“Thông điệp khó hiểu” từ mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 7,5% trong năm 2014. Con số này được Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường đưa ra trong một báo cáo tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc sáng nay (5/3) tại Bắc Kinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tờ Wall Street Journal cho biết, so với năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng GDP mà Bắc Kinh đề ra cho năm nay không có sự thay đổi.

Trong những năm qua, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - thường xuyên vượt qua mục tiêu tăng trưởng chính thức do Chính phủ nước này đề ra. Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,7%.

“Thông điệp khó hiểu”

Trước khi mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc được công bố, giới quan sát đã kỳ vọng Bắc Kinh sẽ giảm mục tiêu tăng trưởng, bởi nước này đang nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế theo hướng dịch chuyển từ đầu tư sang tiêu dùng.

Theo hãng tin CNBC, nhà phân tích Dariusz Kowalczyk thuộc ngân hàng Credit Agricole nói rằng, sẽ là không lành mạnh nếu Trung Quốc cứ giữ mục tiêu tăng trưởng ở mức cao. “Đó là một bất lợi trong dài hạn, bởi mức tăng trưởng như thế chỉ có thể đạt được nhờ thâm hụt ngân sách tăng và mức nợ ngày càng lớn”, ông Kowalczyk viết trong một báo cáo.

Theo chuyên gia này, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng gần hơn với mức tăng trưởng tiềm năng ước tính vào khoảng 6% của nước này, chẳng hạn đặt ra mục tiêu 7%, đi kèm với giảm thâm hụt và nợ nần. Ông Kowalczyk nói rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao sẽ gây ra nguy cơ bất ổn tài chính cho Trung Quốc.

Theo một báo cáo từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, gần một nửa trong số nợ 17,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ mà các chính quyền địa phương nước này đang mang sẽ đáo hạn năm nay. Giới chuyên gia dự báo, rất có khả năng một địa phương nào đó của Trung Quốc sẽ lâm cảnh vỡ nợ.

Trong khi đó, theo ông Paul Krake, nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư View from the Peak ở Hồng Kông, việc Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng trưởng không thay đổi so với năm ngoái gửi đi một thông điệp có phần khó hiểu.

“Nếu mục tiêu tăng trưởng vẫn như cũ, thì đâu là cải cách kinh tế. Họ không thể vừa cải cách lại vừa tăng trưởng như cũ được, vì tiêu dùng trong nước chưa đủ lớn để bù đắp sự suy giảm của đầu tư tài sản cố định. Đó chính là sự thiếu nhất quán”, ông Krake nói.

Việc đạt tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đề ra đang ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc, bởi nền kinh tế này đã bước vào giai đoạn chín muồi. Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc dự báo, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của nước này sẽ giảm từ mức 8,6% trong thời kỳ 2011-2015 xuống còn 5% trong thời gian đến khoảng 2026-2030.

Trong báo cáo đầu tiên trước Quốc hội Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng, ông Lý Khắc Cường nói rằng, nước này sẽ theo đuổi “chính sách tiền tệ cân bằng”. Năm ngoái, Thủ tương Ông Gia Bảo kêu gọi “chính sách tiền tệ khôn ngoan”.

Giới quan sát đánh giá, sự thay đổi ngôn từ này cho thấy, Bắc Kinh đã sẵn sàng hơn với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ như một cách để giải quyết sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Các mục tiêu khác


Theo ông Lý Khắc Cường, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,5%, không thay đổi so với mục tiêu năm ngoái. Lạm phát năm 2013 của Trung Quốc năm trong khoảng dự kiến của Chính phủ nước này, với chỉ số CPI chỉ tăng 2,6% trong cả năm.

Báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng 13% đối với lượng cung tiền M2 - thước đo lớn nhất về cung tiền của Trung Quốc. So với năm 2013, mục tiêu này không có sự thay đổi. Năm 2013, cung tiền M2 của Trung Quốc tăng 13,6%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.

Phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, người đứng đầu Chính phủ nước này nhắc lại chủ trương thúc đẩy tự do hóa lãi suất, mở rộng biên độ dao động tỷ giá đồng Nhân dân tệ, và tiến tới tự do chuyển đổi tài khoản vốn. Ông Lý Khắc Cường cũng tiêp tục đề cập tới việc mở một hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngân hàng, tạo tiền đề cho nới lỏng kiểm soát vốn của Trung Quốc.

Chính phủ nước này đề ra kế hoạch ngân sách 15,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 2,5 nghìn tỷ USD, cho năm 2014. Với mức chi tiêu này, ngân sách của Bắc Kinh sẽ thâm hụt khoảng 2,1% GDP, bằng với mức thâm hụt thực tế của năm ngoái. Ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ tăng 12,2% so với năm 2013, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Báo cáo của ông Lý Khắc Cường cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng thương mại 7,5%, tăng trưởng bán lẻ 14,5%, và tăng trưởng đầu tư tài sản cố định 17,5%.