Trừng phạt kinh tế Nga, hai bên cùng thiệt?

Theo Thông tin Tài chính số 12 (kỳ 2 tháng 6/2014)

(Tài chính) Kể từ ngày 16/3/2014, đánh dấu ngày Mỹ và EU phát lệnh trừng phạt Nga lần đầu tiên, tính đến nay đã có 61 cá nhân và hai công ty của Nga (bao gồm cả bán đảo Crimea) nằm trong danh sách bị cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản. Trong khối EU đã có 9/28 nước miễn cưỡng áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Giới phân tích cho rằng, sở dĩ có sự phân hóa trong nội bộ EU và các bước trừng phạt còn khá “khiêm tốn” là vì nếu trừng phạt kinh tế Nga thì “hai bên cùng thiệt”...

Trừng phạt kinh tế Nga, hai bên cùng thiệt?
Lệnh trừng phạt kinh tế Nga khiến các bên đều thiệt hại. Nguồn: internet

Từ câu hỏi “ai thiệt hơn ai”…

Ngày 17/3/2014, sau đợt trừng phạt đầu tiên của phương Tây, Thứ trưởng Nga ông Sergei Belyakov đã nói rằng, tình hình kinh tế Nga đang có “những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng”. Đến 21/4/2014, sau hơn một tháng, quan chức Bộ Tài chính Nga cho biết, nền kinh tế nước này có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong quý II và dự báo GDP có thể giảm sút khoảng 0,5% so với quý I/2014. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga, ông Anton Siluanov dự báo GDP của Nga trong năm 2014 sẽ ở mức 0 - 0,5%.

Giải thích cho tình hình kinh tế hiện nay, giới chức tài chính Nga cho rằng, kinh tế Nga từ mức tăng 3,4% đạt được trong năm 2012, giảm xuống còn 1,3% trong năm 2013, do nhu cầu của người tiêu dùng Nga không đủ để bù đắp cho sự suy giảm đầu tư, đó là sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ những năm 2008 - 2009, khiến xu thế tăng trưởng giảm.

Mặt khác, do khủng khoảng ở Ukraine cũng tác động tới “khủng hoảng niềm tin” ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh, thương mại sa sút, mức tăng trưởng trong quý I/2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là 2,5%. Đầu tư vào Nga đã giảm 4,8% trong quý I/2014, với 70 tỷ USD bị rút khỏi Nga, trong khi năm 2013 con số đó chỉ là 63 tỷ USD. Tuy nhiên, việc phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế không chỉ khiến bên bị trừng phạt thiệt hại mà bên trừng phạt cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.

Trong số các chủ thể tham gia trừng phạt Nga, EU là bên bị “thiệt hại ngược” nhiều nhất, vì EU phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga và quan hệ thương mại, đầu tư giữa Nga và EU tương đối lớn. Vì thế, lệnh cấm vận càng dài, Nga suy yếu thì EU cũng thiệt hại không nhỏ.

… Đến câu trả lời “hai bên cùng thiệt”

Nguồn thu chủ yếu của kinh tế Nga là từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, giá trị xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm tới 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Trong đó, EU nhập khẩu 30% nhu cầu năng lượng từ Nga. Trong bối cảnh nhiều nước phát triển đang trong trạng thái khan hiếm năng lượng, giới phân tích nhận định, Nga sẽ chỉ khó khăn trong giai đoạn đầu (nếu phương Tây trừng phạt Nga nhằm vào mặt hàng này), khi Nga đã tìm được thị trường mới thì chính EU sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn.

Giới phân tích dự đoán, nếu tình hình chính trị ở Ukraine ngày càng trầm trọng hơn, thì Nga và các nước phương Tây cũng phải cùng thương lượng để tránh thiệt hại cho cả đôi bên. Mặt khác, khả năng lệnh cấm vận của Mỹ và EU không thể kéo dài do Washington đơn phương đưa ra các lệnh cấm vận kinh tế lớn, còn EU thì đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính tượng trưng là chủ yếu, nên mức độ thiệt hại của Mát-xcơ-va sẽ không lớn như dự báo.

Mới đây, Thứ trưởng Tài chính Mỹ, ông David Cohen cũng đã phải thừa nhận rằng, “việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga cũng khiến Mỹ và EU tổn thất không nhỏ”. Các biện pháp trừng phạt không chỉ gây thương tổn cho nền kinh tế Nga, mà còn có tác động tiêu cực đến các công ty của Mỹ và đặc biệt là ở châu Âu, nơi có nhiều ngân hàng và công ty năng lượng có lợi ích sâu rộng với đối tác Nga.

Ông Cohen cho biết thêm: “Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt không ngoại trừ một ai, kể cả Mỹ. Chúng tôi không phủ nhận rằng có một số ảnh hưởng đến châu Âu. Chúng tôi đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt có thể tối đa hóa tác động đến những đối tượng mà chúng tôi nhắm đến, đồng thời giảm thiểu tác động phụ đối với chúng tôi”.

… EU không mặn mà

Các biện pháp cấm vận mới chống lại Nga mà Mỹ và EU công bố trong những ngày vừa qua, được giải thích là không nhằm trực tiếp vào nền kinh tế Nga, vì Washington thừa nhận, Mỹ không thể đơn phương áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế chống Nga mà thiếu sự đồng thuận của EU.

Cho nên, các vòng cấm vận chống Nga tiếp theo chỉ mở rộng thêm các lệnh trừng phạt của vòng cấm vận trước đó, chủ yếu nhằm vào các cá nhân ở Nga và Ukraine. Các biện pháp cấm vận mới sẽ chỉ nhằm vào việc hạn chế đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân. Vì thế, chúng có vẻ không gây tác hại lớn đến các chính sách kinh tế của Nga.

Ngày 16/5/2014, Cao ủy EU phụ trách vấn đề năng lượng Guenther Oettinger nói rằng: “Nga là đối tác thương mại chính của EU về khí đốt tự nhiên, do đó, không nên có lệnh trừng phạt nào về lĩnh vực năng lượng của Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine”. 

Phát biểu tại Athen trong chuyến thăm Hy Lạp, ông Oettinger còn cho biết: “Nga là nhà cung cấp khí đốt quan trọng nhất cho thị trường châu Âu suốt 40 năm qua. Tất cả các quốc gia trong EU đều nhất trí coi lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khí đốt, là lĩnh vực không phù hợp trong danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga”. 

Ông Oettinger nói thêm: “Điều đó có nghĩa là bất chấp khủng hoảng, EU vẫn sẵn sàng chọn Nga là đối tác cung cấp khí đốt. Chúng tôi nghĩ sẽ là sai lầm khi sử dụng việc cung cấp hay không cung cấp khí đốt như một vũ khí nhằm trừng phạt Nga”. Ngày 19/5/2014, ông Oettinger đã có cuộc gặp Bộ trưởng năng lượng Nga và người đứng đầu tập đoàn năng lượng Gazprom để ấn định ngày đàm phán về vấn đề khí đốt giữa EU và Nga.

Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang xem xét các đề xuất tăng gấp đôi lượng khí đốt mà các nước thành viên phải dự trữ như một phần kế hoạch trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraine. 

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vật liệu thô quan trọng đồng thời là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn của châu Âu, điều này khiến các chính phủ châu Âu không mặn mà cộng tác với Mỹ trong việc ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga.

… Và đàm phán sẽ mang lại lợi ích cho các bên liên quan

Trong động thái nhằm gây áp lực với Mát-xcơ-va trước ngày bầu cử tổng thống tại Ukraine, EU đã áp đặt trừng phạt đối với 2 công ty ở Crimea là PJSC Chernomorneftegaz và Feodosia. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp trừng phạt liên tiếp từ Mỹ và EU, Nga vẫn không tỏ ra quan ngại, vì trên thực tế, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và đã quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Mát-xcơ-va.

Ngày 13/5/2014, Tập đoàn Gazprom đã có “đòn giáng mạnh” vào Kiev khi gửi hóa đơn thanh toán khí đốt trước cho đơn hàng giao vào tháng 6. Nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng, nếu Kiev không chuyển tiền trước, Mát-xcơ-va sẽ không giao hàng. Nếu Ukraine không có khả năng thanh toán, cuộc khủng hoảng khí đốt tại Kiev thực sự đang cận kề.

Mát-xcơ-va càng tự tin hơn khi đang tăng cường các mối quan hệ kinh tế với châu Á, nhất là về giao thương năng lượng. Được biết, Nga và Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành giai đoạn 2 của Dự án ESPO, đường ống dẫn dầu giữa Sibir nối với thành phố Skovorodino và cảng dầu Kozmino. Với việc khánh thành đường ống này, Nga hy vọng sẽ đủ sức cạnh tranh với Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á. Tập đoàn Transneft hy vọng, xuất khẩu dầu từ Kozmino dự tính sẽ tăng từ 15,6 triệu tấn năm 2012 lên 21 triệu tấn vào năm 2014 và đạt 30 triệu tấn vào năm 2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, dầu thô Sibir sẽ được cung cấp chủ yếu cho Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Đài Loan và Malaysia… Điều này cho thấy, thị trường năng lượng của Nga đang phát triển mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Động thái này của Nga đã làm vô hiệu hóa đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm vào dầu mỏ. Vì thế, theo giới phân tích, cả Nga và EU đều bị thiệt hại khi phương Tây leo thang trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Dư luận quốc tế tin tưởng rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine mà không làm phương hại đến lợi ích của các bên liên quan, các nước cần phải ngồi vào bàn đàm phán, thương lượng hơn là áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế hay cấm vận đối với Nga.