Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các quyết sách điều hành tài khóa ở các nước

ThS. Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

(Tài chính) Giai đoạn 2014 - 2015, tình hình nợ công được IMF dự báo có xu hướng giảm. Theo đó, nợ chính phủ trên toàn cầu năm 2014 đạt 78,2% GDP, giảm 0,04% GDP so với năm 2013 và dự báo giảm xuống 77,5% GDP trong năm 2015.

 Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các quyết sách điều hành tài khóa ở các nước
Giai đoạn 2014 - 2015, tình hình nợ công được IMF dự báo có xu hướng giảm. Nguồn: internet

Đây là một trong những tín hiệu lạc quan góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Nợ công có xu hướng tăng ở các nền kinh tế lớn

Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia mới nổi và phát triển tại châu Á có nợ công đúng với xu hướng trên, thì tại một số nền kinh tế phát triển của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản nợ công vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Minh chứng là dự báo nợ công của IMF đối với các nền kinh tế này tiếp tục duy trì bằng mức của năm 2013, thậm chí có phần tăng nhẹ trong năm 2014.

Tiêu biểu như nợ công của Mỹ năm 2014 dự báo đạt mức 105,7% GDP, tăng 1,2% GDP so với năm 2013 và dự báo duy trì ở mức đó trong năm 2015. Đặc biệt, nợ công của Nhật Bản đạt mức 243,5% GDP, tăng 0,3% GDP so với năm 2013 và có xu hướng tăng lên mức 245,1% GDP trong năm 2015.

Trước bối cảnh đó, một số quốc gia đã có những quyết sách trong điều hành chính sách tài khóa theo hướng vừa ưu tiên tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm mới và vừa củng cố trong giới hạn cho phép như Nhật Bản, Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc.

Cắt giảm chi tiêu

Là quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, Nhật Bản điều hành chính sách tài khóa linh hoạt khi một mặt thực hiện cắt giảm chi tiêu công, mặt khác tăng thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Với lộ trình tăng thuế tiêu dùng lên 8% có hiệu lực vào tháng 4/2014, Nhật Bản vừa thể hiện xu hướng điều hành chính sách thắt chặt nhằm tăng thu cho ngân sách.

Mặt khác, chính phủ thông qua kế hoạch dự chi ngân sách cho giai đoạn 2014 -1015 lên tới gần 96 nghìn tỷ yên, tăng hơn 3 nghìn tỷ yên so với năm 2012, đồng thời đây cũng là mức chi tiêu cao nhất từ trước đến nay đã thể hiện xu hướng tiếp tục nới lỏng trong điều hành chính sách tài khóa, nhằm đạt được các mục tiêu: (1) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, (2) giảm bớt nợ công, (3) khắc phục tình trạng giảm phát kéo dài, (4) giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là khắc phục tình trạng già hóa dân số như hiện nay.

Ngoài ra, Nhật Bản dự định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 30% vào năm 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình hình nợ công.

Có cùng xu hướng trên, Italia vừa cắt giảm chi tiêu công và vừa giảm thuế cho người thu nhập thấp, cũng như thuế doanh nghiệp tại địa phương, thông qua gói cắt giảm thuế cho 10 triệu người có thu nhập thấp từ 8.000-26.000 Euro/năm.

Qua đó, những người dân có thu nhập thấp sẽ được giảm 80 Euro mỗi tháng, được thực hiện từ tháng 5/2014. Mục đích chính của chính sách này là thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng sau hai năm bị suy thoái và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến khoản tiền bị thâm hụt sẽ được bù đắp từ việc cắt giảm công trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu của năm 2014 với khoảng 6,9 tỷ Euro chi tiêu cho các hạng mục.

Song song với biện pháp trên, chính phủ Italy cũng giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đóng tại địa phương và thực hiện một số cải cách thể chế tại các địa phương. Với các động thái trên, chính phủ Italia kỳ vọng đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng khoảng suy thoái trong thời gian sớm nhất.

Ngược lại, một trong những ưu tiên trong điều hành chính sách tài khóa của chính phủ Úc là cố gắng kiểm soát nợ công thông qua cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng thuế để can thiệp kịp thời ngân sách có vấn đề của quốc gia này.

Các lĩnh vực bị cắt giảm chủ yếu là chi tiêu cho phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và hệ thống lương hưu. Cụ thể, chính phủ thực hiện cắt giảm trợ cấp đối với các gia đình, những người thất nghiệp dưới 30 tuổi sẽ phải chờ sau sáu tháng mới được nhận tiền trợ cấp.

Ngoài ra, chính phủ Úc dự định sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với người già từ 65 tuổi hiện nay lên 76 tuổi vào năm 2023 và lên 70 tuổi vào năm 2035; đồng thời, dự định đánh thuế đối với người giàu, như những người có thu nhập 180.000 đô la Úc sẽ phải đóng thuế 2% trên tổng thu nhập.

Với các nỗ lực trên, chính phủ Úc hy vọng kiểm soát được mức thâm hụt gần 30 tỷ đô la Úc trong năm tài khóa 2014 – 2015 và trên 60 tỷ đô la Úc trong bốn năm tiếp theo.

Mở rộng chính sách tài khóa

Tương phản với xu hướng trên, Hàn Quốc và Trung Quốc tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Theo đó, Hàn Quốc tiếp thực thực hiện tăng chi tiêu cho phúc lợi khoảng 18.000 tỷ Won (tương đương với 16,6 tỷ USD) với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân và giải quyết những khó khăn cho người nghèo.

Cụ thể: Hàn Quốc sẽ chi khoảng 131 nghìn tỷ Won vào chương trình giữ trẻ miễn phí và hỗ trợ người nghèo mắc nợ trong vòng bốn năm tới.

Một trong những biện pháp thực hiện là vẫn duy trì các gói kích thích kinh tế, trong đó tiếp tục thực hiện hỗ trợ các dịch vụ của hệ thống an sinh xã hội và tìm kiếm các công cụ mới để thúc đẩy các doanh nghiệp vùa và nhỏ phát triển.

Còn Trung Quốc duy trì chính sách tài khóa nới lỏng thông qua đẩy nhanh lộ trình cải cách thuế kinh doanh thành thuế Giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, hoàn thiện các biện pháp thí điểm và mở rộng phạm vi địa lý và ngành nghề thí điểm.

Tiếp tục tăng chi cho lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực yếu kém khác. Đầu tư của ngân sách trung ương chủ yếu vào các công trình nhà ở mang tính xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực nông nghiệp, thủy lợi, đô thị và công trình dân sinh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, chính phủ gia tăng công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương. Xử lý tốt vấn đề trả nợ và huy động vốn sau khi xây dựng, tích cực thúc đẩy việc xây dựng chế độ quản lý nợ của chính quyền địa phương, khống chế nợ của chính quyền địa phương ở mức hợp lý.

Như vậy, mặc dù mỗi quốc gia đều có hướng đi riêng trong điều hành chính sách tài khóa liên quan đến chi tiêu công, hệ thống thuế, an sinh xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng mục đích chung là kiểm soát được nợ công trong trung hạn, thúc đầy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm.