Thị trường tài chính châu Á: Tiềm năng để phát triển sâu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một bức tranh hội nhập sâu về tài chính và đây là tin tức cực kỳ tốt lành cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư và lĩnh vực tài chính tại châu Á.

Thị trường tài chính châu Á: Tiềm năng để phát triển sâu
Thị trường tài chính châu Á còn nhiều dư địa để phát triển. Nguồn: internet

Thị trường còn kém phát triển

Các tờ báo quốc tế lớn những ngày gần đây liên tục đăng tải các thông tin cảnh báo về nguy cơ thị trường châu Á lâm vào khó khăn: Trung Quốc có quá nhiều nợ DN; các hộ gia đình Hàn Quốc sử dụng đòn bẩy nợ quá mức trong khi các rủi ro chính trị tại Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan đang đe dọa kìm hãm các cải cách cần thiết… Hầu hết cho rằng xu hướng như vậy sẽ tiếp tục.

Muốn biết một thị trường tài chính lớn và sâu bao nhiêu, có thể đo lường dựa trên tỷ lệ giá trị các tài sản tài chính (chứng khoán, trái phiếu và các khoản vay) của một quốc gia trong tổng GDP. Nếu thông qua lăng kính đó thì rõ ràng là các thị trường tài chính châu Á đang ở mức kém phát triển.

Độ sâu của thị trường tài chính Mỹ bằng khoảng 450% GDP - tức khoảng 70 nghìn tỷ USD tổng giá trị trái phiếu DN, chứng khoán và các khoản vay so với khoảng 16 nghìn tỷ USD GDP của Mỹ hiện nay. Trong khi đó, các thị trường tài chính châu Á (trừ Nhật Bản và Australia) có tổng giá trị chỉ tương đương GDP khu vực.

Trái phiếu DN của châu Á (trừ Nhật Bản và Australia) hiện chỉ ở mức 4,7 nghìn tỷ USD trong khi con số này tại Mỹ là 22,4 nghìn tỷ USD và châu Âu là 17,5 nghìn tỷ USD.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính châu Á chưa phát triển sâu là vì phần lớn tài sản vẫn nằm trong các tài khoản ngân hàng và chưa “xâm nhập” vào hệ thống tài chính thông qua quản lý dòng tiền chuyên nghiệp, ví dụ như các quỹ tương hỗ, các nhà quản lý tài sản…

Các DN tại châu Á hiện vẫn dựa rất nhiều vào vốn ngân hàng trong khi những người nhiều của cải đang có quá ít lựa chọn kênh đầu tư, ngoài việc đầu tư vào bất động sản, vàng, các thị trường cổ phiếu hay gửi tiết kiệm. Các công ty ở châu Á không thể phát hành trái phiếu như họ mong muốn bởi cầu trong khu vực không đủ lớn và các NĐT thì cũng không thể mua các trái phiếu DN trong khu vực bởi các thị trường ở đây chưa đủ lớn, sâu và thanh khoản tốt như tại phương Tây.

Một dấu hiệu nữa cho thấy thị trường tài chính chưa phát triển sâu hơn ở châu Á, đó là việc sử dụng các công cụ cho phép chuyển giao rủi ro trong hệ thống tài chính, cụ thể là giao dịch ngoại hối, các sản phẩm phái sinh và giao dịch tương lai.

Nếu tính cả các công cụ này thì tổng các tài sản tài chính trên GDP ở phương Tây hiện cao hơn châu Á (trừ Nhật Bản và Australia) đến 23 lần. Ngay như với ngoại hối, hiện đã là một công cụ lớn ở châu Á vì hiện tại đồng USD là đồng tiền dự trữ ngoại hối toàn cầu số 1.

Tuy nhiên, ngay cả khi có Singapore là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn thứ 3 thế giới thì xét về tổng thể, châu Á hiện vẫn kém xa phương Tây về giao dịch ngoại hối. Với các sản phẩm phái sinh và tương lai, châu Á cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây.

Sẵn sàng để tiến những bước dài

Bức tranh như vậy có vẻ ảm đạm, nhưng đằng sau đó còn một bức tranh khác mà dường như lúc này chưa được quan tâm. Ấy là bức tranh về một thị trường tài chính châu Á còn kém phát triển nhưng đang sẵn sàng để tiến những bước dài so với phương Tây. Một bức tranh hội nhập sâu về tài chính và đây là tin tức cực kỳ tốt lành cho các DN, các nhà đầu tư và lĩnh vực tài chính tại châu Á.

Bởi khi nền tài chính phát triển càng sâu thì chi phí vay mượn của chính phủ và các DN càng thấp hơn. Đồng thời, khi các sản phẩm tài chính rẻ hơn và đa dạng hơn thì vòng quay của nền kinh tế cũng nhanh hơn và nhờ đó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả mọi người.

Chúng tôi tin tưởng rằng, các công cụ tài chính sẽ tăng trưởng đáng kể ở châu Á trong thời gian tới vì sẽ ngày càng có nhiều công ty có nhu cầu bảo hiểm trước rủi ro về hàng hóa, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Đồng thời với đó là việc tài sản  sẽ được quản lý càng ngày càng tốt hơn bởi các tổ chức đầu tư và tài chính chuyên nghiệp.

Do đó hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, châu Á sắp tiến tới thời điểm bùng nổ về phát triển thị trường tài chính khi các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư có nhu cầu mạnh mẽ hơn đối với trái phiếu cũng như sử dụng các sản phẩm phái sinh, qua đó cho phép chuyển giao hiệu quả hơn các rủi ro trong hệ thống tài chính.

Các nhà quản lý châu Á cũng đang thúc đẩy thị trường tài chính phát triển sâu hơn bằng việc từng bước giới thiệu các khung khổ điều tiết để thị trường phát triển. Có thể thấy điều này ở việc các nền kinh tế khu vực đang đưa ra các tiêu chuẩn mới tốt hơn, cho phép triển khai các sản phẩm tài chính đa dạng hơn để các nhà đầu tư có thể tham gia.

Tất cả những nỗ lực như vậy sẽ giúp tạo ra một chu kỳ phát triển mới và bền vững hơn. Ở đó, các công ty sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc huy động vốn cho DN mình, còn các cá nhân và tổ chức cũng sẽ có nhiều kênh lựa chọn hơn trong tiết kiệm và đầu tư.

Theo dự báo của chúng tôi, vào năm 2017, thị trường trái phiếu DN ở châu Á (trừ Nhật Bản và Australia) sẽ có bước tăng trưởng đáng kể và có thể đạt tới 10 nghìn tỷ USD, chiếm 40% trong các phương thức huy động vốn của DN, tăng 12% so với mức 28% năm 2012.

Hiện tại, châu Á chiếm khoảng 30% của cải toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC), các tài sản tại châu Á do các quỹ và tổ chức tài chính chuyên nghiệp quản lý lý chỉ chiếm 12% trong tổng tài sản đang quản lý trên toàn cầu. Đến năm 2020, con số này có thể tăng lên mức 16%.

Trong khi thị trường tài chính tại các nước phương Tây đã rất phát triển và khó có thể tiến sâu thêm thì các thị trường tài chính châu Á – đang ở mức “nông” hiện nay sẽ có cơ hội lớn để tiến những bước mạnh mẽ. Đây hoàn toàn có thể xem là một tin tức tốt lành vì các nhà đầu tư khu vực có thể quản lý tài sản của mình bằng nhiều kênh và công cụ tài chính đa dạng hơn.

Các DN khu vực cũng sẽ tiếp cận, huy động các nguồn vốn tốt hơn, đồng thời có thể sử dụng các sản phẩm bảo hiểm rủi ro nhiều hơn từ đó tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của họ trong khi được bảo vệ an toàn hơn. Nhìn tổng thể, khu vực tài chính ở châu Á sẽ được hưởng lợi từ những bước phát triển sâu hơn này.