Trung Quốc đang biến đổi các nền kinh tế nhỏ tại ASEAN

Theo TTXVN

Các khoản đầu tư từ Trung Quốc đang biến đổi một cách nhanh chóng các quốc gia nhỏ hơn tại khu vực Đông Nam Á, giúp Campuchia, Lào và Myanmar trở thành thị trường tiêu thụ lớn hơn đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia, Lào, Myanmar hiện tại đã bắt kịp với Trung Quốc. Nguồn: internet.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia, Lào, Myanmar hiện tại đã bắt kịp với Trung Quốc. Nguồn: internet.

Việc đầu tư mạnh vào các quốc gia nhỏ tại khu vực Đông Nam Á, vốn là các nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới giúp thực hiện chiến lược dịch chuyển bớt năng lực sản xuất dư thừa ra khỏi Đại lục, tận dụng nguồn nhân lực, nguyên liệu giá rẻ tại khu vực.

Trung Quốc đang biến đổi các nền kinh tế nhỏ tại ASEAN - Ảnh 1

Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện việc tìm kiếm nhiều hơn nữa các mối liên kết kinh tế chặt chẽ, trong bối cảnh tổng thống mới trúng cử Donald Trump có những tuyên bố về chính sách có thể gây bất lợi cho Trung Quốc.

“Trung Quốc tìm kiếm tại các quốc gia trong khu vực một thị trường nơi họ có thể bán sản phẩm và thu về lợi nhuận tốt từ khoản đầu tư của mình. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành một thị trường đắt đỏ hơn cho các công ty của mình và những doanh nghiệp này đang đẩy mạnh hơn làn sóng đầu tư ra nước ngoài”, Edward Lee, nhà kinh tế học tại Standard Chartered Plc cho biết.

Giao thông, năng lượng

Trung Quốc bỏ tiền đầu tư tại mọi lĩnh vực từ đường sắt cho tới bất động sản tại Campuchia, Lào và Myanmar, các nền kinh tế cận biên thuộc ASEAN.

Trong tuần trước, China Minsheng Investment Group và LYP Group đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD xây dựng một trung tâm hội nghị, khách sạn, sân golf… rộng 2.000 ha gần Phnom Penh, thủ đô của Campuchia. Số tiền này gần tương đương 1/10 GDP của quốc gia này (15,9 tỷ USD).

Trong năm ngoái, đường sắt Trung Quốc – Lào đã bắt đầu được xây dựng, với độ dài 414 km. Đây là một phần đường sắt nằm trong dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, với tham vọng dựng nên con đường tơ lụa cả ở trên biển và trên đất liền, trị giá khoảng 5,4 tỷ USD, theo hãng tin Xinhua.

Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, chiếm khoảng 40% tổng giá trị ngoại thương của quốc gia này trong năm 2015. Kể từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã bắt tay vào xây dựng một khu vực kinh tế đặc biệt, nhà máy điện và cảng nước sâu tại Myanmar.

Nền kinh tế Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, trong khi Lào là 7,5%. Việc kinh tế tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với thu nhập của người dân tăng lên và tỷ lệ nghèo đói giảm. Dựa vào các số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), số người có thu nhập khoảng 1,9 USD/ngày tại Campuchia đã giảm xuống còn 2,2% dân số năm 2012 so với tỷ lệ 30% năm 1994. Tại Lào, tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống còn 16,7% năm 2012 so với 22,9% năm 1992.

Khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, cũng như tăng cường mối quan hệ kinh tế hơn, thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và Campuchia đã tăng lên mức 4,8 tỷ USD trong năm ngoái, tăng gần gấp đôi so với năm 2012, năm mà mối quan hệ của 2 bên được hâm nóng hơn.

Trung Quốc đang biến đổi các nền kinh tế nhỏ tại ASEAN - Ảnh 2

Đa phần khoản tiền đầu tư từ Trung Quốc vào Campuchia, Lào và Myanmar là khoản vay ưu đãi dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do công ty Trung Quốc tiến hành, đặc biệt là tại Lào, Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng  tại Sách xám quốc tế (Beige Book International) cho biết.

Theo Derek Scissors, nguồn tiền đầu tư và xây dựng từ Trung Quốc kể từ năm 2005 tới nay vào Lào tương đương 15% GDP của quốc gia này.

Tỷ lệ dân cư tại Lào được tiếp cận với năng lượng điện đã tăng từ 15% giữa những năm 1990 lên gần 90% năm 2014.

Theo Scissor, lĩnh vực năng lượng tại quốc gia này chủ yếu là do Trung Quốc tiến hành đầu tư, xây dựng, mang nguồn điện tới cho phần lớn dân số.

Nếu như Đại lục tập trung mạnh vào năng lượng tại Lào thì họ lại có các kế hoạch lớn khác tại Myanmar, trong đó chủ yếu là lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng hạ tầng.

Campuchia, Lào và Myanmar đang ngày càng liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng sản phẩm của Trung Quốc, với việc mua các nguyên liệu hoặc hàng hóa từ nhà máy Trung Quốc, bán lại các sản phẩm như đồ may mặc, da giầy do các công ty Trung Quốc hoặc được đầu tư từ Trung Quốc tại nội địa sản xuất.

Trung Quốc đang biến đổi các nền kinh tế nhỏ tại ASEAN - Ảnh 3

Lượng hàng nhập khẩu từ Đại lục của 3 nền kinh tế Đông Nam Á này đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cá nhân giàu có đặc biệt

Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào kinh tế Trung Quốc tất nhiên đi kèm những rủi ro. Đại lục hiện chiếm thị phần lớn nhất trong các khoản đầu tư nước ngoài vào Campuchia và cũng chiếm tới 43% tổng nợ trái phiếu, đa phần là các khoản vay mà các ngân hàng Trung Quốc dành cho chính phủ Campuchia, theo số liệu của IMF.

Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại CIMB Private Banking (Singapore) cho biết, mối nguy cơ lớn nhất đối với các nền kinh tế cận biên ASEAN là nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể tạo nên một nhóm các cá nhân giàu có đặc biệt.

“Các nền kinh tế mới nổi tại ASEAN nhận được nhiều tiền và cơ hội từ Trung Quốc. Nếu của cải được tập trung vào tay một số cá nhân, điều này có thể dẫn tới sự bất ổn”, Song Seng Wun cho biết.