Trung Quốc đem “quà” tặng Nga: Được cả “tiếng” lẫn “miếng”

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Trong khi Nga đang phải vật lộn với cuộc chiến trừng phạt-trả đũa với phương Tây do vấn đề Ukraine thì Trung Quốc lại đem đến cho Moscow hàng loạt "món quà" ý nghĩa trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trung Quốc đem “quà” tặng Nga: Được cả “tiếng” lẫn “miếng”
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Vladimir Putin. Nguồn: internet

Chiều 12/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến Moskva, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Moscow phải vật lộn với sự cô lập rõ ràng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

"Đây là sự kiện lớn trong quan hệ song phương”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình nói trước chuyến thăm của ông Lý. Chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới Nga ở cương vị thủ tướng diễn ra giữa thời điểm "nhạy cảm" khi Kremlin đang đối mặt với nhiều thách thức do bị phương Tây cô lập xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên, ông Lý không hề đi "tay không" sang thăm Nga. Trong chuyến đi lần này, Bắc Kinh đã chuẩn bị rất nhiều "món quà" ý nghĩa dành cho Bắc Kinh.

Phản đối cấm vận

Trước Moscow, Thủ tướng Trung Quốc đã tới Đức và hội đàm với người đồng cấp Angela Merkel. Ông sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh tại Milan tuần tới.

Tìm cách thắt chặt quan hệ hơn với Nga, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận của phương Tây với Moscow. "Trung Quốc luôn phản đối việc sử dụng trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt”, ông Trình Quốc Bình nói. "Chúng tôi hoan nghênh động thái của các bên để tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine”.

Moscow và Bắc Kinh những năm qua đã tăng tốc hợp tác khi cả hai đều có mong muốn đối trọng với ưu thế toàn cầu của Mỹ. Nga và Trung Quốc thường sử dụng quyền phủ quyết để đối phó với phương Tây về nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria.

Thỏa thuận năng lượng

Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraina đã khiến Kremlin có động lực mới để kết thân với Bắc Kinh. Một Trung Quốc khát tài nguyên đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng khi nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng vọt, trong khi Nga lại muốn chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á đang phát triển nhanh.

Với Nga, các thỏa thuận tài chính thậm chí không quan trọng bằng những hợp đồng năng lượng.

Sau một thập niên đàm phán khó khăn, Trung Quốc và Nga hồi tháng 5 đã ký thỏa thuận cung cấp 38 tỷ mét khối khí tự nhiên hàng năm từ Nga sang Trung Quốc. Hợp đồng trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, thỏa thuận này có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn Nga.

Hai bên nhất trí cung cấp khí đốt theo tuyến đường ống miền Đông có tên gọi "Sức mạnh Sibiria". Thỏa thuận này là điều kiện bắt buộc thực hiện hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng hai nước có thể thỏa thuận cung cấp khí đốt theo tuyến đường ống miền Tây vào năm 2015, theo đó tuyến đường ống miền Tây sẽ cung cấp khí đốt từ các mỏ Tây Sibiria của Nga cho Trung Quốc từ năm 2019.

Hơn 30 thỏa thuận hợp tác song phương

Ngày 13/10, trong khuôn khổ chuyến thăm, các quan chức hai nước đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác song phương.

Các thỏa thuận hợp tác bao gồm bản ghi nhớ giữa Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga và Ủy ban Hệ thống định vị vệ tinh Trung Quốc về hợp tác trong hệ thống định vị toàn cầu, bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Nga và Tập đoàn Đường sắt Nga với Ủy ban Quốc gia phát triển và cải cách Trung Quốc cũng như tập đoàn đường sắt Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông đường sắt tốc độ cao.

Ngoài ra, còn có các Thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn quốc gia Rostex và tập đoàn khoa học và kỹ thuật hàng không vũ trụ Trung Quốc, thỏa thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng hóa lâm nghiệp. Công ty kỹ thuật Trung Quốc và công ty Nga AKDO cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển mạng thông tin liên lạc....

Quan chức ngành tài chính hai nước cũng ký thỏa thuận liên chính phủ về tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế.

Liên quan tới lĩnh vực thương mại và ngân hàng, Nga và Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa ngân hàng trung ương hai nước trị giá 150 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 24,4 tỷ USD). Dự kiến thỏa thuận có hiệu lực 3 năm và có thể được gia hạn nếu hai bên nhất trí.

Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất về bản ghi nhớ về hợp tác chống độc quyền, bản ghi nhớ về hợp tác trong việc ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các chất phóng xạ khác qua biên giới giữa hai nước....

Thủ tướng Medvedev tỏ ý tin tưởng kim ngạch thương mại song phương năm tới có thể đạt 100 tỷ USD và hai nước dự kiến nâng con số này lên 200 tỷ USD vào năm 2020. Trong 6 năm qua, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước tăng hơn 2 lần và đạt 90 tỷ USD.

Từng có hiềm khích với nhau thời Chiến tranh Lạnh nhưng nay Moscow và Bắc Kinh đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác song phương với tham vọng cùng làm đối trọng trước ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Trung Quốc và Nga thường phối hợp với nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sử dụng quyền phủ quyết của mình để đối đầu với phương Tây trong các vấn đề như là khủng hoảng Syria.

Như vậy, bằng cách "trao quà" cho Moscow, Trung Quốc không chỉ được "tiếng" là đồng minh của Nga trong cơn vật lộn với phương Tây mà còn được cả "miếng" khi đã thỏa mãn "cơn khát tài nguyên" của mình.