Tiền mặt sẽ biến mất?

Theo baoquocte.vn

Ngày càng có nhiều quốc gia không chấp nhận các hóa đơn tiền lớn gây ra nhiều luồng tranh cãi, đặc biệt tại Đức.

Sử dụng tiền mặt ở Hi Lạp ngày càng bị hạn chế. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sử dụng tiền mặt ở Hi Lạp ngày càng bị hạn chế. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thanh toán thẻ ngày càng phổ biến

Hãy tưởng tượng điện thoại thông minh như chiếc ví của bạn. Thay vì phải xếp hàng tại quầy bởi vì những người khác đang kiểm tra hóa đơn đúng hay sai, hoặc chờ đợi lấy tiền lẻ, hoặc loay hoay nhập mã PIN cho thẻ của họ, bạn chỉ cần đặt điện thoại di động trên máy quét – và mọi giao dịch hoàn thành. Bạn không có nhu cầu dùng tiền mặt nữa.

Đó dường như không còn là một viễn cảnh. Thanh toán không dùng tiền mặt khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong tháng 12 này, Ấn Độ đã không chấp nhận các hóa đơn mệnh giá lớn. Tại Hy Lạp, chính phủ đang có kế hoạch để sử dụng ưu đãi về thuế để khuyến khích người dân không thanh toán bằng tiền mặt.

Ở các nước Scandinavia, thanh toán bằng thẻ khá dễ dàng, ngay cả ở các cửa hàng nhỏ. Điều đó rất hữu ích cho khách hàng: thanh toán được thực hiện nhanh chóng và không sợ bị tính nhầm hay phải nhận lại một “vốc” tiền xu.

Dù vậy, tại Đức, tiền mặt rất phổ biến. Là một nước phát triển nhưng 75% tất cả các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Bởi thế, tháng 5/2016, khi chính phủ Đức công bố sẽ loại bỏ dần tiền mệnh giá 500 Euro, một cuộc tranh luận lớn đã xảy ra. Nhiều người lo ngại rằng tiền mặt sẽ sớm được loại bỏ hoàn toàn.

Các nhà phê bình chỉ ra những khó khăn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc số hóa các khoản thanh toán cũng có nghĩa là tất cả các chi tiêu vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân cũng sẽ được lưu lại. Theo Reuters, trong số các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu, người Đức và Áo thích sử dụng tiền mặt hơn trong các giao dịch do quan ngại chính phủ có thể theo dõi các khoản chi trả điện tử.

Hệ quả chính sách lãi suất âm

Các chuyên gia tài chính đã phân tích các lợi ích của việc Đức hạn chế lưu thông tiền mặt, chẳng hạn như ngăn chặn tài trợ khủng bố và rửa tiền.

Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, gặp không ít khó khăn trong việc hạn chế người dân dùng tiền mặt do chính sách lãi suất âm đang được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng.

Chính sách lãi suất bằng không hoặc lãi suất âm hiện đang góp phần giúp ổn định kinh tế ở EU. Nhà kinh tế Rudolf Hickel, giáo sư tài chính tại Đại học Bremen cho rằng, chính sách lãi suất ấm sẽ là động lực giúp EU phát triển. Tháng trước, ông Rudolf Hickel đã viết một bài báo cho Tạp chí chính trị hàng tháng Blatter về chính sách lãi suất âm, khẳng định đây là một chính sách mà ECB vẫn kiên trì theo đuổi từ những năm 1980.

Với việc điều chỉnh lãi suất,  ECB hướng đến mục tiêu tăng cường xuất khẩu khi tỷ giá nội tệ bị giảm xuống sau khi lãi suất về mức âm và kích thích hệ thống ngân hàng tăng cường các khoản vay đầu tư vào nền kinh tế.

Với chính sách lãi suất âm, ngân hàng gửi tiền vào ECB phải trả lãi phạt đối với tiền gửi của họ, hiện đang ở mức 0,4%. Lãi suất phạt này sẽ được áp dụng cho khách hàng cá nhân - điều hiện đang được xem xét áp dụng ở Thụy Sĩ. Ngân hàng Thụy Sĩ PostFinance đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng lãi suất âm đối với các khách hàng đặc biệt giàu có vào tháng Hai năm tới.

Thông thường, nếu bạn gửi tiền vào một tài khoản tiết kiệm, số tiền đó sẽ tăng lên, bởi vì nó tích lũy lãi. Nhưng nếu lãi suất âm được áp dụng, số tiền gửi của khách hàng sẽ giảm đi. Hậu quả là thay vì gửi tiết kiệm, nhiều người có xu hướng tích trữ tiền mặt hơn là chấp nhận tổn thất đó. Bởi thế, có những thống kê cho thấy trong năm 2016, số người Đức mua két nhiều hơn so với các năm trước.

Để ngăn chặn người dân tích trữ tiền mặt, điều có khả năng làm giảm sự phát triển kinh tế, nên các quan chức tài chính cũng tính tới việc khống chế những giao dịch tiền mặt lớn, khuyến khích thanh toán trực tuyến. Tháng 5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, khẳng định Đức sẽ không được loại bỏ hoàn toàn tiền mặt nhưng sẽ giới hạn mức thanh toán.

Câu chuyện ở Đức cho thấy việc hạn chế lưu thông tiền mặt đưa lại nhiều lợi ích nhưng cũng không dễ dàng thực hiện được, đặt biệt là trong bối cảnh một số quốc gia áp dụng chính sách lãi suất âm.