Trung Quốc trước áp lực nới lỏng tiền tệ để ngăn giảm phát

Theo Anh Thư/thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Dữ liệu vừa công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc có dấu hiệu tích cực hơn trong tháng 3, song vẫn rất yếu cho thấy các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh thời gian qua không mấy phát huy hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc vẫn ổn định ở mức 1,4%, cao hơn so với dự báo trước đó là 1,3%. Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm ít hơn so với dự kiến, chỉ giảm 4,6% thay vì lặp lại mức giảm 4,8% của tháng 2 như dự báo.

Các dữ liệu về lạm phát tháng 3 là những dữ liệu đầu tiên trong một loạt số liệu kinh tế quan trọng mà trọng tâm là số liệu tăng trưởng quý 1/2015 sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, dự kiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 7% trong quý 1/2015 – mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Chỉ số PPI giảm cho thấy sức ép lớn đối với vấn đề lợi nhuận của các công ty Trung Quốc - đặc biệt trong ngành công nghiệp nặng.

Mặc dù chỉ số CPI tháng 3 tăng cao hơn dự kiến, song chủ yếu là do sự gia tăng đột ngột về giá thịt lợn. Hơn nữa, mức tăng này vẫn còn cách quá xa mục tiêu lạm phát 3% mà Bắc Kinh đã đề ra cho năm 2015, và điều đó không khỏi khiến các nhà kinh tế lo ngại.

"Mặc dù giá tiêu dùng vẫn ổn định trong tháng, nhưng chúng tôi kỳ vọng việc giảm lạm phát giá lương thực có thể kéo nó thấp hơn trong những tháng tới", Julian Evans - Pritchard của Capital Economics viết trong một nghiên cứu.

Lạm phát yếu ớt cho thấy các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh thời gian qua không mấy phát huy hiệu quả và điều đó cũng khiến giới chuyên môn dự đoán, các nhà hoạch định chính sách có thể nới lỏng tiền tệ hớn nữa trong thời gian tới.

Bản thân các nhà hoạch định chính sách cũng công khai bày tỏ lo ngại rằng nguy cơ giảm phát đang gia tăng cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vốn bắt nguồn từ tình trạng suy thoái của thị trường bất động sản và sự dư thừa công suất của nhà máy, càng trở nên phức tạp do triển vọng toàn cầu không chắc chắn và giá cả hàng hóa sụt giảm.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nhiều lần cắt giảm lãi suất  và cũng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nhưng, theo các nhà kinh tế, động thái này ít có tác động vào chi phí đi vay thực tế.

"Lạm phát đang có dấu hiệu yếu đi cho thấy việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn là cần thiết”,  Zhou Hao và Liu Ligang – hai nhà kinh tế của ANZ cho biết sau khi dữ liệu lạm phát được công bố hôm thứ Sáu.