Trí tuệ nhân tạo: Bạn hay thù?

Theo Minh Hòa/baoquocte.vn

Câu chuyện tưởng như chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng vừa trở thành sự thật khi một robot chính thức được trao quyền công dân. Phải chăng, viễn cảnh về tương lai của loài người bị đe dọa bởi chính những gì chúng ta tạo ra sẽ không chỉ là chuyện trên phim ảnh?

Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là "con dao hai lưỡi". (Nguồn: UEMS)
Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ là "con dao hai lưỡi". (Nguồn: UEMS)

Khi robot được trao quyền công dân

Vào ngày 25/10, một robot có tên gọi là Sophia đã trở thành robot đầu tiên trong lịch sử có đầy đủ quyền công dân tại một đất nước. Sophia được phát triển bởi Hanson Robotics, do kỹ sư AI David Hanson đứng đầu.

Sau khi ra mắt công chúng, Sophia nhanh chóng nổi tiếng và trở thành khách mời thường xuyên của các talkshow như chương trình Chào buổi sáng ở Anh, được mời phỏng vấn trên kênh CNBC hay xuất hiện trên bìa tạp chí ELLE Magazine như một ngôi sao.

Trước đó, Sophia từng tuyên bố sẽ “hủy diệt loài người” nhưng trong buổi lễ được tổ chức sau khi được trao quyền công dân tại Saudi Arabia, Sophia lại khẳng định mong muốn được chung sống hòa bình với con người”. Việc Sophia được cấp quyền công dân tại Saudi Arabia là một tin vui với cô và hãng chế tạo cô.
Tuy nhiên, với nhiều người, sự kiện này lại đang gây nhiều gây tranh cãi. Chưa nói về những “nguy hiểm” tiềm ẩn trong tương lai mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra cho con người, chỉ riêng việc Sophia trở thành công dân đã khiến nhiều người Saudi Arabia giận dữ. Họ cho rằng, Sophia được hưởng nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ nước này, khi không hề phải đeo mạng che mặt và vẫn được phép xuất hiện nơi công cộng khi không có người giám hộ hợp pháp đi cùng…

Mối đe dọa hiện hữu

Hiện nay, xu hướng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển. Việc sử dụng robot để thay thế con người đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đến gần. Không chỉ những công việc giản đơn, robot giờ đây thậm chí có thể thay thế vị trí của các chuyên gia trong một số lĩnh vực.

Các chuyên gia công nghệ dự đoán, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc, các robot sẽ không đơn thuần là những cỗ máy hoạt động theo sự điều khiển của con người mà trở nên thông minh hơn, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Giới khoa học nhận định, việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ như "con dao hai lưỡi", có thể đe dọa đến loài người.

Theo nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking, một khi công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển và đạt đến sự hoàn thiện, nó có thể báo hiệu sự kết thúc của nhân loại. Không chỉ Stephen Hawking, Elon Musk - nhà sáng lập đồng thời cũng là CEO của SpaceX, đã hơn một lần bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ con người không thể kiểm soát được trí tuệ nhân tạo. "Trí tuệ nhân tạo như một con quỷ dữ đang ngủ say mà chính chúng ta là những người triệu hồi nó dậy”, ông ví von.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần sớm có những quy định, điều luật quốc tế để giám sát những nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, kể cả khi công nghệ này chưa đạt đến trình độ vượt qua được sự kiểm soát của con người.