Trung Quốc sẽ giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế

Theo Dân trí

Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch để cho kinh tế tư nhân và các yếu tố thị trường giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, một bước chuyển lớn trong chính sách nhằm cải thiện sức cạnh tranh của nước này trên trường quốc tế.

 Trung Quốc sẽ giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế
Theo khảo sát của HSBC, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng qua lần đầu tiên sau 7 tháng đã sụt giảm. Nguồn: Internet
Theo tờ New York Times thông tin này được chính thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc mới đây. Theo đó Chính phủ nước này sẽ giảm bớt vai trò của nhà nước trong các vấn đề kinh tế với hy vọng giải phóng sự sáng tạo của một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Trước đó, Bắc Kinh cũng ban hành một loạt đề xuất về chính sách mới, dường như để chứng tỏ rằng ông Lý và các lãnh đạo khác thực sự nghiêm túc trong kế hoạch giảm sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường, và để sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân có vai trò lớn hơn trong các quyết định đầu tư hoặc tạo mặt bằng giá cả.

“Nếu chúng ta tiếp tục dựa quá nhiều vào sự chỉ đạo của Chính phủ và các đòn bẩy chính sách để kích thích tăng trưởng, điều đó sẽ khó bền vững và thậm chí có thể tạo ra rắc rối và rủi ro”, ông Lý tuyên bố trong buổi họp trực tuyến với lãnh đạo toàn quốc. “Thị trường là nhà kiến tạo sự thịnh vượng xã hội cũng như nguồn gốc của sự phát triển kinh tế bền vững”.

Liệu Trung Quốc có thể tái cấu trúc nền kinh tế, vốn “nghiện” các khoản tín dụng từ Chính phủ cũng như các mệnh lệnh hành chính, vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một số nhà phân tích xem tuyên bố này là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thực sự muốn đổi mới mô hình tăng trưởng của nước này.

“Quyết định này thực sự có tính đột phá”, Stephen Green, một nhà kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered của Anh và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc nhận định. “Người ta đã nói về việc này rất lâu nhưng giờ chúng ta đã có một tuyên bố rõ ràng về chương trình cải cách từ quan chức hàng đầu”.

Thời gian qua lãnh đạo Trung Quốc đã chịu áp lực ngày càng cao trong việc phải thay đổi bởi tăng trưởng đang chậm lại và những hạn chế của nền kinh tế dựa chủ yếu vào đầu tư do nhà nước chi phối đang ngày càng lộ rõ. Theo khảo sát của HSBC, hoạt động sản xuất của nước này trong tháng qua lần đầu tiên sau 7 tháng đã sụt giảm. Các nhà kinh tế cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

“Có khá nhiều thông điệp đến từ các nhà lãnh đạo mới”, Huang Yiping, kinh tế gia trưởng khu vực thị trường châu Á mới nổi tại ngân hàng Anh Barclays cho biết. “Họ nhận ra rằng nếu tiếp tục trì hoãn đổi mới, nền kinh tế sẽ lâm vào khó khăn lớn”.

Các đề xuất mới của Chính phủ Trung Quốc bao gồm: mở rộng thuế đánh vào tài nguyên thiên nhiên, từng bước để thị trường quyết định lãi suất ngân hàng và phát triển chính sách để “thúc đẩy sự gia nhập hiệu quả của nguồn vốn tư nhân vào lĩnh vực tài chính, năng lượng, đường sắt, viễn thông và các ngành khác”, một chỉ thị trên website Chính phủ Trung Quốc viết. “Toàn xã hội đang nóng lòng đợi những đột phá mới trong cải cách”.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được trao cơ hội lớn hơn để đầu tư vào các ngành tài chính, dịch vụ giao nhận, chăm sóc sức khỏe và các ngành khác.

Ngoài ra, lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết nới lỏng kiểm soát ngoại hối, những thay đổi có thể giúp giảm bớt sự méo mó trong nền kinh tế và cho phép thị trường quyết định giá trị của đồng nhân dân tệ. Thông điệp này cũng đã được ngân hàng nhân dân Trung Quốc khẳng định trong một thông báo tương tự.

Dù vậy những bước đi này không cho thấy Bắc Kinh sẽ từ bỏ các tập đoàn quốc doanh lớn. Theo các chuyên gia, đảng Cộng Sản Trung Quốc ít khả năng từ bỏ mô hình tư bản nhà nước, phá vỡ độc quyền tập đoàn hay cổ phần hóa những ngành mà nước này xem là có tầm quan trọng chiến lược.