Thế nào là một quốc gia vỡ nợ?

Theo vnexpress.net

(Taichinh) - Khi một Chính phủ không thể trả tiền vay đúng hạn, nước đó sẽ được gọi là "vỡ nợ", bị hạn chế khả năng vay vốn quốc tế và sẽ phải tái cấu trúc nợ nếu muốn quay lại thị trường.

Khi một Chính phủ không thể trả tiền cho các chủ nợ đúng hạn, nước đó sẽ được gọi là “vỡ nợ”. Nguồn: internet
Khi một Chính phủ không thể trả tiền cho các chủ nợ đúng hạn, nước đó sẽ được gọi là “vỡ nợ”. Nguồn: internet

Từ hàng thế kỷ trước, nhiều quốc gia đã phải lâm vào cảnh chật vật trả nợ. Vua Tây Ban Nha – Philip II từ thế kỷ 16 đã chứng kiến nước mình vỡ nợ 4 lần trong giai đoạn trị vì. Hy Lạp và Argentina cũng đã thất hẹn với các chủ nợ lần lượt 7 và 8 lần trong 200 năm qua. Theo số liệu của Economist, hầu hết các nước đều từng vỡ nợ ít nhất một lần trong lịch sử.

Nói một cách chính xác, các quốc gia không vỡ nợ, mà là các Chính phủ. Khi một Chính phủ không thể trả tiền cho các chủ nợ đúng hạn, nước đó sẽ được gọi là “vỡ nợ”. Tuy nhiên, kiểu vỡ nợ này khác với các doanh nghiệp. Do các chủ nợ khó thu hồi tài sản quốc gia, hơn là tài sản các công ty thông thường.

Vỡ nợ có thể là thời kỳ rất đau đớn với các quốc gia, đặc biệt nếu việc này ngoài dự đoán và không theo trật tự. Người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo ngại nội tệ mất giá sẽ đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển chúng ra nước ngoài.

Để ngăn chặn tình trạng này và chống nội tệ mất giá, các Chính phủ sẽ đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Như trong trường hợp mới nhất của Hy Lạp, nước này hôm qua đã quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong một tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày và các giao dịch thanh toán với nước ngoài.

Một hậu quả thường thấy nhất sau khi vỡ nợ là khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Vì họ sẽ một là tăng mạnh lãi suất cho vay, hai là từ chối cho vay các nước đang gặp rắc rối. Trầm trọng hơn, các doanh nghiệp và cá nhân cũng khó vay vốn nước ngoài. Khi một nền kinh tế vỡ nợ, tức là họ đã đóng cửa và phải dựa vào bản thân.

Vai trò của ngân hàng trung ương lúc này trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo dòng tiền trong nước, dù cơ quan này thường có xu hướng in thêm tiền và tạo ra lạm phát. Nếu hệ thống ngân hàng quá phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, đất nước đó sẽ gặp rắc rối. Vì khi ngân hàng bất chợt hết tiền, cả nền kinh tế sẽ lao đao.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng sẽ không ngần ngại cảnh báo về khả năng đầu tư vào quốc gia vỡ nợ. Hôm qua, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Chính phủ của Hy Lạp từ CCC xuống CCC- với triển vọng tiêu cực. Hãng này cũng cảnh báo có thể đưa Hy Lạp xuống mức "vỡ nợ một phần" (selective default) trong 6 tháng tới.

Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh những người thích cho vay lãi suất cao cuối cùng vẫn mở hầu bao với các nước vỡ nợ. Miễn là sau này họ nhận được khoản trả tương xứng với hành động chấp nhận rủi ro này.

Ngoài ra, các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) - công cụ đóng vai trò bảo hiểm trong trường hợp vỡ nợ Chính phủ và doanh nghiệp, cũng cho phép các chủ nợ trái phiếu hạn chế rủi ro. Dù vậy, không phải tất cả các vụ vỡ nợ đều như nhau. Argentina năm ngoái lại vỡ nợ vì từ chối trả 1,3 tỷ USD kèm lãi vay cho nhóm chủ nợ từ năm 2001.

Sau khi vỡ nợ, để lôi kéo sự ủng hộ của thị trường quốc tế, các quốc gia thường có xu hướng tái cấu trúc nợ hơn là chỉ đơn giản từ chối thanh toán. Tuy nhiên, biện pháp giảm giá trái phiếu này có thể còn mang lại kết quả đau đớn hơn với người nắm trái phiếu Chính phủ. Ví dụ, sau khi vỡ nợ 81 tỷ USD năm 2001, Argentina đã đề nghị trả các chủ nợ một phần ba số tiền.

Dù vậy, sau đó, nước này cũng đã cố gắng đạt thỏa thuận hoán đổi 93% khoản vay với các chủ nợ trong các đợt năm 2005 và 2010. Nhưng phần còn lại, hiện được nắm giữ bởi các quỹ đầu tư Mỹ, vẫn còn đang gây tranh cãi. Những người này đang chờ được trả 1,3 tỷ USD cộng tiền lãi. Khi Hy Lạp vỡ nợ năm 2012, các chủ nợ trái phiếu cũng bị buộc chỉ nhận tối đa 50%.

Trong trường hợp ít đau đớn hơn, các nước có thể lựa chọn tái cấu trúc bằng cách đề nghị kéo dài thời gian trả nợ. Nhưng việc này cũng có nghĩa giá trị trái phiếu sẽ bị giảm đi, và không phải phương án hoàn toàn không đau đớn với nhóm chủ nợ.

Hiện tại, chưa có bộ luật hay tòa án quốc tế nào cho việc giải quyết các vụ vỡ nợ Chính phủ. Điều này phần nào giải thích cho sự khác biệt trong thời gian giải quyết và mức độ trầm trọng của các vụ vỡ nợ từ trước đến nay.

Nhiều điều luật đã được đề xuất, nhưng điều kiện áp dụng còn tùy thuộc từng quốc gia phát hành nợ. Cũng như một cuộc ly hôn rắc rối, đàm phán quanh việc vỡ nợ có thể khiến tất cả các bên tham gia phải trả giá đắt.