Trung Quốc và bóng ma “nợ địa phương”

KIM CÚC

(Tài chính) Đằng sau thành công rực rỡ về phát triển kinh tế của Trung Quốc là những khoản nợ đang dần hiện rõ, trong đó đáng lo ngại nhất là những khoản nợ của chính quyền địa phương.

Nợ nần của chính quyền địa phương tại Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ nợ công quốc gia. Nguồn: internet
Nợ nần của chính quyền địa phương tại Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ nợ công quốc gia. Nguồn: internet
Theo công bố từ cơ quan kiểm toán nhà nước của Trung Quốc, tổng nợ của các chính quyền địa phương tính đến cuối năm 2013 đã tăng lên mức 10.900 tỷ NDT (tương đương 1.800 tỷ USD). Con số đó sẽ tăng lên 17.900 tỷ NDT nếu các khoản bảo lãnh được tính đến, tương đương với 1/3 GDP Trung Quốc.

Mới đây, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng ước tính mức nợ công của các địa phương nước này thậm chí còn lên tới 19.900 tỷ NDT. Theo tờ Wall Street Journal, mức nợ công nói trên của các địa phương Trung Quốc đã tăng lên mức báo động 67% so với kết quả lần kiểm toán được thực hiện cách đây 3 năm.

Với mức nợ hiện tại và dự trữ ngoại hối 3,5 nghìn tỷ USD, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng “gánh” nợ cho các địa phương. Lãnh đạo của Trung Quốc luôn khẳng định, rủi ro từ nợ địa phương của Trung Quốc hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát và thể hiện rõ quan điểm sẽ không cứu các chính quyền địa phương gặp vấn đề rắc rối với nợ nần mà yêu cầu chính quyền mỗi cấp đều phải tự chịu trách nhiệm về nợ của mình.

Để đạt được bước phát triển thần kỳ, trong những năm qua, nhiều địa phương đã phải huy động vốn để đầu tư và hậu quả là gánh nặng nợ nần chồng chất. Là hai địa phương phát triển mạnh nhất về kinh tế, đóng góp 19% tổng GDP cả nước, song các tỉnh duyên hải như Giang Tô và Quảng Đông là những địa phương nợ nhiều nhất, chiếm khoảng 14% tổng số nợ.

Xét tương quan với quy mô nền kinh tế, những tỉnh nghèo ở phía Tây như Vân Nam, Thanh Hải và Cam Túc là nặng gánh nhất với các khoản đầu tư công khổng lồ. Thậm chí, nếu xét về tổng nợ so với GDP, Quý Châu còn “khủng” hơn khi số nợ phải trả tương đương với 80% GDP tính đến giữa năm 2013.

Điều đáng lo là số nợ trên chưa bao gồm những khoản nợ mà các chính quyền địa phương đứng ra bảo lãnh. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách dường như chỉ mới bù đắp được một phần rất nhỏ. Tình hình đang trở nên lo ngại hơn đây xuất hiện tình trạng tại một số địa phương, một số quỹ trước đây huy động vốn tín thác đã không trả nợ đúng hẹn.

Trung Quốc hiện có tổng cộng tới 5.300 tỷ NDT các sản phẩm tín thác phải đáo hạn trong năm nay, tăng 50% so với năm 2013. Việc vỡ nợ các sản phẩm đầu tư này chắc chắn sẽ gây ra sóng gió lớn cho hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và dẫn tới nguy cơ những vụ giải cứu đầy tốn kém.

Để phát triển kinh tế, việc vay nợ cũng rất bình thường song các chuyên gia kinh tế cảnh báo, câu chuyện nợ nần của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đặt ra nhiều vấn đề cho các nước trong việc huy động vốn vay để phát triển nói riêng và tiềm ẩn nguy cơ nợ công quốc gia nói chung.

Cách đây không lâu, TP. Detroit (thuộc bang Michigan, Mỹ) - biểu tượng một thời của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng kinh tế và với năng lực quản lý tài chính yếu kém của chính quyền địa phương, đã trở thành con nợ hàng tỷ USD của hàng nghìn chủ nợ ở khắp nơi trên thế giới và phải đệ đơn lên tòa xin phá sản.

Nợ địa phương đang đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề phân cấp quản lý tài chính và đầu tư cho các địa phương. Đặc biệt là về trách nhiệm của các địa phương trong việc tự cân đối thu - chi ngân sách, kiểm soát tình hình nợ của các địa phương cũng như khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ra sao?!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014