Trung Quốc tìm lại mình

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) 2014 là năm ảm đạm không ngờ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Lần đầu tiên trong suốt 15 năm trở lại đây, Bắc Kinh không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ khẩn cấp thúc đẩy tăng trưởng thông qua một loạt biện pháp tài chính.

2014 là năm ảm đạm không ngờ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: internet
2014 là năm ảm đạm không ngờ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: internet

Trước tiên là nới lỏng các quy định về tiền tệ. Từ ngày 5.2, Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) hạ 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tài chính ở nước này. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ và lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), thể chế này còn hạ thêm 4% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, hạ thêm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại thành phố, ngân hàng thương mại nông thôn có tỷ trọng cho vay đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ đạt được tiêu chuẩn liên quan.   

Đây là lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, Ngân hàng Nhân dân hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Lần gần đây nhất là tháng 5.2012. Dự kiến, thông qua lần hạ dự trữ bắt buộc này sẽ có khoảng 660 tỷ nhân dân tệ (NDT - hơn 105 tỷ USD) được bơm ra thị trường. Động thái này của Ngân hàng Nhân dân được cho là sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, giảm áp lực suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.    

Ngoài ra, các nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ phê duyệt 300 dự án hạ tầng có tổng trị giá trị lên tới 7.000 tỷ NDT (tương đương 1.100 tỷ USD) cho năm 2015, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm. Quyết định này chưa được Chính phủ Trung Quốc tuyên bố công khai và cũng chưa được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, song theo các nguồn tin của Bloomberg, việc đầu tư sẽ tập trung vào bảy ngành công nghiệp, bao gồm các đường ống dẫn dầu và khí đốt, y tế, năng lượng sạch, giao thông và khai thác khoáng sản. Động thái này được liên kết với một kế hoạch lớn hơn, theo đó Trung Quốc sẽ bơm vào nền kinh tế của họ 10.000 tỷ NDT (tương đương 1.600 tỷ USD) trong năm 2016.    

Năm ngoái, chỉ trong khoảng thời gian từ 16.10 đến 5.11, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho 21 dự án đầu tư mới, với tổng trị giá 112 tỷ USD. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã miêu tả những quyết định đó như là một phương thức phòng vệ trước sự suy giảm đầu tư vào thị trường bất động sản. Các chuyên gia Trung Quốc đã dự báo về những khoản đầu tư tiếp theo vào hệ thống hạ tầng như một cách bù đắp cho thị trường bất động sản đang suy sụp.   

Đánh giá về những chuyển động này, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế quốc nội, lấy lại vị thế là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhân dân phù hợp với quan điểm thực hiện chính sách tiền tệ hợp lý của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái, đó là chú trọng hơn tới mức độ thích hợp của việc nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ, và duy trì sự hợp lý về thanh khoản. Lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc này vừa mang tính toàn diện, vừa có định hướng, dẫn dắt dòng tiền vào lĩnh vực tam nông và doanh nghiệp quy mô nhỏ, đồng thời tạo môi trường tài chính tiền tệ trung tính thích hợp cho việc điều chỉnh kết cấu kinh tế và nâng cấp chuyển đổi (ngành nghề).   

Quyết định của Ngân hàng Nhân dân được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, rủi ro giảm phát gia tăng và dòng tiền từ Trung Quốc chảy ra bên ngoài mạnh lên. Năm nay, kinh tế Trung Quốc khai cuộc không thuận lợi. Con số thống kê chính thức được Trung Quốc công bố ngày 1.2 cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 12.2014 xuống còn 49,8 điểm trong tháng 1.2015 - mức thấp nhất trong 28 tháng, qua đó phản ánh sự thiếu hụt về nhu cầu và áp lực suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tăng lên.

Ngoài ra, áp lực giảm giá đối với NDT cũng tăng lên, dòng tiền tăng tốc chảy từ Trung Quốc ra bên ngoài, lượng cung tiền mặt mua ngoại tệ giảm xuống, khiến cho kênh bơm tiền cơ sở truyền thống bị thu hẹp. Như vậy, lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc này còn nhằm giảm ảnh hưởng của việc giảm sút lượng cung tiền mặt mua ngoại tệ đối với tính thanh khoản của thị trường. Thống kê cho thấy lượng cung tiền mặt mua ngoại tệ thông qua các tổ chức tài chính ở Trung Quốc trong tháng 12.2014 giảm 118,5 tỷ NDT so với tháng trước đó, là lần tăng trưởng âm đầu tiên kể từ tháng 8.2014 và là mức giảm lớn nhất trong 7 năm trở lại đây. Lượng cung tiền mặt mua ngoại tệ thông qua Ngân hàng Nhân dân tháng 12.2014 giảm 128,9 tỷ NDT - mức giảm lớn nhất trong 11 năm qua. Đồng thời, trong quý IV.2014, thâm hụt tài khoản tài chính và tài khoản vốn lên tới 91,2 tỷ USD - mức lớn nhất kể từ năm 1998, cho thấy lượng tiền chảy từ Trung Quốc ra bên ngoài đang tăng mạnh.   

Giới chuyên gia nhận định đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của Bắc Kinh trong bối cảnh ổn định tăng trưởng, phòng chống giảm phát và việc dòng tiền từ Trung Quốc chảy ra bên ngoài mạnh lên. Dự đoán trong năm 2015 này, Ngân hàng Nhân dân sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và có thể còn giảm lãi suất cơ bản. Xem xét PMI tháng 1 vừa qua có thể thấy áp lực suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tăng lên. Cho nên, dự kiến tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới, báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn khoảng 7%.