Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn

Hồng Vân

(Tài chính) Các số liệu kinh tế mới đây cho thấy bức tranh kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế lớn nói riêng vẫn chưa hứa hẹn nhiều điểm sáng trong năm 2013.

Mỹ

Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/1/2013 công bố bản báo cáo cho biết GDP của nước này trong quý IV/2012 tăng trưởng âm 0,1%. Đây là quý đầu tiên GDP của Mỹ tăng trưởng âm kể từ mức tăng trưởng âm 2,8% trong quý II/2009 do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng 2007-2009. Đây là một kết quả khá bất ngờ đối với hầu hết các chuyên gia kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng âm trong quý IV/2012 là sự sụt giảm rất đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng 3,1% trong quý III, 1,3% trong quý II và 2% trong quý I của năm 2012 và là một bất ngờ so với mức dự báo 1,2% của nhiều chuyên gia kinh tế.

Báo cáo trên  được công bố trong lúc người tiêu dùng ở Mỹ  đang tìm cách thích nghi với các mức thuế cao hơn và Washington đang cân nhắc cắt giảm thêm các khoản chi tiêu.

Tính chung cả năm 2012, tốc độ tăng GDP của Mỹ đạt 2,2%, cao hơn mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2011. Nguyên nhân chính làm sụt giảm mạnh tốc độ tăng GDP trong 3 tháng cuối năm 2012 là do có sự cắt giảm chi tiêu của chính phủ, trong đó, mức chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng bị cắt giảm lớn nhất (22,2%) trong vòng 40 năm qua, cho dù chi tiêu của người tiêu dùng tăng 2,2% và đầu tư của các doanh nghiệp cũng gia tăng.

Một nguyên nhân nữa là do khối lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý IV/2012 ra các thị trường nước ngoài bị giảm mạnh nhất trong gần 4 năm qua do tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc và tình trạng suy thoái của kinh tế châu Âu.

Bất chấp tốc độ tăng GDP đáng thất vọng trong những tháng cuối cùng của năm 2012, các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan với viễn cảnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2013. Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý đầu của năm 2013 có khả năng đạt từ 2% đến 2,5%. Có nhiều yếu tố dẫn tới những dự báo lạc quan này, trong đó có việc chi tiêu của người tiêu dùng vẫn trên đà gia tăng, thị trường bất động sản tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực.

Eurozone

Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy GDP của Eurozone chỉ đạt 0,6% trong quý IV/2012 - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay. Như vậy, nếu tính cả năm 2012, nền kinh tế Eurozone đã chạm đến "giới hạn đỏ" khi GDP dừng lại ở mức - 0,9%.

Do đầu tư và kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nên tốc độ tăng trưởng GDP của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu lục, cũng chỉ đạt 0,6%, trong khi Pháp là 0,3%. Tuy vậy, những diễn biến phức tạp liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone không phải là điều quá bất ngờ khi kết quả khảo sát đối với doanh nghiệp và chỉ số lòng tin của người tiêu dùng đã báo trước một mùa đông ảm đạm.

Bên cạnh đó, vẫn còn có quá nhiều lực cản đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế châu Âu. Chi phí tiếp cận nguồn vốn quá cao khi lãi suất cho vay trung bình đối với các doanh nghiệp phi tài chính của Eurozone là 3,4% trong quý cuối năm ngoái, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khiến khu vực tư nhân khó vươn dậy để đảm nhận vai trò là động lực cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế châu lục.

Thất nghiệp gia tăng do doanh nghiệp thu hẹp hoạt động trong khi chính phủ thực hiện chính sách "thắt lưng, buộc bụng" cũng góp thêm những gam màu tối vào bức tranh toàn cảnh của kinh tế châu Âu. Đó là chưa kể đến một nguy cơ mới đang đe dọa tương lai của Eurozone: đồng euro tăng giá.

Theo nhận định của Hội đồng Châu Âu ngày 24/2/2013, cơn bão suy thoái kinh tế tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2013.  Dự kiến, nền kinh tế Eurozone sẽ suy thoái thêm 0,3% trong năm 2013, khiến nhiệm vụ cắt giảm ngân sách của các chính phủ càng thêm khó khăn. Trước đó, Hội đồng Châu Âu kỳ vọng 17 nền kinh tế khu vực Eurozone có thể tăng trưởng ở mức 0,1% trong năm nay, sau mức sụt giảm 0,6% trong năm 2012. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Olli Rehn, tỷ lệ thất nghiệp Eurozone sẽ tiếp tục tăng lên mức 12,2% năm 2013 do suy thoái chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tỷ lệ thất nghiệp của năm 2012 là 11,4%.

Dự báo mới nhất của Hội đồng Châu Âu có xu hướng bi quan hơn so với phân tích của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi- người cho rằng khu vực Eurozone sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2013. Tuy nhiên, quan điểm của Hội đồng Châu Âu về thực trạng suy thoái gia tăng ở Eurozone phản ánh ý kiến mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong báo cáo hồi tháng 1, IMF dự báo Eurozone sẽ phải trải qua đợt “suy thoái nhẹ” năm 2013.

Nhật Bản

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2012 có 2 gam màu sáng tối khá rõ rệt. Nửa đầu năm là việc GDP tăng trưởng khá ngoạn mục chủ yếu nhờ công cuộc tái thiết và phục hồi từ thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. GDP quý I của nước này tăng 1% so với quý IV/2011, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2011; và quý II đạt 1,3% so với quý I. Sự phục hồi ổn định của các ngành nghề sau thảm họa động đất - sóng thần là nguyên nhân chính khiến kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu và đồng yên liên tục tăng giá mạnh so với USD làm xói mòn những nguồn thu từ nước ngoài khiến GDP quý III và quý IV liên tiếp suy giảm.

Trong báo cáo hôm nay 14/2/2013, Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết GDP trong 3 tháng cuối năm 2012 giảm 0,4%, sau khi giảm 3,8% trong quý III/2012. Đây thực sự là điều khá bất ngờ bởi trước đó, theo dự báo trung bình của 32 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng 0,4% trong quý IV/2012.

Việc kinh tế tiếp tục giảm trong quý IV/2012 cho thấy độ trễ của những lợi ích kinh tế, như đồng Yên yếu và cổ phiếu tăng, mà Nhật Bản có được trong thời gian qua. Trước đó, các ngân hàng thế giới từ Goldman Sachs cho đến Nomura Holdings đều nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2013 của Nhật Bản, đặc biệt sau khi tân thủ tướng Shinzo Abe công bố kế hoạch vực dậy kinh tế đất nước thông quá các gói kích thích tài chính và tiền tệ.

Trong cuộc họp diễn ra 28/1, chính phủ Nhật Bản cũng đã dự báo nền kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm tài chính 2013/2014. Theo các quan chức Nhật Bản, dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013-2014 dựa trên kỳ vọng thủ tướng Shinzo Abe sẽ hiện thực hóa tham vọng dùng các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế nước ngoài cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản.

Trung Quốc

Tính cả năm 2012, GDP Trung Quốc tăng trưởng 7,8%, mức thấp nhất của nền kinh tế này kể từ năm 1999. Các con số trên được cơ quan thống kê Trung Quốc công bố ngày 18/1/2013, cao hơn đôi chút so với dự báo của giới quan sát đưa ra trước đó.

Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 mà Bắc Kinh đặt ra là 7,5%, thấp hơn mức mục tiêu 8% của 8 năm trước đó. Điều này cho thấy cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc thực hiện những thay đổi mang tính chất cơ cấu.

Trong tháng 12/2012, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức kỳ vọng 4% của thị trường và mức tăng 2,9% đạt được trong tháng 11.

Trong bối cảnh thiếu vắng một kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ, Bắc Kinh đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu vào các thiết bị gia dụng tiết kiệm nhiên liệu nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh việc cảnh báo những khó khăn kinh tế toàn cầu có thể kéo dài hơn dự báo, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì chính sách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2012 này để giữ tăng trưởng ổn định.  Một số nguồn tin cho hay, mục tiêu tăng trưởng mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2013 này sẽ ở mức 7,5%.