Thị trường năng lượng châu Âu: Mỹ tìm đường lấn sân Nga

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Sự thống trị của khí đốt Nga tại thị trường châu Âu là một nội dung quan trọng trong chuyến công du châu Âu một tuần qua của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Washington dường như đang tìm cách soán ngôi Moscow trong lĩnh vực then chốt tại thị trường giàu tiềm năng này. Nhưng đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Mỹ Andrzej Duda trong chuyến thăm Ba Lan ngày 26/1. Nguồn: Internet
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Mỹ Andrzej Duda trong chuyến thăm Ba Lan ngày 26/1. Nguồn: Internet

Công cụ chính trị?

Phát biểu với báo giới tại Ba Lan, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ cùng Ba Lan phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 kết nối Nga và Đức, cho rằng đường ống này sẽ gây hại đến an ninh năng lượng châu Âu. Theo quan chức Nhà Trắng, dự án của Nga làm suy yếu an ninh năng lượng và sự ổn định chung của châu Âu, đồng thời cung cấp cho Nga thêm một công cụ chính trị.

Chuyến thăm Ba Lan của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra vào lúc Mỹ đang đẩy mạnh xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng sang Trung Âu và thách thức quyền kiểm soát của Nga đối với các nguồn cung ứng năng lượng. Các quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng, Washington sẽ giúp các nước châu Âu đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng để họ không lệ thuộc vào Nga.

Trước đó, hồi tháng 6 năm ngoái, lô khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ xuất sang Trung Âu được đưa đến Ba Lan. Bộ Ngoại giao Mỹ vào thời điểm đó tuyên bố Washington “đã làm việc chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đa dạng hóa các nguồn cung ứng năng lượng của châu Âu thông qua các nguồn khí đốt thiên nhiên mới”.

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng sau một loạt cuộc khủng hoảng khí đốt xảy ra giữa Nga và Ukraine tác động đến nguồn cung dầu cho châu Âu. Đã có những bước đi rõ ràng khi các nước Trung và Đông Âu, trong đó có một số nước phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đang dần phá vỡ thế cô lập. Nhiều hệ thống kết nối đã được xây dựng, bảo đảm cho Ba Lan, Séc và Slovakia vẫn có thể nhận được khí đốt từ các nước láng giềng Tây Âu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Ba Lan đã tăng cường đầu tư để nhập khí đốt từ Qatar, Na Uy hay từ Mỹ với mục đích chính là chấm dứt hợp đồng với tập đoàn Gazprom của Nga trong vòng 5 năm tới, khi hợp đồng cung cấp 10 tỷ m3 mỗi năm sẽ hết hạn vào năm 2022.

Một giải pháp khác đang được tính đến là hai nguồn khí hóa lỏng của Mỹ và Australia. Một số kho dự trữ, như tại Ba Lan hay Pháp, đã được khánh thành đầu năm 2017, dù “mới chỉ hoạt động khoảng 1/4 công suất vì khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt hơn khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp bị thiếu, các kho này có thể thay thế phần nào”.

Sự lệ thuộc tất yếu

Thực tế, dù đã nhiều lần tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, nhưng hiện EU còn phụ thuộc hơn bao giờ hết vào nguồn khí đốt của Moscow.

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho biết trong tháng 1, tập đoàn này đã hoàn tất đơn vận sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ với tổng giá trị kỷ lục là 193,9 tỷ mét khối khí, cao hơn 8% so với mức kỷ lục trước đó được lập năm 2016. Kết quả này không chỉ là thắng lợi về mặt tài chính cho Gazprom, tập đoàn có xuất khẩu dầu khí là nguồn lợi nhuận chính, mà còn là một thắng lợi chính trị vào thời điểm mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và EU đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chủ tịch Gazprom Alexei Miller khẳng định, các con số này “cho thấy nhu cầu tiêu thụ khí đốt nhập từ Nga của các nước châu Âu đang ngày càng tăng, đồng thời thể hiện lòng tin vào những đơn vận này trong các giao dịch”. Theo số liệu của Gazprom, lượng cung hàng sang Đức và Áo đã đạt mức cao lịch sử và xuất khẩu sang Pháp tăng 6,7% so với năm 2016.

Và thực tế này khiến các tham vọng của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng của châu Âu thiếu tính khả thi, nếu không muốn nói là phi thực tế. Nguyên nhân thì có nhiều. 

Thứ nhất, đó là lợi ích quốc gia và thời cơ kinh tế. Giá khí đốt hiện nay rẻ hơn 3 lần, nên việc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới tốn kém và dài trở nên vô nghĩa. Việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, thay vì sử dụng khí đốt của Nga lại bị ép buộc nhập khí hóa lỏng từ Mỹ có giá đắt hơn nhiều lần. Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giúp rút ngắn việc cung cấp khí đốt của Nga tới Đức xuống 2.000km so với trung chuyển qua Ukraine và rẻ hơn 1,5 lần. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, công suất của đường ống này đạt 55 tỷ mét khối khí đốt/năm. 

Thứ hai, theo ông Valery Nesterov, nhà phân tích dầu mỏ và khí đốt thuộc Ngân hàng Sberbank CIB của Nga, nhu cầu của EU về khí đốt đang tăng do “sự phục hồi kinh tế” ở châu Âu và giá khí đốt trở nên “cạnh tranh hơn” so với giá than đá. Các lý do khác cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu khí đốt ở châu Âu như mùa Đông ở châu Âu ngày càng khắc nghiệt, sự suy giảm sản lượng khí đốt của châu Âu (chủ yếu là Hà Lan) và việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, ví dụ ở Đức. Xét về khả năng Nga giảm xuất khẩu dầu khí sang EU trong năm nay sau mức tăng kỷ lục năm 2017, ông Nesterov cho rằng xu hướng chung sẽ không thay đổi: “Gazprom tiếp tục giữ được thị phần ở EU”.

Nguyên nhân thứ ba chính là sự thiếu vắng thật sự một nguồn cung cấp thay thế. Trữ lượng khí đốt của Azerbaijan chỉ bằng 1/10 so với Nga, còn trữ lượng của Na Uy thì đang giảm dần. Trong khi đó, Algeria - quốc gia Bắc Phi cung cấp khí đốt cho Nam Âu, trong đó có Pháp - cũng không có chính sách chắc chắn hơn Nga. Hơn nữa, chính quyền này còn từ chối mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đây lại là điều cần thiết để tăng sản lượng khai thác. Vì vậy, Nga vẫn đóng vai trò rất quan trọng.