Tiếp tục hoàn thiện pháp lý hoạt động tiền tệ

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Có thể khẳng định, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở bám sát thực tiễn, đến nay, hệ thống văn bản cho hoạt động NH về cơ bản đã tạo cơ sở và môi trường hoạt động an toàn, hiệu quả, bình đẳng cho các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục hoàn thiện pháp lý hoạt động tiền tệ
Việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động NH rất quan trọng, giúp cho hệ thống được coi là “huyết mạch của nền kinh tế” an toàn. Nguồn: Internet

Việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động NH rất quan trọng, giúp cho hệ thống được coi là “huyết mạch của nền kinh tế” an toàn, hiệu quả trong hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, hệ thống các TCTD sau giai đoạn tái cơ cấu hoạt động trên một nền tảng hành lang pháp lý hoàn thiện sẽ giúp cho hệ thống phát triển bền vững.

Xác định được tầm quan trọng trên, thời gian qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về quy mô, đa dạng về hoạt động nghiệp vụ của hệ thống các TCTD, NHNN đã không ngừng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và chủ động củng cố, hoàn thiện, đổi mới toàn diện hành lang pháp lý, từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế nhằm tạo môi trường hoạt động bình đẳng, lành mạnh, an toàn và ổn định cho toàn hệ thống.

Trên cơ sở hai Luật về lĩnh vực hoạt động của NH là Luật NHNN và Luật Các TCTD năm 2010, NHNN đã chủ động ban hành và trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm đưa các quy định của hai Luật vào cuộc sống.

Đến nay, với việc ban hành hàng loạt văn bản trong thời gian 2011 – 2014, khung khổ pháp lý về các chuẩn mực an toàn, lành mạnh, minh bạch của hệ thống các TCTD đã được cải thiện mạnh mẽ, tiến gần hơn các thông lệ, chuẩn mực NH quốc tế, tạo nền tảng cho các TCTD hoạt động an toàn hơn và thúc đẩy cơ cấu lại theo các mục tiêu, định hướng đề ra.

Trong đó, các văn bản đã tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu với các quy định về: Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD; Giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài; Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại TCTD Việt Nam; Tăng cường khuôn khổ pháp lý về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, giám sát ngành NH...

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, NH cũng đã được ban hành. Đặc biệt, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được NHNN ban hành vào ngày 20/11/2014 đã tạo lập chuẩn mực mới cao hơn về an toàn và quản lý rủi ro, thanh tra, giám sát, tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị NH và quản lý, giám sát NH.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động NH, NHNN cũng đang từng bước triển khai áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong hệ thống các TCTD với mục tiêu là đến hết năm 2015 có ít nhất 10 NHTM trong nước triển khai áp dụng Chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và đến trước năm 2019, các NH này sẽ thực hiện theo phương pháp nâng cao.

Có thể khẳng định, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của NHNN, trên cơ sở bám sát thực tiễn, đến nay, hệ thống văn bản cho hoạt động NH về cơ bản đã tạo cơ sở và môi trường hoạt động an toàn, hiệu quả, bình đẳng cho các TCTD. Đồng thời, hiệu quả quản lý của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ, NH và phát triển hệ thống NH theo hướng ổn định, bền vững đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Mới đây, trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh về việc đề nghị NHNN “tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý ở lĩnh vực hoạt động NH”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Năm 2015 và các năm tiếp theo, NHNN tiếp tục xác định việc hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm với một số giải pháp chủ yếu cần triển khai, như: Rà soát, phát hiện bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật về NH hiện hành, các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động tiền tệ, tín dụng, NH để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. NHNN tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, theo dõi thi hành pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập, lỗ hổng của pháp luật về NH.