Tính toán của Nhà Trắng khi lùi bước trước Capitol

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bước đi được nhìn nhận là “sự nhượng bộ hiếm hoi” trong cuộc tranh cãi đảng phái kéo dài nhiều năm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý để Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối có tiếng nói quyết định đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran. Động thái này được dự đoán sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đàm phán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng thống Obama đã ký dự luật do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhất trí thông qua ngày 14.4, theo đó cho phép Quốc hội quyền xem xét, thậm chí có thể bỏ phiếu đối với thỏa thuận cuối cùng, dự kiến đạt được trong tháng 6 tới, xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Sự thay đổi thái độ này của chính quyền Obama được giải thích là vì có cả áp lực từ các nhà lập pháp của đảng Dân chủ. Bằng chứng cụ thể là dự luật về Iran tại Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện nhận được toàn bộ 19 phiếu thuận và không có phiếu chống nào. Cả 9 Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ tại Ủy ban đều bỏ phiếu ủng hộ.

Đạo luật Xem xét chương trình hạt nhân Iran vừa được thông qua mang tính thỏa hiệp giữa các nhà lập pháp của hai đảng rút ngắn thời gian xem xét của Quốc hội xuống 52 ngày, thay vì 60 ngày như đề xuất trước đây. Đạo luật cũng yêu cầu tổng thống cứ 90 ngày phải chứng thực trước Quốc hội về việc Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.

Trong một sự nhượng bộ của một số nhà lập pháp Dân chủ, đạo luật bỏ qua các điều kiện của những vấn đề phụ, ví dụ việc Iran ủng hộ các tổ chức khủng bố và quyền tồn tại của Israel. Tuy nhiên, văn kiện quy định cho phép các lệnh trừng phạt được nhanh chóng áp dụng trở lại nếu phát hiện vi phạm.

Đạo luật này đạt được khi Ngoại trưởng John Kerry cùng các quan chức Nhà Trắng phải điều trần kín trước Quốc hội về kết quả các vòng thương lượng và thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Một số nhà lập pháp công khai chỉ trích thỏa thuận khung vừa đạt được, cho rằng các điều khoản liên quan tới dỡ bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran không rõ ràng và rằng thỏa thuận khung đó không bảo đảm một cách chắc chắn là Iran không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Kerry kêu gọi các nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tạo điều kiện để chính quyền có thời gian thêm hai tháng rưỡi nữa đàm phán tiến tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran.

Ngay lập tức, Iran đã phản hồi với tuyên bố của Tổng thống Hassan Rouhani rằng Tehran đang thảo luận để đạt được thỏa thuận hạt nhân chung cuộc với 6 cường quốc thế giới, chứ không phải với các nhà lập pháp Mỹ. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, Iran đang theo đuổi một thỏa thuận “giá trị” với Nhóm P5+1 và Tehran sẽ không ký vào bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào nếu tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế không được dỡ bỏ hoàn toàn.

Đánh giá về sự nhượng bộ của Nhà Trắng trước các ông nghị ở Đồi Capitol, giới phân tích cho đây là kết quả của việc chính quyền Obama lo ngại tranh cãi giữa các cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ sẽ làm phức tạp việc ký thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran. Washington đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ phía Quốc hội Mỹ khi ngày càng nhiều nghị sĩ đòi có tiếng nói trong thỏa thuận với Iran.

Trước khi đạt được thỏa thuận khung mới đây, hàng trăm nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đã đồng ký thư gửi chính quyền của Tổng thống Obama đòi dành cho Quốc hội quyền lớn hơn trong mọi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran. Bức thư nhấn mạnh rằng, việc nới lỏng các biện pháp chế tài vĩnh viễn mà Iran đã nhiều lần yêu cầu trong các cuộc thương thảo tại Geneva sẽ cần có luật lệ mới, và rằng Quốc hội phải được quyền đánh giá về những tác động lâu dài của mọi thỏa thuận với Iran đối với Mỹ và các đồng minh.

Lo ngại sức ép gia tăng thời gian tới, Tổng thống Obama đã buộc phải có sự nhượng bộ để tạo thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo. Theo Hiến pháp, tại Mỹ, Tổng thống có quyền tối cao – quyền phủ quyết mọi văn kiện được hai viện quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, hiếm khi ông chủ Nhà Trắng sử dụng quyền này để tránh tình trạng chia rẽ bè phái không thể hàn gắn, bôi xấu hình ảnh của chính quyền trong lòng dân cũng như cộng đồng quốc tế.

Với Iran lần này cũng vậy. Trong khi Tổng thống Obama muốn đây sẽ là di sản đối ngoại để đời của ông hai nhiệm kỳ, thì các ông nghị lại không sẵn sàng hy sinh lợi ích của đồng minh truyền thống Israel. Để dung hòa điều này, sự thỏa hiệp trong phạm vi chấp nhận được không phải là lựa chọn tồi đối với chính quyền Obama.

Từ một góc nhìn khác, đây cũng có thể coi là bước đi chiến lược của Nhà Trắng để gián tiếp gây sức ép ngược lại với Iran. Nói cách khác, Obama đang lợi dụng các nghị sĩ để thêm sức nặng trên bàn đàm phán với Tehran. Những tính toán này sẽ khiến các cuộc thương lượng tới đây khó khăn hơn nhiều.