Thị trường châu Á vẫn còn hấp dẫn

Theo VnExpress

Dù cả IMF và ADB đều cảnh báo khu vực này đang tăng trưởng chậm, nhưng theo nhiều chuyên gia, lãi suất ở đây vẫn trên 0% và còn nhiều cơ hội để nới lỏng.

Thị trường châu Á vẫn còn hấp dẫn
Châu Á chưa mất đi sức hấp dẫn trong con mắt giới đầu tư toàn cầu
Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia phát triển châu Á cần đứng vững trước ảnh hưởng từ phương Tây. Ngay sau đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này. Nhiều nhà phân tích cho rằng châu Á đang dần mất đi hào quang và trở nên kém hấp dẫn.

Hai nhà kinh tế trưởng Qu Hongbin và Frederic Neumann tại HSBC cho biết: "Đây là việc không ai lường trước được.Tăng trưởng những tháng gần đây đã chậm lại, làm tiêu tan mọi hy vọng phục hồi. Ngoài châu Âu, Trung Quốc cũng là một phần nguyên do của tình trạng này".

ADB đã giảm triển vọng tăng trưởng của châu Á xuống còn 6,1% từ mức 6,9% hồi tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ 2009. Ông Changyong Rhee, nhà kinh tế trưởng tại ADB cho biết: "Châu Á đang phát triển chậm hơn dự đoán của chúng tôi. Tốc độ tăng GDP hai chữ số sẽ không còn nữa".

Các nhà phân tích đang băn khoăn liệu Trung Quốc có tung thêm biện pháp kích thích để tránh hạ cánh cứng hay không. Cả Qu và Neumann đều hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm hành động. Họ cho rằng cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất thập kỷ có thể là lý do nước này chưa sẵn sàng kích thích tăng trưởng.

Hai ông nhận định: "Vì tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào chi tiêu công, nên sự thay đổi lãnh đạo sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc".

Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng châu Á chưa mất đi sức hấp dẫn và thế giới cần kiên trì chờ đợi. Năm sau, khi đã ổn định chính trị, Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng chính sách. Rhee cũng cho rằng các nhà đầu tư không nên hoảng loạn. Ông nói: "Đây là sự điều chỉnh tự nhiên để tiến tới tăng trưởng bền vững".

Công ty tư vấn Capital Economics cho biết trong tất cả các khu vực trên thế giới, châu Á là nơi có khả năng chống lại ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu lớn nhất. Ông nhận định: "Châu Á vẫn có thể nới lỏng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Không như các nước phát triển, lãi suất ở đây vẫn cao hơn 0%. Vì vậy, cơ hội cắt giảm còn rất nhiều".

Ngân hàng ANZ cũng cho rằng khi tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ trượt dốc, thì Đông Nam Á lại phục hồi khá ấn tượng. Phần lớn các nước châu Á đã "kết nối lại" với phương Tây, nhưng cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu đều yếu.

Trong khi đó, một báo cáo của ANZ cho biết: "Việc này không xảy ra tại Đông Nam Á trong vài quý trở lại đây, khi nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu gần như không ảnh hưởng đến nhau". Việc này cũng có nghĩa các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam "có thể sẽ chống đỡ tốt" nếu kinh tế thế giới suy giảm mạnh hơn nữa.