Trung Quốc 10 năm qua: Được và mất

Theo CafeF

Đã đến lúc nhìn lại tình hình phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc trong những 10 năm được dẫn dắt bởi bộ đôi lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.

Ngày 5/3, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc sẽ được khai mạc. Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (70 tuổi) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo (71 tuổi) sẽ chính thức nghỉ hưu và công cuộc chuyển giao quyền lực ở đất nước đông dân nhất thế giới sẽ được hoàn tất. Đã đến lúc nhìn lại tình hình phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc trong những năm vừa qua.

Thập kỷ vàng

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa tuyên bố rằng thập kỷ Trung Quốc được dẫn dắt bởi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo chính là “thập kỷ vàng” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo và Trung Quốc cũng vươn từ vị trí thứ 6 lên vị trí số 2 trên bản đồ kinh tế thế giới.

Năm 2003, Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi Dương Lợi Vỹ trở thành người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngành công nghiệp vũ trụ của nước này đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc và giấc mơ trở thành 1 cường quốc vũ trụ của Trung Quốc không còn xa vời.

Thế giới cũng chứng kiến một Trung Quốc được hỗ trợ bởi công nghệ quân sự tiên tiến và “hung hăng” hơn khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giếng.

Một số người nhanh chóng cho rằng Bắc Kinh đã đạt được bước “đại nhảy vọt”. Theo ông Zhao, một công dân Trung Quốc đã 80 tuổi, 2 vị lãnh đạo của Trung Quốc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những năm vừa qua, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Có thể nhận thấy rõ ràng sự thay đổi về chất lượng cuộc sống của người dân.

Bất ổn?

Tuy nhiên, một số người khác lại chỉ ra những tác dụng phụ của các chính sách kinh tế được áp dụng trong 10 năm qua như giá bất động sản và tỷ lệ lạm phát tăng vọt. Giá nhà đất biến động rất thất thường trong khi bầu không khí của các thành phố lớn (như Bắc Kinh) bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhiều người phê phán rằng Trung Quốc đã phải trả cái giá quá đắt cho bước phát triển quá nhanh vừa qua.

“Với mỗi phần trăm tăng trưởng, chúng ta phải bỏ ra khoản chi phí tương đương 10% hoặc hơn để có thể duy trì tốc độ ấy trong tương lai. Ví dụ, trong tương lai chúng ta sẽ phải bỏ ra chi phí lớn gấp 10 lần để đảo ngược những suy thoái về môi trường mà phát triển kinh tế gây ra. Chúng ta cũng phải trả giá đắt hơn cho tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc cũng như sự bất đồng giữa người dân và những thành phần được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi”. Đây là nhận định được Dư Kiệt (Yu Jie) – một nhà văn Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ - đưa ra.

Có thể nhận thấy, trong 10 năm qua, ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thích ứng khá tốt với khá nhiều cuộc khủng hoảng vốn có thể khiến “chiếc ghế” của các vị lãnh đạo ở các nước khác lung lay.

Chỉ tính riêng trong năm 2008, các cuộc bạo loạn bùng nổ ở Tây Tạng, gần 80.000 người thiệt mạng trong trận động đất 7,8 độ richte ở tỉnh Tứ Xuyên. Cũng trong năm 2008, 30.000 trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi sữa bị nhiễm melamine.

Và mới đây nhất, cú ngã ngựa của chính trị gia đang “lên như diều gặp gió” Bạc Hy Lai khiến chính trường Trung Quốc rung chuyển. Nhiều người ví von sự kiện này đã tạo nên một chiếc hố sâu trong đời sống vốn được giữ kín tuyệt đối của các lãnh đạo Trung Quốc.

Có vẻ như danh tiếng của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không bị ảnh hưởng nhiều khi xuất hiện bài viết trên báo chí nước ngoài hé lộ khối tài sản khổng lồ của gia đình ông. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông đã lưu lại hình ảnh một vị lãnh đạo thân thiện thường xuyên xuất hiện trên CCTV với hình ảnh nhiều chuyến thăm tới các vùng chịu thiên tai.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi động đất xảy ra, ông đã có mặt tại tỉnh Tứ Xuyên và trở thành một trong 10 chính trị gia nổi tiếng nhất trên Facebook, bất chấp sự thực là mạng xã hội lớn nhất thế giới bị chặn ở quốc gia này.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trở thành những lãnh đạo mới của Trung Quốc, thay thế cho bộ đôi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Họ sẽ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 10 năm tới, với những nền tảng mà thế hệ trước đã gây dựng nên.