Trung lưu Trung Quốc cứu thế giới?

Theo saigondautu.com.vn

Tầng lớp trung lưu đông đảo ở Trung Quốc được kỳ vọng như một lực lượng có thể kéo kinh tế thế giới tiến nhanh trên con đường hồi phục thông qua hoạt động tiêu xài của họ. Điều đó có thực tế?

 Trung lưu Trung Quốc cứu thế giới?
Mỗi giờ các nhà sản xuất xe hơi bán được 2.500 chiếc ở Trung Quốc. Nguồn: internet

Trên một mảnh đất khô cằn tại ngoại ô Trịnh Châu - thủ phủ tỉnh Hà Nam - một cụ bà, cô con dâu và cháu nội đang cố gắng tìm kế sinh nhai khi phải đối mặt với thảm kịch nhà cửa, đồng ruộng đang bị thành phố “nuốt chửng”.

Trong thập niên qua, Trịnh Châu đã tiếp nhận thêm 3 triệu người, nâng dân số lên 9 triệu người. “Chúng tôi không còn nhiều đất nữa, nhưng số đất còn lại cũng đang bị lấy để làm đường và cao ốc” - bà Liu nói.  Vào tháng 1/2012, Cục Thống kê Trung Quốc lần đầu tiên công bố dân số thị thành ở nước này vượt qua dân số vùng nông thôn.

Đó là một sự thay đổi chóng vánh đến kinh ngạc, với 200 triệu người rời nông thôn trong thập niên vừa qua. Quy mô và phạm vi chính xác của giai đoạn tiếp theo vẫn đang được bàn luận, nhưng không ai nghi ngờ chính phủ mới của Trung Quốc có ý định đẩy mạnh làn sóng di cư hàng loạt nhưng ở sắc thái khác.

Các nhà hoạch định chính sách tin rằng ít có lựa chọn nào khác, vì mô hình tăng trưởng kinh tế trước đây dựa trên xuất khẩu và chi tiêu công lớn đã không còn phù hợp. Vì vậy, Trung Quốc đang cố chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ nội địa. Và đó là khi vai trò của tầng lớp trung lưu được đề cao.

Hiện tiêu dùng chỉ đóng góp 35% tổng GDP của Trung Quốc, thấp hơn xa so với mức bình quân 70% ở các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, giới chức Trung Quốc hy vọng việc đẩy hàng triệu nông dân vào các thành phố sẽ tái cân bằng nền kinh tế.

Việc trở thành thị dân được hy vọng sẽ gia tăng thu nhập cho những người vốn là nông dân, nhờ đó họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Họ cũng được mong đợi sẽ giáo dục con cái hướng đến những chuẩn mực cao hơn, tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới mạnh mẽ hơn. Nếu thành công, ước tính có hơn nửa tỷ người Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ trung lưu trong vòng 1 thập niên tới.

Tiềm năng đối với kinh tế toàn cầu tương đối rõ ràng. Trung Quốc hiện đã là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới và cơn khát tài nguyên của nước này đang giúp những nước sản xuất hàng hóa như Australia thu bộn tiền. Hoa Kỳ vẫn lo ngại về thâm hụt mậu dịch, nhưng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng từ 27 tỷ USD năm 2003 lên 108 tỷ USD năm ngoái.

Đại gia xe hơi số 1 của Hoa Kỳ, General Motors, bán được nhiều xe ở Trung Quốc hơn ở quê nhà. Chuỗi cà phê Starbucks mỗi ngày mở thêm hơn 1 quán mới, trong khi chuỗi thời trang cao cấp Burberry của Anh hiện đã có 70 cửa hàng ở 35 thành phố Trung Quốc. Danh sách còn dài nữa, cho thấy các thương hiệu cao cấp và trung cấp nay đang cố chen chân vào thị trường tiêu dùng đang tăng nhanh ở Trung Quốc.

Nhưng các nhà chỉ trích cho rằng Trung Quốc quá nóng vội phát triển tầng lớp trung lưu, đã bỏ qua những vấn đề về hiểm họa môi trường và bất ổn xã hội. Họ cũng cho rằng các đòn bẩy kinh tế Trung Quốc không bền vững, dễ dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc thậm chí sụp đổ vì nợ công, trước khi có thể cất cánh nhờ tiêu dùng.

Và các nhà hoạch định chính sách biết rằng nếu thật sự muốn thúc đẩy tiêu thụ, họ cần cải cách hệ thống hộ khẩu đang ngăn chặn người nông thôn xây dựng cuộc sống lâu dài ở thành thị.