Thử lửa hai bờ Đại Tây Dương

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cuộc khủng hoảng ở Ukraine vô tình trở thành phép thử tình đoàn kết giữa hai bờ Đại Tây Dương. Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức vừa qua cho thấy những chia rẽ sâu sắc trong liên minh vốn được coi là bền chặt giữa Mỹ và các đối tác châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: deepresource
Ảnh minh họa. Nguồn: deepresource
Các nhà lãnh đạo, chủ yếu đến từ châu Âu  - trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko - cùng bày tỏ một mong muốn chung là ngay lập tức tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine mà tính đến nay đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã bộc lộ những bất đồng trong nội bộ phương Tây do mỗi nước có lợi ích quốc gia riêng.

Vấn đề cốt lõi gây chia rẽ trong nội bộ phương Tây là: có nên can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine hay không? Đả kích kịch liệt Nga vì bị cho là có dính líu trực tiếp tới xung đột tại Ukraine, Washington đang xem xét việc cung cấp vũ khí có khả năng gây sát thương cho Ukraine nhằm giúp nước này chiến đấu chống lại các tay súng ở miền Đông. Tại Munich, Phó tổng thống Mỹ Biden nói rằng ông và Tổng thống Obama nhất trí cần nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này một cách hòa bình. Mặc dù vậy, ông cũng nói rõ Washington sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các phương tiện để nước này có thể tự vệ.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Thủ tướng Merkel bác bỏ. Bà nói: “Tôi tin chắc cuộc xung đột này không thể được giải quyết bằng các biện pháp quân sự... Những tiến bộ mà Ukraine cần không thể đạt được bằng việc có thêm nhiều vũ khí”. Bà Merkel nói thêm rằng hiện đã có quá nhiều vũ khí tại Ukraine và giải pháp cho cuộc xung đột này nên tập trung vào các biện pháp ngoại giao.

Hai Thượng nghị sĩ Mỹ là Lyndsey Graham and John McCain, hai nhân vật theo phái diều hâu của đảng Cộng hòa, cũng tham dự hội nghị Munich, đã cùng lên tiếng chỉ trích quan điểm của Đức và nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu lớn khác, ví dụ như Pháp.

Đối với đề nghị của Washington về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng bất đồng sâu sắc. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen khẳng định, việc cung cấp các loại vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev sẽ là một sai lầm nghiêm trọng và chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm leo thang xung đột tại miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain đã chỉ trích đường lối ôn hòa của Berlin trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Kiev và kêu gọi Thủ tướng Đức cần có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn ngừa nguy cơ cuộc chiến toàn diện ở đất nước bên bờ Biển Đen này.

Đánh giá về những quan điểm này, giới phân tích nhận định có sự rạn nứt và bất đồng lớn trong chủ trương giải quyết xung đột quốc tế của hai bờ Đại Tây Dương. Kristian Harpviken - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo – nhận xét việc những căng thẳng hiện nay giữa hai bờ có thể được chế ngự và giải quyết êm thấm, hay bùng nổ thành mối bất hòa công khai sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: thứ nhất, tiến trình và kết quả thực hiện sứ mệnh của Đức và Pháp; thứ hai, quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, bà Fiona Hill, cho rằng Tổng thống Obama hiện đang chịu áp lực rất lớn đòi cung cấp vũ khí cho Ukraine, dù cho tới nay ông vẫn chưa chịu nhượng bộ. Theo bà Hill, vấn đề hiện nay là liệu ông Obama còn có thể chịu được áp lực đó bao lâu nữa và đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Bà cho biết hiện có rất nhiều tiếng nói ở Washington muốn Tổng thống Obama nhanh chóng hành động mà không thực sự hiểu quan điểm của bà Merkel.

Châu Âu có lý do để quan ngại về những bước đi tới đây của Mỹ theo hướng khiến căng thẳng leo thang. Gu Xuewu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Đại học Bonn ở Đức, cho rằng những ưu tiên chính sách của Đức và Pháp khác với của Mỹ. Châu Âu lo ngại nếu bị dồn vào chân tường, Nga sẽ phản ứng mạnh và điều này sẽ gây nguy hiểm cho các nước láng giềng. Trong khi đó, người Mỹ lại không muốn có một lệnh ngừng bắn tại Ukraine trước khi Nga phải trả một cái giá đắt.

Thêm nữa, một nước Nga sụp đổ không đem lại lợi ích gì cho châu Âu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 nước thành viên EU sang Nga năm 2013 là 119 tỷ euro. Theo số liệu thống kê của cơ quan thống kê Destatis của Đức, Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đức, sau Trung Quốc và Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại đạt 77 tỷ euro trong năm 2013. Hơn 6.000 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga và 10% các công ty xuất khẩu của Đức đang hợp tác làm ăn với Nga. Căng thẳng giữa phương Tây và Nga đã gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Đức nói riêng, và châu Âu nói chung, làm giảm niềm tin đầu tư của các công ty.

Theo nhà phân tích John J. Mearsheimer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, phương Tây đe dọa những lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga thông qua hoạt động mở rộng của NATO và của EU, phớt lờ những cảnh báo từ Nga. Còn theo nhà nghiên cứu Gu Xuewu, Đức và Pháp đang thể hiện cho ông Putin thấy họ bất đồng với Mỹ về quan điểm và lợi ích. Họ mong đợi sẽ đạt được một thỏa hiệp trong năm 2015 dưới nỗ lực trung gian hòa giải của bà Merkel và ông Hollande. Cuộc khủng hoảng Ukraine từng được ví như một ván cờ lớn mang tính chiến lược của Mỹ, EU và Nga. Với những bất đồng lớn, xem ra ván cờ Ukraine vẫn chưa kết thúc.