cổ phiếu của châu Âu có phần bị hãm lại mặc dù DAX 30 - chỉ số chính của Đức - vẫn lên mức cao kỷ  lục.

Những quan ngại về bong bóng tài sản đã lan sang các thị trường địa ốc khi giá nhà đất ở London đắt hơn trung bình khoảng 20% so với thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Đức cũng bắt đầu lo lắng về giá tài sản quá cao. Bộ trưởng Tài chính nước này Wolfgang Schaeuble cảnh báo ECB rằng chính sách nới lỏng tiền tệ đang gây nguy cơ thổi phồng các thị trường lên mức nguy hiểm. Theo ông, không thể bỏ mặc các bong bóng này cho chính phủ giải quyết. Trong khi đó, người đồng cấp Pháp Michel Sapia lưu ý rằng nhiều phần của thị trường địa ốc đã cho thấy những dấu hiệu bong bóng đang hình thành. Đầu tháng này, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng các thị trường tài chính đang ở quá cao.

Trước những quan ngại này, các ngân hàng trung ương đã lên tiếng trấn an với lập luận rằng họ cần phải giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp để khuyến khích nền kinh tế tăng trưởng. ECB còn đưa ra một lý do nữa - đó là tránh cho châu Âu không bị rơi vào nguy cơ giảm phát. Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định những hiện tượng trên các thị trường chỉ là “sủi bọt”, không tiềm ẩn các nguy cơ mang tính hệ thống như thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính vừa qua. Ông khẳng định thị trường không tồn tại các điều kiện có thể tạo nên các bong bóng hệ thống. Trước đó, ECB đã có một bước đi chưa từng có tiền lệ khi đưa lãi suất về mức dưới 0% (âm) để bảo vệ Eurozone không rơi vào bẫy giảm phát và đẩy mạnh việc cho vay.

Trong  khi đó, bà Janet Yellen, Chủ tịch FED, phủ nhận việc chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ đã tạo bong bóng mới trên thị trường bất động sản hay chứng khoán. Một số nhà phân tích cũng không đồng tình với quan điểm rằng các tài sản đã bị thổi giá lên. Nhà phân tích Eric Turjeman ở Amundo giải thích, nếu giá tăng gấp đôi mà lợi nhuận không tăng tương ứng thì có nghĩa đã có bong bóng, nhưng tình hình hiện nay không phải như vậy.

Dẫu vậy các chuyên gia phân tích vẫn thận trọng cảnh báo các ngân hàng trung ương rằng họ giữ lãi suất thấp kỷ lục quá lâu và cần phải có những điều chỉnh phù hợp. Anton Brender, nhà kinh tế trưởng của Candriam Investors Group, cho rằng vấn đề không nằm ở nới lỏng chính sách tiền tệ mà là ở chỗ lãi suất quá thấp. Những mức lãi suất này là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đang nói với các nhà đầu tư là không nên đưa tiền cho ngân hàng, mà thay vào đó hãy chấp nhận rủi ro. Tương tự, Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của hãng bảo hiểm Euler Hermes, cảnh báo Mỹ đang đối mặt với nguy cơ cao khi các hệ thống công được tài chính hóa và thách thức đối với bà Yellen đó là làm xẹp các bong bóng mà không để cho chúng gây ra tiếng nổ. Còn tại châu Âu, các chuyên gia nhận định các nguy cơ đã được khoanh vùng tốt hơn so với cuộc khủng hoảng vừa qua khi Pháp chưa có dấu hiệu rõ nét về các bong bóng.