Triển vọng nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2015

TS. Võ Hải Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

(Tài chính) Năm 2014, Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục về khối lượng mậu dịch, xuất khẩu và thặng dư tài khoản mậu dịch trong hai năm liên tiếp. Nhờ những thành quả này mà nền kinh tế Hàn Quốc có thể kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa hơn trong năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể lạc quan, bởi vì các điều kiện kinh tế của đất nước này không được thuận lợi cho lắm, do tiêu dùng nội địa và nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi. Vậy triển vọng nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2015 sẽ ra sao?

Chính phủ dự tính tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2015 là vào khoảng 3,8%, nhưng có khả năng có thể thấp hơn mức tăng trưởng của năm ngoái (3,4%). Vấn đề chính phụ thuộc vào xuất khẩu và nhu cầu trong nước, hai yếu tố quyết định chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Triển vọng đối với hai yếu tố này có vẻ là không sáng sủa cho lắm, do sự trì trệ của nền kinh tế thế giới làm giảm xuất khẩu của Hàn Quốc và nhu cầu trong nước khó có thể phục hồi do sự suy giảm thu nhập và gia tăng nợ hộ gia đình. Vì vậy, triển vọng kinh tế Hàn Quốc năm nay không hoàn toàn sáng sủa, nhưng vẫn có hy vọng nhờ vào việc ứng phó của Chính phủ với tình hình này như thế nào.

Chính phủ Hàn Quốc dự tính tăng trưởng năm nay khoảng 3,8%, cao hơn 0,4 điểm % so với năm ngoái. Nhưng các chỉ số dự báo mức tăng trưởng do các Viện nghiên cứu trong nước đưa ra chỉ là khoảng 3,5%, và CEO của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc dự báo là khoảng 3,2%.  Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc kỳ vọng xuất khẩu của Hàn Quốc đạt khoảng 594 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm ngoái, nhập khẩu tăng khoảng 3,2%, nhưng vấn đề là các điều kiện xuất khẩu có vẻ không quá sáng sủa.

Vấn đề tác động bên ngoài lớn nhất là sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm khoảng 26% xuất khẩu và 16% nhập khẩu. Nhưng các chuyên gia dự báo rằng, Trung Quốc sẽ khó khăn để có thể duy trì mức tăng trưởng 7% trong năm nay, điều mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất nhập khẩu của Hàn Quốc. Yếu tố rủi ro thứ hai là sự mất giá của đồng yên Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử vào tháng 12/2014, với những động thái thúc đẩy mạnh mẽ chính sách kinh tế Abenomics của ông như hạ giá đồng yên và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu. Vấn đề thứ ba là nền kinh tế châu Âu tiếp tục bất ổn. Nhìn chung, châu Âu đang bị giảm phát, làm cho lạm phát thấp và tăng trưởng thấp. Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc, vì vậy, mọi sự bất ổn của châu Âu đều là tin tức không tốt lành cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Bất chấp sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn khá tốt trong năm ngoái. Có một số bất trắc như sự mất giá của đồng yên Nhật, nhưng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như chất bán dẫn, thép, điện thoại di động, tàu biển, đã phát triển mạnh ở nước ngoài và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc và giảm phát ở châu Âu đang tác động không nhỏ tới nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Hàn Quốc. Thêm vào đó, đồng yên yếu cũng là mối đe dọa không nhỏ đối với Hàn Quốc. Trong quí 3 năm 2012, ngay trước khi các biện pháp Abenomics có hiệu lực, 100 yên đổi được 1.441 won, nhưng năm ngoái tỷ giá này đã giảm 34% xuống còn 951 won đổi 100 yên. Quan trọng hơn cả là sự giảm chi tiêu dùng trong nước tiếp tục diễn ra đã kéo lùi sự khôi phục nền kinh tế của Hàn Quốc.

Rủi ro bên trong đầu tiên phải kể đến là sự gia tăng nợ hộ gia đình đã vượt 1000 tỷ won hay xấp xỉ 960 tỷ USD. Người Hàn Quốc vay nợ như vậy nên khó mà có tiền chi tiêu nhiều. Nếu không ai chi tiêu có nghĩa là kinh doanh trì trệ, dẫn tới làm cản trở các công ty đầu tư và tuyển dụng nhân công. Rút cuộc là, tiêu dùng, đầu tư và việc làm cùng suy giảm theo, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Điều đó cho thấy tại sao vấn đề nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc lại nguy hiểm đến như vậy. Đó là một trong những rủi ro trong nước lớn nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Rủi ro khác nữa là giảm phát kéo dài. Giảm phát là do các tác nhân như lạm phát thấp và tăng trưởng thấp đã đưa nền kinh tế vào tình trạng trì trệ. Hàn Quốc cho đến nay đã nếm trải mức tăng trưởng 3% và lạm phát 1% trong hơn hai năm. Trong quá khứ, Hàn Quốc thường có mức tăng trưởng cao và lạm phát cao thường xuyên ở mức 10%. Nhưng mức tăng trưởng thấp và lạm phát thấp kéo dài như vậy đã đưa Hàn Quốc vào tình trạng giảm phát giống như các nước châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã yêu cầu hạ thấp lãi suất cơ bản hai lần vào năm ngoái do Hàn Quốc muốn kích hoạt tiêu dùng và đầu tư cơ bản. Trên thực tế, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc đã suy giảm dần qua mỗi quí do ngưng trệ tiêu dùng ở khu vực tư nhân, với mức suy giảm từ 2,5% đầu năm 2014 xuống 1,5% vào cuối năm 2014, và mức tăng đầu tư cơ sở đã giảm từ 7,3% xuống 4,3%. Để thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc thì hai động lực tiêu dùng và đầu tư phải là được khôi phục trước tiên. Vậy điều gì sẽ giúp giải quyết được vấn đề này của nền kinh tế Hàn Quốc?

Hy vọng nằm ở sự suy giảm của giá dầu. Hàn Quốc nhập khẩu toàn bộ nhu cầu dầu thô của mình, vì vậy, giá dầu thấp có nghĩa là Hàn Quốc sẽ có thêm tiền để chi tiêu cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Giá dầu giảm có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, một động lực kép của sự tăng trưởng và sẽ thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng trở lại. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng một số kết quả từ các biện pháp kích thích của Chính phủ, bao gồm các biện pháp như tăng chi tiêu tài chính và phi điều chỉnh. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng lên kế hoạch tiếp tục hạ thấp lãi suất chính sách. Ở mức đó, hy vọng chúng ta sẽ trông thấy một sự bứt phá trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư công ty, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản nhằm tạo ra các điều kiện kinh tế thuận lợi hơn.

Hoa Kỳ đã nhận thấy những tác động của việc giảm giá dầu đối với chi tiêu và  đầu tư công ty. Tương tự, giá dầu thô thấp, được dự kiến sẽ ở khoảng 60 USD mỗi thùng trong năm nay, dự kiến sẽ thúc đẩy chi tiêu và đầu tư tại Hàn Quốc. Ngoài ra, tất cả những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc để trẻ hóa nền kinh tế được hy vọng ở kết quả thực tế trong năm nay. Nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trên một nấc thang quan trọng. Hàn Quốc cần phải làm gì để đương đầu với những khó khăn hiện tại và tiến lên nấc thang tiếp theo?

Hàn Quốc phải chấp nhận những đau đớn để khôi phục đất nước thông qua cải cách và xây dựng một khung khổ kinh tế mới. Nhiệm vụ của Hàn Quốc trong năm 2015 là xắn tay áo lên và bắt tay vào làm. Có những rủi ro nghiêm trọng từ bên ngoài và bên trong, nhưng các ngành công nghiệp của Hàn Quốc phải tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tìm ra những động lực tăng trưởng mới cho tương lai. Các công ty vừa và nhỏ và các công ty mạo hiểm phải được cải thiện để tạo ra nhiều việc làm hơn và vượt qua khó khăn này. Hàn Quốc không nên lo sợ về những rủi ro này. Thay vào đó, Hàn Quốc nên biến chúng thành những cơ hội và thách thức. Nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước hai khả năng, một là có thể đi tới một sự tiến bộ lớn và hai là đi tới suy thoái kinh niên. Năm 2015 là thời gian vàng để khôi phục kinh tế, vì vậy Hàn Quốc nên xây dựng một khung khổ kinh tế mới và thúc đẩy nền kinh tế lên một tầm cao mới.