Trung Quốc bớt lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế

Theo Minh Trang/bnews.vn

Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt dự kiến trong tháng 8/2018, sau khi chứng kiến hai tháng suy giảm trước đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều này góp phần xoa dịu những quan ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giữa bối cảnh Mỹ tiếp tục đẩy nhanh các mức áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc. 

Báo cáo ngày 31/8 từ Chính phủ Trung Quốc cho hay, Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực chế tạo trong tháng Tám đã tăng lên 51,3, từ mức 51,2 của tháng Bảy, đánh dấu tháng thứ 25 liên tiếp chỉ số này ở trên ngưỡng 50- phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Kết quả này vượt ngoài dự kiến của các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng, PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ đi xuống tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Tám, xuống 51.

Theo ông Zhao Qinghe, quan chức của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), số liệu tích cực về hoạt động chế tạo trong tháng vừa qua chứng tỏ lĩnh vực này của Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng ổn định. 

Tuy nhiên, ông Zhao Qinghe thừa nhận rằng những tranh chấp thương mại quốc tế, cũng như tình hình bất ổn từ bên ngoài đang gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc.

Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2018, cho thấy một loạt biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ thông qua việc đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu phát huy tác dụng. 

Đứng trước sức ép từ các chi phí tài chính tăng cao, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu “hạ nhiệt” ngay từ trước khi tranh chấp thương mại với Washington leo thang, với mức tăng trưởng đầu tư ở mức thấp kỷ lục và người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu.

Điều này đã thúc giục Bắc Kinh đẩy mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và đề xuất hỗ trợ các công ty nhỏ hơn nhằm ngăn chặn một sự suy giảm mạnh hơn, dù cho các nhà hoạch định chính sách nước này đã cảnh giác với việc gia tăng núi nợ công, vốn đã quá lớn do các chương trình kích thích kinh tế trước đây. 

Cuộc khảo sát mới đây của NBS cho hay, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng đi lên trong tháng 8/2018, với chỉ số PMI phi chế tạo tăng từ 54 của tháng Bảy lên 54,2. 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang định hướng lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng, thay vì phụ thuộc quá lớn vào đầu tư và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ hiện chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng lương cao khiến người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu mạnh tay hơn. 

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong các ngày 22 và 23/8 mà không đạt được bất kỳ đột phá nào. Trong khi đó, căng thẳng thương mại song phương tiếp tục leo thang sau khi hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chính thức áp thuế nhập khẩu mới đối với một loạt mặt hàng của Trung Quốc từ nội thất tới xe đạp bắt đầu từ tháng Chín tới.