Tiền chảy khỏi thị trường mới nổi

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Các nhà lập pháp và ngân hàng trung ương ở Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nền kinh tế thị trường mới nổi đang vật lộn để hạn chế thiệt hại do tiền tệ mất giá và để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiền chảy khỏi thị trường mới nổi
Đồng rupee ngày càng mất giá. Nguồn: internet

Trong vài tuần qua, tiền đã ồ ạt chảy khỏi các nền kinh tế nói trên, nhấn chìm giá trị hàng loạt tài sản, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ. Ngày 20/8, đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD, đồng rupiah của Indonesia cũng giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 2009.

Trong một nỗ lực làm chậm dòng vốn nước ngoài chảy ra, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ tuyên bố sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ Ấn Độ vào cuối tuần này để “giải quyết các rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô”.

Sự mạnh lên của nền kinh tế Hoa Kỳ là một trong những chất xúc tác gây ra các vấn đề ở các nền kinh tế mới nổi. Một sự bùng nổ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có tác động như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư thay vì đầu tư vào chứng khoán ở nước ngoài.

Quan trọng hơn, sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ đang thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (FED) xem xét lại sự cần thiết của các biện pháp kích thích kinh tế - yếu tố có ảnh hưởng tới sự bùng nổ ở những quốc gia khác như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ nhờ dòng vốn dồi dào chưa từng có từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Phía các nhà đầu tư được khuyến khích bởi các chính sách lãi suất thấp của FED, dễ dàng vay tiền và gửi sang nước ngoài. Báo cáo ngày 20/8 của HSBC cho biết năm ngoái, 1.200 tỷ USD đã đổ vào các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, gấp gần 6 lần so với thập niên trước.

Các vấn đề cấp bách nhất ở các thị trường mới nổi bắt đầu vào tháng 5, khi Chủ tịch FED Ben S. Bernanke phát tín hiệu đầu tiên rằng FED có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu. Từ đó, hàng loạt tài sản toàn cầu đã biến động theo những dự báo động thái của FED.

Khi FED thực hiện các bước đầu tiên hướng tới tăng lãi suất ở Hoa Kỳ, các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền về. Như thế, các nền kinh tế địa phương xấu đi, gây ra một chu kỳ thị trường đi xuống. Theo công ty dữ liệu EPFR, từ tháng 5, tuần nào các quỹ tương hỗ nắm giữ trái phiếu thị trường mới nổi cũng chứng kiến nhà đầu tư rút vốn. Những thay đổi từ FED không tác động như nhau đối với các nước đang phát triển. Bị ảnh hưởng nặng nhất là những nước tiếp xúc với suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.

Chẳng hạn, Australia vốn dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đã giảm mạnh vào đầu mùa hè. Tuy nhiên, lo ngại cấp thiết nhất đang tập trung vào Ấn Độ, là nơi có nền kinh tế lớn gấp đôi Indonesia và thâm hụt tài khoản vãng lai dự tính tăng hơn 2 lần trong năm nay.

Phân tích của Credit Suisse trên số liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy từ tháng 5, các nhà đầu tư đã bán ra tới 24% lượng trái phiếu Ấn Độ họ có, và tất cả số tiền đó đã rời khỏi Ấn Độ, làm đồng đồng rupee càng thêm mất giá. Đối với người dân Ấn Độ, đồng rupee mất giá đã nhanh chóng làm hàng hóa nước ngoài đắt hơn, đẩy nhanh lạm phát.

Các nhà lập pháp Ấn Độ đã thực hiện một số bước nhằm ngăn chặn làn sóng tiền đổ ra nước ngoài. Chính phủ đã cố gắng hạn chế số vốn đầu tư các công ty Ấn Độ có thể thực hiện ở nước ngoài, và cũng cố gắng ngăn chặn việc mua vàng và bạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này có vẻ đang làm cho vấn đề tồi tệ hơn.