Triển vọng tăng trưởng kinh tế ASEAN

Hồng Vân

(Tài chính) Bức tranh kinh tế thế giới năm 2012 có nhiều "gam trầm" nhưng sự lớn mạnh của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế ASEAN đang được coi là những" mảng sáng" rõ nét nhất.

Vượt qua thách thức

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến tốc độ tăng trưởng GDP của các nước ASEAN trồi sụt mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2011. Ít có nước nào trong khu vực có được sự ổn định trong giai đoạn này.

Trường hợp ổn định nhất trong ASEAN là Indonesia với tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây ở mức 6,2% vào năm 2010, 6,5% vào năm 2011 và khoảng 6,1% vào năm 2012. Trước đó, ngay cả năm tệ hại nhất của kinh tế thế giới là năm 2009 thì tăng trưởng GDP của Indonesia cũng chỉ giảm xuống mức 4,6%.

Trường hợp trải qua nhiều sóng gió nhất có lẽ là Thái Lan, với mức thụt lùi -2,3% vào năm 2009 và mức tăng trưởng gần như bằng 0 hồi năm 2011. Xen kẽ giữa các năm đó, Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ năm 2010 với 7,8%.

Malaysia cùng chịu chung số phận với tốc độ tăng trưởng GDP giảm liên tục trong 3 năm gần nhất. Nước này cũng chứng kiến sự suy giảm điểm tăng trưởng từ 7,2% (năm 2010) xuống còn 5,1% năm 2011.
Philippines cũng có tăng trưởng trồi sụt đáng đáng kể trong những năm vừa qua. Tốc độ tăng GDP của nước này đã lên tới mức 7,6% năm 2010, nhưng lại tụt xuống 3,7% vào năm 2011.

Tăng trưởng GDP các nước còn lại có ASEAN cũng có những diễn biến tương tự, tuy nhiên, xét về tổng thể đến hết năm 2011, các nước ASEAN đã vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tăng trưởng cao trong năm 2012

Trong năm 2012, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều đã chọn Đông Nam Á là địa điểm đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài. Điều này càng củng cố thêm những dự đoán về tầm quan trọng của kinh tế khu vực này với toàn cầu.

Trên thực tế, trong thời gian qua, mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, sự suy yếu của kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, song trong năm 2012, kinh tế khu vực ASEAN vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm nay đạt khoảng 5,2%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Lào cao nhất là khoảng 8,4%, tiếp đến là Campuchia với mức tăng 6,4%, Indonesia khoảng 6,1%, Brunei khoảng 3,2%, Malaysia khoảng 4,4%, Myanmar khoảng 6,0%, Philippines khoảng 4,2%, Singapore khoảng 2,7%, Thái Lan khoảng 5,5%.

Nhằm đảm bảo sự ổn định nền kinh tế vĩ mô đang bị tác động bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới, các quốc gia ASEAN đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát và đã tỏ ra khá hiệu quả. Bên cạnh đó, tất cả các nước ASEAN đều có nhu cầu nội địa tăng mạnh, bù lại đáng kể sự sụt giảm về xuất khẩu.

Ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế tại Mizuho Corporate Bank (Singapore) cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu ASEAN đã chạm đáy, vì thế, họ sẽ có đà tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu".

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu khu vực này cũng khởi sắc trong năm qua (các cổ phiếu ở Philippines và Thái Lan đã tăng hơn 25% trong năm nay. Chứng khoán Indonesia cũng lên 13%, cao hơn mức tăng 9% của chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương). Theo các nhà phân tích, việc này là do tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định.
Dự báo 2013

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á 2013 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế của ASEAN sẽ trở về mức “bùng nổ” ở thời kỳ tiền khủng hoảng với tỷ lệ 5,5%.

OECD nhận định các nước ASEAN đang chú trọng nhiều vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy kinh tế, nhờ đó, giảm nhẹ những tác động tiêu cực của việc xuất khẩu suy giảm, trong bối cảnh Mỹ và các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về tài chính.

Chi tiêu công cao cùng lực lượng dân số trẻ đã hỗ trợ rất nhiều cho nhu cầu nội địa và thu hút vốn đầu tư của các nước phát triển châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, bất chấp sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi tiêu của Chính phủ các nước ASEAN dành cho hệ thống an sinh xã hội và y tế sẽ góp phần khuyến khích chi tiêu hộ gia đình và giảm nhu cầu tiết kiệm ở châu Á.

Dài hạn hơn, Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist - dự báo ASEAN có thể sẽ tiếp tục phát triển tốt trong giai đoạn 2014-2017 với nhịp độ trung bình mỗi năm là 5,8%.

EIU cho rằng ASEAN, được hưởng lợi nhờ sự xuất hiện của cường quốc kinh tế Trung Quốc, tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, EIU cũng cảnh báo rằng giống như Trung Quốc khi phải đối mặt với nhu cầu giảm sút từ các thị trường phương Tây, các nền kinh tế ASEAN sẽ cần trải qua một sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đạt được nhiều tăng trưởng hơn từ nhu cầu trong nước.