Triển vọng thị trường chứng khoán thế giới năm 2017

PV.

Thị trường chứng khoán thế giới đã kết thúc năm 2016 với xu hướng lên điểm mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận về triển vọng của thị trường này trong năm 2017, nhiều ý kiến chuyên gia phân tích lại tỏ ra không mấy khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán thế giới năm 2016

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã có những thành công hơn mong đợi trong năm 2016. Chỉ số chứng khoán Dow Jones chứng kiến năm có thành quả tốt nhất kể từ năm 2013 với mức tăng 13,4% và dừng lại ở 19,762.6 điểm trong phiên giao dịch 31/12/2016. Cùng với Dow Jones, 2 chỉ số chứng khoán khác là S&P 500 và Nasdaq cũng đã lần lượt tăng 9,5%, tăng 7,5% trong năm 2016.

Chứng khoán Mỹ đã liên tục leo dốc đặc biệt từ giữa năm 2016 và kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống nhờ kỳ vọng về các chính sách cắt giảm thuế suất, nới lỏng quy định và các biện pháp kích thích kinh tế mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Chỉ số chứng khoán Dow Jones trên TTCK Mỹ năm 2016

Triển vọng thị trường chứng khoán thế giới năm 2017 - Ảnh 1

Nguồn: Bloomberg.com

Các nhà đầu tư chứng khoán thế giới khá lạc quan khi cho rằng ông Trump sẽ thay đổi diện mạo cho nước Mỹ. Ảnh hưởng từ TTCK Mỹ, TTCK châu Âu trong năm qua cũng đã lên điểm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của London đi ngược lại dự báo trước đó và chạm mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2016 sau khi người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh tăng 14,4%, đánh dấu năm tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2013.

Các chuyên gia tài chính nhận định chính sự kiện Brexit đã đẩy đồng bảng Anh rớt xuống đáy 31 năm so với đồng USD, qua đó trợ giúp tích cực TTCK của quốc gia này. Bên cạnh đó, động thái hỗ trợ kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng với dữ liệu kinh tế lạc quan hơn dự báo đã góp phần hỗ trợ TTCK Anh.

Ngoài Anh, trong năm qua, chỉ số DAX của Đức cũng tăng 6,87%, kéo dài đợt tăng tới năm thứ 5. Đây là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2007. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 4,86%, kéo dài đà tăng từ năm 2015 và đánh dấu năm tăng thứ 4 trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng chung, Chỉ số FTSE MIB của Italy đã sụt 10% khi nhà đầu tư lo lắng về lĩnh vực ngân hàng.

Tại châu Á, lần đầu tiên kể từ năm 1989, chỉ số Nikkei của Nhật Bản mới có giai đoạn tăng trưởng kéo dài 5 năm như hiện nay. Tuy nhiên, mức tăng của chỉ số này khá khiêm tốn, chỉ 0,42%.

Trong khi đa số các thị trường chứng khoán toàn cầu hồi sinh mạnh mẽ, thì TTCK Trung Quốc lại khép lại năm 2016 với mức giảm sâu. TTCK Trung Quốc có mức sụt giảm 2 con số sau làn sóng bán tháo nặng nề vào đầu năm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 12,3% - kết quả tồi tệ nhất từ năm 2011 tới nay.

Triển vọng năm 2017

Dự báo về TTCK thế giới năm 2017, nhiều nhà đầu tư, nhiều chuyên gia tài chính lại tỏ ra khá thận trọng.

Giám đốc đầu tư Jeff Hussey của Russell Investments dự báo TTCK Mỹ sẽ có không ít thử thách trong năm 2017. Cả 3 chỉ số chính của TTCK Mỹ (Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq) đã liên tiếp tạo lập kỷ lục trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Hussey cho rằng trong năm 2017, TTCK Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi lương và lãi suất tăng, trong đó rào cản lớn nhất với nền kinh tế Mỹ là chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Khi lãi suất tăng, đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào thị trường sẽ ít đi.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư chứng khoán đang dõi theo động thái của chính phủ Mỹ, đặc biệt trong những cam kết cắt giảm thuế, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách bộ máy hành chính của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuy nhiên, sự thất vọng có thể đến khi những chi tiết của các chính sách này được công bố và không đáp ứng được sự kỳ vọng của các thị trường và doanh nghiệp.

Ngoài những lo ngại trên, những lo ngại địa - chính trị trên toàn cầu cũng có thể tác động tới giá cổ phiếu năm 2017. Nguy cơ nổ ra các cuộc chiến thương mại vẫn hiện hữu, trong khi chủ nghĩa dân túy có thể ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử tại châu Âu năm tới, đặc biệt là tại Đức và Pháp.

Năm 2017, giới phân tích cho rằng chứng khoán châu Á có thể tăng trong ngắn hạn theo chứng khoán Mỹ, nhờ chính sách chi tiêu công sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Tuy nhiên, lạm phát cũng sẽ tăng tốc khi USD mạnh lên và Mỹ có khả năng áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại.

Cổ phiếu Nhật Bản được dự báo có thêm lực đẩy từ môi trường kinh tế toàn cầu, nhờ sự lạc quan về kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump. Nửa cuối năm có thể gặp nhiều thách thức hơn, do thị trường sẽ hiểu rõ hơn về các chính sách của ông Trump. Còn nếu Fed vội vã tăng lãi suất, chứng khoán Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn "ì ạch".

Nhận định về TTCK Trung Quốc, các chiến lược gia dự báo khá khả quan khi cho rằng thị trường Trung Quốc có thể khởi đầu chậm chạm, nhưng tăng trưởng lợi nhuận sẽ hồi phục lên cao nhất 4 năm, do lạm phát ổn định. Năng lượng là lĩnh vực được các chiến lược gia ưa chuộng nhất. Cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, tiêu dùng cũng được dự báo có kết quả tốt năm 2017.

Hang Seng Index của Hong Kong (Trung Quốc) sẽ chạm 25.000 điểm cuối năm tới. Còn Hang Seng China Enterprises Index lên 11.000, tăng 13% so với hiện tại. Còn với Shanghai Composite, mức tăng sẽ tương đương 20%, lên 3.800 điểm, sau khi giảm hơn 10% năm 2016.