Tiếng vọng Athens

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chiến thắng của đảng cánh tả Syriza trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Hy Lạp đã tạo hiệu ứng lan tỏa sang Tây Ban Nha. Chưa đầy một tuần sau, chính đảng Podemos ở xứ sở bò tót đã khởi động năm của các cuộc bầu cử quan trọng bằng cuộc tuần hành lớn tại Thủ đô Madrid.

Tiếng vọng Athens
Tuần hành ủng hộ đảng chống thắt lưng buộc bụng Podemos ở Tây Ban Nha. Nguồn: internet
Ít nhất 100.000 người ủng hộ chính đảng thiên tả này đã tham gia tuần hành trên các đường phố ở Madrid, phản đối chính sách khắc khổ mà Chính phủ đưa ra cuối năm 2011, để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 40 tỷ euro của các định chế tài chính quốc tế. Với tên gọi Tuần hành vì thay đổi, hoạt động này đã biểu dương lực lượng của Podemos, chính đảng mới ra đời vào tháng 3 năm ngoái ở Tây Ban Nha và xuất hiện nhiều trên các kênh phương tiện truyền thông nước này, sau khi bất ngờ giành 5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5.2014. Đảng Podemos tập hợp được ngày càng nhiều sự ủng hộ của cử tri ở xứ sở bò tót, nhờ chủ trương phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ mà Chính phủ đang áp dụng để đối phó với suy thoái kinh tế.

Sự kiện này có thể được coi như sự khởi động không chính thức cho một năm bầu cử bận rộn tại Tây Ban Nha, bắt đầu từ các cuộc bỏ phiếu khu vực ở Andalusia, Catalonia… dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 3, bầu cử chính quyền thành phố vào tháng 5 và bầu cử nghị viện vào tháng 12, nơi Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nuôi tham vọng duy trì quyền lực.

Thắng lợi của Syriza trong cuộc bầu cử ở Hy Lạp đã cổ vũ tinh thần cho các đảng cùng chí hướng ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Podemos, hiện đang rất thành công trong việc lôi kéo cử tri ở Tây Ban Nha. Tuyên bố với đám đông tham gia tuần hành ở Madrid, Chủ tịch đảng Podemos Pablo Iglesias cho biết, gió đã xoay chiều và bắt đầu thổi ở châu Âu, nhằm ám chỉ đến chiến thắng của Syriza.

Mặc dù kinh tế Tây Ban Nha có nhiều tín hiệu khởi sắc với tăng trưởng kinh tế đạt 1,4% trong năm 2014, thành tích tốt nhất của nước này kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008, uy tín của đảng Nhân dân cầm quyền do Thủ tướng Mariano Rajoy đứng đầu, đang bị suy giảm do những bê bối tham nhũng và tình trạng thất nghiệp cao. Trong khi đó, Podemos đã không ngừng củng cố vị trí trong các cuộc thăm dò bầu cử, với khảo sát gần đây nhất dự báo đảng này có thể trở thành khối lớn nhất tại Nghị viện Tây Ban Nha sau cuộc tổng tuyển cử năm nay. Chương trình hành động của Podemos mang nhiều tư tưởng của chủ nghĩa xã hội do cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khởi xướng và các tư tưởng tiến bộ của những đảng cấp tiến tại vùng Scandinavia.

Hiện, Podemos đang vận động cử tri với cam kết đòi đàm phán lại các khoản nợ của Tây Ban Nha. Các chính trị gia nước này lo ngại, Chính phủ mới thành công ở Hy Lạp có thể nâng uy tín của Podemos và chấm dứt hệ thống hai đảng truyền thống của Tây Ban Nha. Madrid sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối 2015, đối mặt với khả năng tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với các đảng dòng chính sẽ giảm xuống dưới mức 50% lần đầu tiên kể từ khi Tây Ban Nha trở lại chế độ dân chủ cuối những năm 1970. Điều tương tự đã xảy ra ở Hy Lạp năm 2012, lần cuối cùng mà các đảng dòng chính thống thành công trong các cuộc bầu cử. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, hệ thống bầu cử Tây Ban Nha khác với Hy Lạp và sức mạnh của hai chính đảng lớn ở nước này khiến Podemos khó có khả năng giành được chiến thắng giống như chiến thắng của đảng cánh tả Syriza vừa giành được tại Hy Lạp.

Các đảng cực tả ở châu Âu cũng đang ăn mừng trước chiến thắng của Syriza ở Hy Lạp. Ý nghĩ về việc dễ dàng thoái thác nợ và chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng hẳn có sức quyến rũ ghê gớm với người dân những nước đang chịu áp lực lớn từ nợ công như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Italy. Các đảng như Podemos ở Tây Ban Nha, Sinn Fein ở Ireland hay phong trào Năm Sao ở Italy sẽ thu hút được nhiều sự ủng hộ nếu đảng Syriza ở Hy Lạp thành công trong việc giảm bớt gánh nặng nợ cho Athens. Tuy nhiên, khả năng vỡ nợ ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt là ở Italy hay Tây Ban Nha, sẽ đe dọa các thị trường và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính nữa, trong đó tất cả các nước đều bị tổn thương.