Tổng quan kinh tế thế giới năm 2012 và dự báo năm 2013

Tăng trưởng khó khăn

Năm 2012, khủng hoảng nợ công tiếp tục lan rộng tại khu vực đồng Euro đã khiến tình hình tài chính của các nước trong khu vực này (Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) trở nên khó khăn hơn. Hoạt động sản xuất ở đây nói riêng và của toàn thế giới nói chung vì thế đã bị ảnh hưởng mạnh. Tăng trưởng thương mại thế giới cũng đã giảm đáng kể, chỉ đạt mức 5% trong năm 2011 (từ mức 13,9% trong năm 2010) và có thể chỉ đạt mức 2,5% trong năm 2012 (Tổ chức Thương mại thế giới WTO).

Nói về những rủi ro của kinh tế thế giới trong giai đoạn 2012 -2013, theo IMF, có 3 rủi ro chính là: (i) Khủng hoảng nợ công tiếp tục căng thẳng tại khu vực đồng Euro; (ii) Mỹ gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề “vách đá tài khóa” (“Vách đá tài khóa” - fiscal cliff - là một thuật ngữ được dùng để nói đến tình trạng bế tắc hiện tại của nền kinh tế Mỹ, khi thâm hụt tài khóa cao và tăng trưởng ì ạch, buộc Chính phủ phải đồng thời cân nhắc để hài hòa cả hai mục tiêu: giảm thâm hụt ngân sách và phục hồi kinh tế); và (iii) Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tạo ra “cú sốc” giá dầu.

Những nguy cơ trên ít nhiều đã tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian qua. Theo đó, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của các nước và các khu vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được điều chỉnh xuống còn 3,3% và 3,6% trong năm 2012 và 2013.

Bi quan hơn, trong bản dự thảo về “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2013” công bố tháng 12/2012, Liên Hiệp quốc (UN) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,2% và 2,4% trong năm 2012 và 2013.

Tại các nước phát triển, tăng trưởng của Mỹ vẫn yếu, chưa quay trở lại mức sản lượng tiềm năng; kinh tế khu vực đồng Euro vẫn ở trong vòng xoáy suy thoái và phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép (khủng hoảng nợ công và khủng hoảng thanh khoản ngân hàng). Tốc độ tăng trưởng GDP tại các nước phát triển được IMF mới đây dự báo đạt 1,3% năm 2012 và 1,5% trong năm 2013. Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng tăng trưởng cho các nước phát triển, đạt 1,3% và 1,5% trong năm 2012 và 2013.

Tại các nước mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng từ sự suy yếu tại các nước phát triển và tình trạng mất cân đối tài chính. Tuy nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng ổn định trong khi tăng trưởng việc làm cao và mức tiêu thụ ổn định sẽ tiếp tục hỗ trợ cầu nội địa. Mặc dù vậy, tăng trưởng tại các nước này khó có thể quay lại mức trước cuộc khủng hoảng (nhưng vẫn được kỳ vọng vững chắc hơn và sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu). Theo IMF, GDP tại các nước này đạt 5,3% và 5,6% trong năm 2012 và 2013.

Lạm phát tại các nước tiếp tục xu hướng giảm

Lạm phát tại nhiều nước có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2012. Theo IMF, lạm phát các nước mới nổi và đang phát triển sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm 2012 và 5,8% trong năm 2013. Trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển được dự báo tương ứng là 1,9% và 1,6%.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 1

Theo dự báo vào tháng 10/2012 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát trung bình cho cả khu vực châu Á vào khoảng 4,2% trong cả hai năm 2012 và 2013. Trong đó, lạm phát ở khu vực Đông Á sẽ dịu đi trong năm 2012 (như Trung Quốc là 3,1%). Ngược lại, tại Nam Á, tỷ lệ lạm phát được dự báo tăng và nằm trong khoảng từ 7,7% - 8,6%.

Thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp

- Giá dầu tăng giá trong quý I/2012, giảm giá trong quý II, tăng giá trong quý III/2012 và lại giảm nhẹ trong quý IV/2012.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao ngay bình quân năm 2012 (tính đến 27/12) đạt mức 94,08 USD/ thùng, giảm 0,83% so với mức giá bình quân 94,87 USD/thùng của năm 2011. Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô WTI của năm 2012 sẽ ở mức 94,26 USD/thùng và 88 USD/ thùng trong năm 2013.

Giá dầu thô Brent giao ngay bình quân năm 2012 (tính đến 27/12) đã đạt mức 111,64 USD/thùng, tăng 0,34% so với mức giá bình quân 111,26 USD/thùng của năm 2011. Giá dầu thô Brent được EIA dự báo ở mức 112 USD/thùng và 104 USD/thùng trong năm 2012 và 2013.

- Giá vàng thế giới, đã có 4 tháng tăng liên tục (từ tháng 5 đến tháng 9), tăng mạnh nhất vào tháng 8 và tháng 9 với mức tăng 9,6% và giao dịch trong biên độ 1.685 - 1.787 USD/ounce. Giá vàng thế giới có mức giá bình quân cả năm 2012 đạt 1668,98 USD/ ounce (tính đến 28/12), cao hơn 5,84% so với mức bình quân của năm 2011. Theo dự báo của Financial Forecast Center, giá vàng thế giới sẽ đạt 1.715 USD/ ounce trong tháng 4/2013.

USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt

Tính chung trong năm 2012, chỉ số giá của đồng USD giảm 0,4%. Đồng USD giảm giá 4,7% so với Bảng Anh và đóng cửa ở mức 1,62 USD/GBP trong phiên giao dịch ngày 31/12/2012. Đồng USD cũng giảm giá 2,3% so với đồng Euro; 2% so với Đôla Úc; và giảm giá 6,2% so với Đôla Singapore. Theo dự báo của Reuters, USD sẽ phục hồi trở lại so với Bảng Anh, Euro và Yên Nhật trong vòng 1 năm tới với tỷ giá EUR/USD được dự báo sẽ ở mức 1,25; tỷ giá GBP/USD được dự báo ở mức 1,585; tỷ giá USD/ JPY được dự báo sẽ ở mức 85.

Xu hướng điều chỉnh chính sách ở các nước

Về chính sách tài khóa, trong năm 2012, các nền kinh tế phát triển có xu hướng điều hành chính sách tài khóa thu hẹp, trong khi xu hướng thắt chặt vừa phải đang được thực hiện ở các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi, bởi thâm hụt ngân sách năm 2012 của các nước này khoảng 1,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 5,9% GDP của các nền kinh tế phát triển.

Trong tháng 11/2012, một số nước tiếp tục đưa ra các biện pháp “khắc khổ” nhằm giảm bớt nợ công và vực dậy nền kinh tế: (i) Ngày 7/11, Chính phủ Pháp đã thông qua các biện pháp cắt giảm chi tiêu mới với trị giá khoảng 26 tỷ USD trong 2 năm tới; (ii) Chính phủ Hy Lạp đã thông qua luật ngân sách mới cho năm 2013 với mục tiêu cắt giảm sâu hơn nữa (trong đó cắt giảm 18,5 tỷ Euro và cải cách thị trường lao động, phấn đấu giảm nợ công xuống còn 175% GDP). Tại Mỹ, Tổng thống Obama đã quyết định tăng thuế đối với người có thu nhập cao từ 35% lên tới 40% nhằm hỗ trợ thâm hụt cho ngân sách liên bang.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 và những tác động đến Việt Nam - Ảnh 2

Về chính sách tiền tệ, trong năm 2012, Chính phủ các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh các điều kiện kinh tế trong và ngoài nước đều yếu đi và lạm phát thấp. Trong khi một số ngân hàng trung ương (NHTW) lớn ở Mỹ, Nhật, Anh, Canada tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất chính sách thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng, thì một số NHTW khác tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất hoặc

hạ dự trữ bắt buộc (tiêu biểu là Khu vực đồng Euro, Thụy Điển, Na Uy, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Philipines, Indonesia, Nam Phi, Hungary, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan)

Một số gói kích thích kinh tế cũng đã được nền kinh tế lớn công bố trong tháng 9/2012 nhằm hỗ trợ tăng trưởng như: (i) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) (ngày 13/9/2012) công bố gói nới lỏng định lượng QE3 với việc mua vào chứng khoán thế chấp với quy mô 40 tỷ USD/tháng cho đến khi thị trường việc làm được cải thiện; (ii) ECB (ngày 11/9/2012) công bố chương trình mua trái phiếu chính phủ trong khu vực đồng Euro với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 1-3 năm; và (iii) NHTW Nhật mở rộng chương trình thu mua tài sản thêm 10.000 tỷ yên (khoảng 126 tỷ USD) lên 80.000 tỷ yên.

Những rủi ro tiềm ẩn và tác động đến Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, kinh tế thế giới đang tiềm ẩn 3 rủi ro lớn. Một là, khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng Euro có thể sẽ làm lung lay cam kết hướng tới một liên minh thống nhất tại đây. Hai là, nếu tình hình tài khóa tiếp tục bị co lại thì nền kinh tế Mỹ sẽ chính thức rơi vào suy thoái và ảnh hưởng xấu tới thị trường tài chính toàn cầu. Ba là, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi có thể tạo ra cú sốc giá dầu và theo kịch bản dự báo về sự gián đoạn nguồn cung dầu được IMF đưa ra vào tháng 4/2012 thì nếu giá dầu tăng 50% do nguồn cung gián đoạn, tăng trưởng tại nhiều nước trên thế giới sẽ giảm từ 1-1,5%.

Những biến động và thách thức của kinh tế toàn cầu đã và đang tác động đến Việt Nam trên các mặt chủ yếu sau:

- Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm (tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam chỉ ở mức 5,03%).

- Thứ hai, nhu cầu nước ngoài giảm (đặc biệt cầu của Khu vực đồng Euro, Mỹ) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, các dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam.

- Thứ ba, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Syria có thể tạo cú sốc về giá dầu, khiến giá cả thế giới biến động mạnh trở lại sẽ tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát cũng như cán cân thương mại của Việt Nam trong những năm tới.

- Thứ tư, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm và xu hướng tăng cường các rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, EU, Nhật Bản) sẽ tạo nhiều khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

- Thứ năm, xu hướng tái cơ cấu kinh tế toàn cầu đang và sẽ đặt Việt Nam trước các thách thức mới, đòi hỏi những giải pháp mới phù hợp để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Việc các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, hướng đến sử dụng các công nghệ mới, tiết kiệm và sử dụng năng lượng sạch sẽ tạo sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh đối với Việt Nam.

Theo WB, các nhà hoạch định chính sách cần phải tiếp tục duy trì tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, đồng thời nên tiếp tục ưu tiên chuẩn bị ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra. Chính sách kinh tế vĩ mô cũng cần phản ứng hợp lý và thận trọng đối với sự hồi sinh của các dòng vốn nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế trong trường hợp dòng vốn đảo chiều. Tuy nhiên, hiệu quả của phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô còn phụ thuộc vào dư địa của chính sách tiền tệ các nước và đây sẽ là thách thức lớn đối với chính phủ các nước.

Đối với Việt Nam, dư địa của chính sách tiền tệ và cả chính sách tài khóa không còn nhiều. Về chính sách tiền tệ, lạm phát đang tăng trở lại từ tháng 9 trong khi cả lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu hơn. Về chính sách tài khóa, với tình hình thu NSNN đang gặp khó khăn, để đạt được mục tiêu bội chi NSNN ở mức 4,8% GDP (năm 2012) như Quốc hội đề ra, việc tăng chi đầu tư phát triển từ NSNN, kích cầu kinh tế cũng bị hạn chế. Theo khuyến nghị của ADB, để cải thiện niềm tin thị trường, Chính phủ cần có cam kết rõ ràng hơn về việc thực hiện lộ trình cải cách và tái cấu trúc. Trong đó, việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

1. IMF (2012). World Economic Outlook. October 2012;

2. WTO (2012). Trade Statisitcs. September 2012;

3. WB (2012). East Asia and Pacific Data Monitor. October 2012;

4. UN (2012). World Economic Situation and Prospects 2013. December 2012.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 1 - 2013

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 và những tác động đến Việt Nam

TS. Lê Thùy Vân, ThS. Trần Quỳnh Hoa

(Tài chính) Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đều đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2013 của các nước và các khu vực. Kinh tế Việt Nam theo đó cũng sẽ bị tác động ít nhiều từ bối cảnh chung nêu trên.

Xem thêm

Video nổi bật