Trung Quốc giảm dự trữ bắt buộc, tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Trung Quốc vừa quyết định triển khai một số chính sách mới nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khối doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở những vùng nông thôn khó khăn và doanh nghiệp mới thành lập - một động thái hướng đến thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh những thay đổi chính trị quan trọng đang đến gần.

PBOC không muốn điều chỉnh chính sách tiền tệ cho đến hết năm 2017. Nguồn: Internet
PBOC không muốn điều chỉnh chính sách tiền tệ cho đến hết năm 2017. Nguồn: Internet

Theo công bố cuối tuần qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại kể từ năm sau và phần cắt giảm này sẽ được chuyển sang những khu vực kinh tế mà vốn tín dụng truyền thống thường khan hiếm. 

Ba đối tượng cần hỗ trợ

Chính sách mới sẽ áp dụng cho tất cả các ngân hàng lớn (chiếm 90% tổng số ngân hàng thương mại ở thành thị và 95% ở các vùng nông thôn) với tỷ lệ cắt giảm dao động 0,5 - 1,5%, tùy thuộc vào mức độ “sát sườn” của ngân hàng đó đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở nông thôn hoặc các start-up non trẻ. Các ngân hàng nước ngoài cũng có thể hưởng lợi từ quy định này nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Cụ thể, các ngân hàng được giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu các khoản cho vay đối với 3 nhóm đối tượng kể trên vượt quá 1,5% giá trị các khoản vay mới trong năm 2017. 

Mức giảm tối đa là 1,5% nếu khoản cho vay theo điều kiện này đạt từ 10% trở lên giá trị cho vay mới trong năm 2017. Với các ngân hàng thương mại ở nông thôn, nếu ít nhất 10% tín dụng mới được cấp cho doanh nghiệp tại địa phương, thì phần dự trữ bắt buộc được giảm 1%.

Trước đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc được duy trì ở mức 17% kể từ tháng 2/2016. 

PBOC kỳ vọng quyết định trên sẽ giúp đẩy nguồn cung tín dụng tăng thêm 600 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 90 tỷ USD) tới đúng đối tượng ngay trong năm nay. 

Quan trọng hơn, nó cho thấy chính phủ Trung Quốc đang sử dụng nhiều đòn bẩy để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm, trước khi đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19 diễn ra, nhưng không phải bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh áp lực nợ gia tăng.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, với việc đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong gần 2 năm qua, chắc chắn không có ý định đi ngược lại chủ trương chính sách tiền tệ “thận trọng và trung lập” được nhắc đi nhắc lại kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra hồi tháng 12 năm ngoái. 

Việc cắt giảm lần này hoàn toàn có thể xem như một “điều chỉnh cơ cấu”, chứ không phải PBOC đã thay đổi quan điểm “không quá chặt chẽ và không quá lỏng lẻo” của mình.

“Chốt” quan điểm chính sách tiền tệ

Tại cuộc họp chính sách quý III vừa qua, Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên một lần nữa khẳng định sẽ giữ đồng Nhân dân tệ “cơ bản ổn định” ở mức cân bằng hợp lý, và duy trì thanh khoản, cũng “cơ bản ổn định” bằng các công cụ chính sách. 

Ngoài ra, việc chính sách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng tới càng cho thấy PBOC không muốn điều chỉnh chính sách tiền tệ và gần như sẽ “chốt” quan điểm cho đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, theo các con số thống kê, có vẻ như nhu cầu đối với các chính sách khuyến khích nêu trên lại không thực sự bức thiết, kể cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy triển vọng ngành sản xuất đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, dự báo tăng trưởng nửa cuối năm thậm chí có thể sẽ mạnh hơn dự kiến. Sản lượng cũng đã tăng 6,9% trong cả 2 quý đầu năm.

Mặc dù vậy, nếu đi vào chi tiết từng trường hợp cụ thể, chắc chắn có nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đang chờ đợi thông tin này và ít nhiều gia tăng được niềm tin của thị trường vào định hướng chính sách cũng như năng lực điều hành của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới.