Thế giới tuyên chiến với tin giả: Quản lý bằng chế tài nghiêm khắc

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Từ châu Âu tới Mỹ, nơi các thiết chế vốn tự coi là dân chủ nhất đối với báo chí hay các phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội, nạn tin giả, tin thất thiệt cũng buộc các nước phải vào cuộc bằng những chế tài nghiêm khắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Châu Âu: Hình sự hóa tội tung tin thất thiệt

Một báo cáo công bố tháng 3/2017 của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, 42/57 quốc gia tham gia tổ chức này đã hình sự hóa tội tung tin giả bôi nhọ thanh danh và sỉ nhục cá nhân. Phạt tù là hình thức được áp dụng nhiều nhất, sau đó là phạt tiền, lao động công ích và tước bỏ các quyền chính trị. Các hành động bôi nhọ nguyên thủ, quốc gia... thường nhận được mức phạt nghiêm khắc hơn so với thông thường. 

Luật Hình sự Hà Lan quy định, mức phạt tù cao nhất (hiện là 5 năm) của tội bôi nhọ thanh danh sẽ tăng thêm 1/3 trong trường hợp bên bị hại là cơ quan chính quyền/công quyền, nhân viên nhà nước...

Tại Đức, hình phạt cho việc bôi nhọ thanh danh “một cá nhân liên quan đến đời sống chính trị” theo cách khiến các hoạt động ngoài cộng đồng của họ “trở nên khó khăn đáng kể”, có thể lên tới 5 năm tù. Tháng 6 năm ngoái, Đức thông qua Luật Cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng, các mạng xã hội như Facebook, Youtube... sẽ phải gỡ bỏ các bài viết có nội dung sai lệch/bôi nhọ “rõ ràng trái với luật pháp” trong vòng 24 giờ, sau khi được thông báo.

Nếu không thực hiện, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu euro. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Heiko Maas khi đó tuyên bố: “Tương tự như ở ngoài cuộc sống, chúng ta không nên có bất kỳ khoan nhượng nào đối với các hành vi phạm tội hình sự trên mạng xã hội”.

Mới đây nhất, Quốc hội Pháp cho biết sẽ sớm xem xét dự luật về siết chặt quản lý thông tin trên mạng. Theo nội dung được công bố hôm 7.3, trong thời gian diễn ra bầu cử (tính bắt đầu từ khi công bố sắc lệnh bầu cử cho đến khi kết thúc bỏ phiếu), các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter bắt buộc phải cung cấp thông tin chính thống, rõ ràng và minh bạch về danh tính đối tượng trả tiền chạy quảng cáo trên các ứng dụng này cũng như số tiền mà những đối tượng này bỏ ra nếu nó vượt qua mức quy định.

Thẩm phán, theo yêu cầu của Chính phủ hoặc cá nhân liên quan, sẽ được phép đình chỉ, gỡ bỏ nội dung đăng tải được cho là sai sự thật; yêu cầu đóng tài khoản được sử dụng để tung thông tin lên mạng, thậm chí có thể tước quyền truy cập internet của tài khoản đó. Dự luật mới cũng cho phép cơ quan giám sát truyền thông Pháp chống lại bất kỳ nỗ lực gây bất ổn nào do các tổ chức truyền thông có sự tài trợ của nước ngoài thực hiện.

Mỹ - Trung cùng siết chặt kiểm soát internet

Khác với châu Âu, tại Mỹ, theo luật pháp Liên bang, các hành động tung tin sai sự thật, bôi nhọ thanh danh... thường chỉ bị coi là tội phạm dân sự. Tuy nhiên, một số bang vẫn có hình phạt hình sự cho tội danh này.

Với quan điểm quyền tự do ngôn luận (bao gồm cả tự do báo chí) được ưu tiên tối đa, việc những người nổi tiếng như chính trị gia và ngôi sao có thể khởi kiện thành công các nguồn phát tán tin tức sai lệch, bôi nhọ thanh danh... là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề “tin giả thất thiệt” trên mạng xã hội ngày càng trở nên nóng hơn, và gây nhiều tranh cãi ngay trong chính nội bộ nước Mỹ. Ví dụ rõ ràng nhất là nhiều chính trị gia cho rằng, chính các nguồn tin tức giả đầy rẫy trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 đã góp phần không nhỏ dẫn đến sự thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.

Nhiều người đã kêu gọi tiến hành kiểm duyệt mạng xã hội (Facebook, Twitter...) và các công cụ tìm kiếm (Google...) - động thái khó có thể tưởng tượng sẽ xảy ra tại một quốc gia luôn cổ súy cho tự do ngôn luận và tự do báo chí như Mỹ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, kiểm soát thông tin lưu hành trên internet không còn là điều xa lạ. Nếu Facebook bản thân nó mới đưa vào hoạt động hệ thống kiểm duyệt tin đồn, thì Weibo (mạng xã hội kiểu Trung Quốc) đã có tính năng này trước đó 4 năm. Mới đây, Wechat, ứng dụng chat phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 900 triệu người sử dụng, cũng đã giới thiệu tính năng giúp phát đi cảnh báo cho người dùng về thông tin sai lệch đang lưu hành trên internet.

Năm 2014, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã công bố các quy định mới, trong đó cho phép kiện các trang web tội bôi nhọ và làm lộ quyền riêng tư. Giữa năm 2016, giới chức truyền thông nước này đưa ra quy định cấm các cơ quan truyền thông trích dẫn lại thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng. Một loạt trang tin hàng đầu nước này như Sina, Tencent, Phoenix… đều đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt của chính phủ.

“Tất cả các trang web trên không gian mạng phải có trách nhiệm quản lý nội dung, tăng cường giám sát và điều tra, nghiêm túc phát hiện và xử lý thông tin giả và thiếu căn cứ”, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc tuyên bố. Từ cuối năm 2016, chiến dịch xử lý thông tin giả trên internet của Trung Quốc càng được đẩy mạnh. Các trang web vi phạm có thể phải bị phạt tiền lên tới 72.000 USD.

Bôi nhọ hoàng tộc và hình phạt nghiêm khắc

Đối với những đất nước theo chế độ quân chủ lập hiến, việc tung tin đồn thất thiệt bôi nhọ và xúc phạm các thành viên Hoàng tộc đối mặt với những hình thức phạt nghiêm khắc hơn.

Tại Kuwait, bất kỳ hành động phê phán người đứng đầu đất nước đều có khả năng bị phạt tù 5 năm, và tệ hơn là bị lưu đày. Tại Ảrập Xêút, xúc phạm nhà vua được coi là một hành động khủng bố. Còn ở Thái Lan, hình phạt cao nhất cho hành vi bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua là 15 năm tù.

Hình phạt nặng nề nhất có lẽ đến từ Iran. Những ai xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed có thể phải lĩnh án tử hình. Tuy nhiên, hành vi bôi nhọ các nhà lãnh đạo đất nước sẽ chỉ phải đối mặt với bị phạt tù, phạt tiền và… phạt roi. Một vài năm trước, Maziar Bahari, phóng viên tờ Newsweek từng bị kết án nửa năm tù và 74 roi sau khi có hành động xúc phạm Tổng thống nước này.