Thị trường tài chính thế giới: Trông chờ kinh tế Mỹ

ThS. NGUYỄN THỊ THU HUYỀN - Đại học Ngoại thương Hà Nội

(Tài chính) Thị trường tài chính thế giới năm 2014 chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu, bất ổn về chính trị và chính sách của các ngân hàng của các ngân hàng trung ương. Bởi vậy, thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua diễn biến theo xu hướng trái chiều, không ổn định. Triển vọng thị trường tài chính toàn cầu năm 2015 có “ấm dần đều” hay không phụ thuộc phần lớn vào nền kinh tế Mỹ.


Thị trường tài chính trước những biến động về kinh tế - chính trị toàn cầu

Năm 2014 ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực từ thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, sự phát triển không ổn định của TTCK toàn cầu. Chỉ số MSCI toàn cầu tăng 5,5% so năm trước (thấp hơn mức tăng 20% của năm 2013). TTCK Mỹ phục hồi (chỉ số S&P500, Dow Jones và Nasdaq đồng loạt tăng điểm lần lượt là 11,39%, 7,52% và 13,4%). Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc và chỉ số BSE của Ấn Độ cũng tăng điểm lần lượt là 52,87% và 31,29%. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự tăng giá mạnh của đồng USD so với những đồng tiền chủ chốt khác. Tình hình kinh tế vĩ mô không đồng đều, chính sách tiền tệ khác biệt và những căng thẳng địa chính trị đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính, cụ thể là TTCK và thị trường tiền tệ.

Thị trường chứng khoán

Điểm lại TTCK thế giới năm 2014 có thể thấy, TTCK tại các nước có diễn biến trái chiều. Trong quý I/2014, chỉ số MSCI toàn cầu tăng xấp xỉ 0,6%, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ cũng đạt mức tăng 1,8%, nhờ những thông tin tích cực từ báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng của TTCK Mỹ, chỉ số chứng khoán FTSE của Anh trong quý này giảm 0,6%. Các DN có mức vốn hóa lớn giảm 1,3% trong khi các DN có mức vốn hóa trung bình tăng 2,6%. TTCK châu Á điển hình là chỉ số chứng khoán Topix của Nhật Bản giảm 6,9% do niềm tin của các nhà đầu tư bị chi phối và ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine.

Thị trường tài chính thế giới: Trông chờ kinh tế Mỹ - Ảnh 1

Bước sang quý II/2014, chỉ số Morgan Stanley Capital International (MSCI) toàn cầu duy trì mức tăng trưởng 3,4%. Thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn có xu hướng đi lên, dẫn chứng là chỉ số S&P 500 đạt mức tăng trưởng 5,2%, do niềm tin của nhà đầu tư vào đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Thị trường cổ phiếu khu vực Eurozone tiếp tục duy trì mức lợi nhuận dương do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phòng ngừa ám ảnh giảm phát vào những ngày đầu tháng 6. Theo đó, ECB đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,25% xuống 0,15%, lãi suất huy động giảm xuống mức - 0,1%, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế của các DN vừa và nhỏ. Cũng trong quý này, thị trường cổ phiếu của Nhật Bản đã ghi nhận 2 đợt tăng điểm lần lượt 1,6% và 3,4% vào 2 tháng cuối quý II, đẩy mức tăng điểm của thị trường lên 4,8%. TTCK các nước châu Á khác cũng đạt được lợi nhuận dương, dẫn chứng là chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc), chỉ số Kospi (Hàn Quốc) và chỉ số TWI của Đài Loan đồng loạt tăng điểm lần lượt 0,04%, 0,51% và 5,9%.

Đến quý III/2014, lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế tại châu Âu và Trung Quốc không được như mong đợi đã khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm điểm, chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,6%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ vẫn duy trì mức tăng 1,1%. TTCK châu Âu trong quý này có diễn biến không mấy khả quan do chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế của Trung Quốc. Chỉ số DAX của Đức giảm 4,3%, chỉ số FTSE của Anh giảm 0,9%. Trong quý này, TTCK Nhật Bản đạt được mức tăng 5,8%. Việc đồng Yên rớt giá và giảm sâu vào giữa tháng 8 đã hỗ trợ tích cực cho các DN xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng điện dân dụng, sản xuất ôtô, chế tạo máy. Tại Trung Quốc, TTCK tăng 15,3% mặc dù tăng trưởng GDP giảm xuống 7,3% và là quý tăng trưởng chậm nhất hơn 5 năm qua. Sở dĩ Trung Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng này là do tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9,4%.

Quý IV/2014, chỉ số MSCI toàn cầu tăng 5,1%. TTCK khu vực Eurozone có nhiều biến động trái chiều. Trong khi thị trường Ý giảm điểm (chỉ số FTSE MIB giảm 8,2% do mức tăng trưởng GDP quý III của nước này chỉ đạt 0,1%) thì TTCK Đức lại có sự hồi phục mạnh mẽ nhờ vào đồng Euro suy yếu so với đồng USD. Tại Anh, các thương vụ M&A trong quý này tác động tích cực lên TTCK khiến chỉ số FTSE của Anh tăng nhẹ 0,6%. Tại khu vực châu Á, TTCK Nhật Bản đạt mức tăng 6,2% do “ngấm” chính sách nới lỏng định lượng từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và quyết định hoãn tăng thuế tiêu thụ của Thủ tướng Abe, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. So với các thị trường khác trong khu vực, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng điểm ấn tượng nhất, đạt xấp xỉ 36% mặc dù tình hình kinh tế những tháng cuối năm không mấy khả quan. Tuy nhiên, thị trường này vẫn được các nhà đầu tư kỳ vọng nhờ thông tin cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra vào hồi tháng 11. Khu vực thị trường mới nổi trong quý này giảm điểm nhiều nhất trong cả năm 2014, chỉ số FTSE Emerging giảm 1,3%.

Thị trường tiền tệ

Trong năm 2014, đồng USD đã có một năm tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác nhờ vào tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ và sự khác biệt trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ so với các nước khác. Chỉ số USD - index đo lường mức độ biến động của đồng USD so với giỏ những đồng tiền được giao dịch rộng rãi khác đã tăng hơn 12%, đạt ngưỡng 83,04. Các nhà đầu tư đã dành nhiều sự quan tâm cho đồng USD kể từ nửa cuối năm 2014, do mức tăng trưởng vượt trội của kinh tế Mỹ so với các quốc gia khác. Trong khi đó, mức tăng trưởng yếu và tỷ lệ lạm phát thấp tại Eurozone và Nhật Bản đã buộc ngân hàng trung ương tại các quốc gia này phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này dẫn tới sự suy yếu của đồng EUR và Yên Nhật. Cụ thể, đồng Yên giảm 14,1%, đồng EUR giảm 12,3% và đồng GBP giảm 5,4% so với đồng USD.

Thị trường tài chính thế giới: Trông chờ kinh tế Mỹ - Ảnh 2

Đáng chú ý là từ giữa năm 2014 bắt đầu xuất hiện đà lao dốc của đồng Rúp Nga so với USD và đỉnh điểm là tỷ giá Rúp/USD giảm xấp xỉ 17% chỉ trong tháng 12/2014. Có thể thấy, Rúp là đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới trong năm 2014. Giá dầu thô giảm liên tiếp, cộng với lệnh trừng phạt Nga của phương Tây do những liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư vào các tài sản tại Nga.

Theo ước tính của Bộ Kinh tế Nga, lượng vốn chạy khỏi nước này trong năm 2014 là 125 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2008. Tính từ đầu năm đến hết năm 2014, Nga đã “bơm” ra hơn 80 tỷ USD khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống còn 416 tỷ USD, thấp nhất trong 5 năm qua. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 10,5% lên 17% và yêu cầu các công ty xuất khẩu lớn bán ra một phần ngoại tệ. Nhờ những nỗ lực cải thiện trên, cuối tháng 12/2014, đồng Rúp đã tăng giá trở lại. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối sụt giảm sâu và mức lạm phát vượt ngưỡng 10% sẽ làm gia tăng những thách thức mà Nga phải đối mặt trong thời gian tới.

Đặc biệt là sự kiện tháng 9/2014, Trung Quốc bắt đầu cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ (CNY) với đồng EUR. Việc giao dịch trực tiếp giữa đồng CNY với EUR đã gắn đồng CNY với đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc quốc tế hóa CNY của Trung Quốc. Sau sự kiện này, đồng CNY liên tiếp tăng giá so với đồng EUR. Theo báo cáo của Tập đoàn Đầu tư quốc tế Trung Quốc (CICC), trong 3 quý đầu năm 2014, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 152,7 tỷ USD (tương đương 2,2% GDP), thặng dư tài khoản vốn cũng đạt mức cao. Dữ liệu thặng dư kép này đã hỗ trợ tỷ giá đồng CNY so với đồng USD tăng lên trong quý 3. Tuy nhiên, đến quý IV/2014, tỷ giá CNY/USD lại tiếp tục giảm nhẹ.

Triển vọng năm 2015

Triển vọng thị trường tài chính toàn cầu năm 2015 phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương và tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Theo dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2015 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% theo sau mức tăng 3,3% đã đạt được từ năm 2014. Kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 3,6% trong năm nay. Trong khi đó, kinh tế Nga được đánh giá là khó hồi phục trong năm 2015, với mức tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 3%. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, với mức tăng 6,8%. Kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng đạt 1,2% trong năm 2015.

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2015 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% theo sau mức tăng 3,3% đã đạt được từ năm 2014. Kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 3,6% trong năm nay. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng 6,8% và Eurozone 1,2%.

Bên cạnh đó, sự chững lại của các nền kinh tế đang phát triển, những nguy cơ địa chính trị đang đe doạ phá hỏng triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tình trạng leo thang của cuộc xung đột tại Ukraina đã xô đổ tương lai của nền kinh tế Nga và ảnh hưởng của nó thậm chí còn lan sang cả các nước lân cận vốn có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt tài chính và thương mại với quốc gia này. Theo đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2015 xuống mức 0,5% sau khi giới đầu tư rút vốn khỏi nước này do lệnh trừng phạt của phương Tây, qua đó khiến cho đồng Rúp mất giá và làm cho hoạt động đầu tư thu hẹp lại.

Ngoài ra, không chỉ có các quốc gia Đông Âu mà cả khu vực Trung Á cũng bị ảnh hưởng khi nền kinh tế Nga gặp khó khăn. Tình hình bất ổn tại Iraq, cụ thể là việc Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát một vùng sản xuất dầu rộng lớn ở miền Bắc có thể đe doạ thị trường dầu thô trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) nhất quyết không chịu tăng sản lượng khai thác, sẽ dẫn đến kết cục tất yếu là giá tăng lên. Nếu giá dầu tăng thì các yếu tố hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ biến mất và kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào thời kỳ bất ổn.

Dựa vào những dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF, dự báo thị trường của các công ty đầu tư lớn trên thế giới (Goldman Sachs, Russell) và diễn biến thị trường tài chính các quốc gia trong năm 2014 có thể nhận định năm 2015 sẽ là một năm nhiều khó khăn đối với thị trường tài chính thế giới ngoại trừ Mỹ. Tuy nhiên, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác bởi luồng tiền đầu tư vào Mỹ có xu hướng tăng mạnh cùng với chính sách trên thị trường tài chính cùng biến động giá dầu chưa có hồi kết sẽ kích thích giới đầu tư mua vào USD trong thời gian tới. Thị trường Nhật Bản có phục hồi được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định trì hoãn tăng thuế tiêu thụ và chính sách tiền tệ mới của chính phủ Nhật Bản.

Các nước nhập khẩu dầu mỏ như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm trong khi Nga, Ukraine, Venezuela sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Khu vực châu Âu tiếp tục đối mặt với tình trạng lạm phát giảm sâu đã diễn ra từ nhiều tháng trước. Lạm phát giảm xấp xỉ 0% sẽ cản trở các kế hoạch tái cân bằng kinh tế của các quốc gia và khu vực; điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nỗ lực hành động để thúc đẩy tăng trưởng và đưa tỷ lệ lạm phát quay trở lại mục tiêu. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB nhiều khả năng sẽ làm cho EUR tiếp tục giảm trong năm 2015. Ngược với khả năng mất giá của nhiều đồng tiền mạnh khác, CNY sẽ là đồng tiền ổn định trong năm 2015, nhờ thặng dư thương mại bền vững, lượng dự trữ ngoại hối lớn và kế hoạch quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc.

Nhận định về triển vọng thị trường tài chính năm 2015, hầu hết các tổ chức tài chính nhận định, 2015 sẽ là năm Mỹ củng cố thêm vị trí “đầu tàu kinh tế thế giới” của mình, tuy nhiên đây sẽ là một năm khó khăn đối với các nền kinh tế khác. Như vậy, triển vọng TTCK toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm 2015 nhưng xu hướng biến động trái chiều giữa Nhật Bản, Eurozone, khu vực thị trường các nước mới nổi và Mỹ sẽ gây rủi ro giảm tăng trưởng.