Triển vọng kinh tế thế giới

Hải An

(Tài chính) Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố ngày 8/4/2014 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đã đạt được trong năm 2013 sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2014.

Theo đó, kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% (giảm 0,1% so với dự báo trước đó nhưng đã tăng 0,6% so với mức tăng trưởng 3% của năm 2013) và năm 2015 sẽ là 3,9%. Động lực tăng trưởng toàn cầu không chỉ đến từ các nước mới nổi mà đã còn mở rộng ra các nước phát triển như Anh, Mỹ và các nước Nam Âu.

Các nền kinh tế phát triển

Các nền kinh tế phát triển dự báo có mức tăng trưởng là 2,2% trong năm 2014 và 2,3% trong năm 2015.

Về nền kinh tế Mỹ, IMF tái khẳng định dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể tăng lên 2,8% trong năm 2014 và tăng lên 3% vào năm tiếp theo. Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang được coi là động lực chính vực dậy nền kinh tế toàn cầu. 

Theo IMF, thời tiết mùa Đông khắc nghiệt bất thường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hoạt động kinh tế Mỹ trong đầu năm 2014, song tăng trưởng vẫn hy vọng tăng mạnh vào cuối năm nhờ Chính phủ nước này giảm chi tiêu công, tài sản các hộ gia đình tăng lên, thị trường nhà đất phục hồi và nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Vương quốc Anh dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời là nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất năm 2014 trong nhóm G7 với dự báo tăng trưởng đạt 2,9% trong năm 2014 và 2,5% trong năm 2015. Theo IMF, những số liệu kinh tế mới nhất của Anh cho thấy bất chấp tình hình mưa lũ nặng nề trong tháng 2 vừa qua, sản lượng khu vực chế tạo Anh vẫn tăng mạnh hơn mức dự kiến 1%, góp phần đẩy tăng trưởng tính theo năm của ngành này lên 3,8% - là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

GDP của các nền kinh tế thuộc khu vực Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,5% trong năm 2015. Nền kinh tế Đức được dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2014, 1,6% năm 2015, cao hơn hẳn so với Pháp với tăng trưởng lần lượt là 1% và 1,5% trong hai năm 2014 và 2015.

Đối với Nhật Bản, IMF giảm dự báo tăng trưởng GDP sau khi đã điều chỉnh lạm phát xuống 1,4% so với mức 1,7% đưa ra hồi tháng 1/2014. Báo cáo khẳng định hoạt động kinh tế tổng thể của Nhật Bản được cho là sẽ giảm một cách ổn định trước chính sách tài chính thắt chặt trong năm 2014-2015.

                      Triển vọng kinh tế thế giới - Ảnh 1
                                                                       Nguồn: World Economic Outlook, IMF, 4/2014
Các nước mới nổi và đang phát triển

Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi được dự báo không dẫn đầu như trước nữa. GDP của các nền kinh tế mới nổi mặc dù chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước khủng hoảng, lần lượt trong hai năm 2013, 2014 và 2015 là 4,7%, 4,9% và 5,3%.

IMF nhận xét xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trong năm nay do tình hình kinh tế của các nước phát triển sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế của các nước mới nổi dự kiến sẽ tăng trưởng chậm, do các vấn đề như huy động vốn, thị trường tiền tệ bị tê liệt, quy mô đầu tư vào các nước này giảm.

Trong số các nước BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), IMF cho rằng Nga và Brasil sẽ có xu hướng tăng trưởng chậm. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Brasil sẽ giảm từ 2,3% trong năm 2013 xuống còn 1,8% trong năm 2014. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2014 được dự báo giảm xuống còn 1,3% từ mức 1,9% do những hỗn loạn tài chính tại thị trường mới nổi và những căng thẳng liên quan đến Ukraine. Đây là lần thứ 3 liên tiếp IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nga.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo tăng 7,5% trong năm 2014 (giảm so với 7,7% đạt được trong năm 2013) và 7,3% trong năm tới. GDP của nền kinh tế Ấn Độ sau khi tăng 4,4% trong năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn, đạt 5,4% trong năm nay.
                       Triển vọng kinh tế thế giới - Ảnh 2
                                                                               
Nguồn: World Economic Outlook, IMF, 4/2014

                                      Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới (%)

 

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014
(dự báo)

Năm 2015
(dự báo)

Thế giới

3,2

3,0

3,6

3,9

Các nền kinh tế phát triển

1,4

1,3

2,2

2,3

    Mỹ

2,8

1,9

2,8

3,0

    Eurozone

-0,7

-0,5

1,2

1,5

        Đức

0,9

0,5

1,7

1,6

        Pháp

0,0

0,3

1,0

1,5

        Italy

-2,4

-1,9

0,6

1,1

        Tây Ban Nha

-1,6

-1,2

0,9

1,0

    Nhật Bản

1,4

1,5

1,4

1,0

    Vương quốc Anh

0,3

1,8

2,9

2,5

    Canada

1,7

2,0

2,3

2,4

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

5,0

4,7

4,9

5,3

    Nga

3,4

1,3

1,3

2,3

    Các nước mới nổi và đang phát triển châu Á

6,7

6,5

6,7

6,8

       Trung Quốc

7,7

7,7

7,5

7,3

       Ấn Độ

4,7

4,4

5,4

6,4

       ASEAN – 5

6,2

5,2

4,9

5,4

Thương mại toàn cầu

2,8

3,0

4,3

5,3

Chỉ số giá tiêu dùng

 

 

 

 

Các nền kinh tế phát triển

2,0

1,4

1,5

1,6

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

6,0

5,8

5,5

5,2


                                                                                            Nguồn: World Economic Outlook, IMF, 4/2014

Những rủi ro

Tựu trung, IMF cho rằng hoạt động kinh tế toàn cầu đã được củng cố trong nửa cuối năm 2013 và đà tăng trưởng này sẽ được cải thiện trong hai năm 2014-2015, tuy nhiên nguy cơ suy giảm kinh tế chưa phải đã hết.

Một số rủi ro đang nổi lên và tiêu biểu là rủi ro địa chính trị. Mặt khác, mức tăng trưởng tiềm năng tại các nền kinh tế phát triển còn thấp và có vẻ đang giảm đối với các nền kinh tế mới nổi.

Ngoài ra, một số xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới như đã từng diễn ra vào mùa hè năm 2013 hay tháng 1/2014 thường liên quan đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Đây cũng là loại rủi ro không thể loại trừ đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

IMF khuyến cáo các nước phát triển nên duy trì chính sách tiền tệ vững chắc, đồng thời xử lý nợ tồn đọng, cải cách các loại quy chế và cải thiện tính lành mạnh tài chính với kế hoạch trung hạn.

Tại châu Âu, nguy cơ là tăng trưởng thấp và giảm phát. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Do vậy, IMF đưa ra khuyến nghị đối với ECB, nên đưa ra những chính sách đột phá hơn để giải quyết tình trạng lạm phát thấp đang diễn ra.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi cần xây dựng chính sách nhằm đối phó với tình trạng khủng hoảng tín dụng, khả năng thanh khoản tài chính và sự trì trệ tăng trưởng tiềm năng.

                      Triển vọng kinh tế thế giới - Ảnh 3
                                                                                   Nguồn: World Economic Outlook, IMF, 4/2014