Trung Quốc và sự nguy hiểm của chủ nghĩa tự đại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bài viết đăng trên Eurasiareview, cựu Tổng tư lệnh Các lực lượng chiến lược Ấn Độ Vijay Shankar cho rằng, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc đã tiếp sức cho tham vọng bá chủ, khiến các nước trong khu vực đoàn kết hơn trong nỗ lực cân bằng lực lượng. Hiệu ứng ngược này cho thấy sai lầm trong cách nghĩ của Bắc Kinh.

Trung Quốc và sự nguy hiểm của chủ nghĩa tự đại
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào Tàu kiểm ngư Việt Nam. Nguồn: internet

Bài học từ lịch sử châu Âu

Cuộc chiến Pháp-Phổ năm 1870 là một bước ngoặt nếu đánh giá trên quan điểm chiến lược. Sau khi sáp nhập các lãnh thổ phía bắc vào năm 1866, Thủ tướng Đức Bismark bắt đầu dòm ngó tới các lãnh thổ phía Nam. Ông đã khiến nước Pháp tin rằng Hoàng đế Phổ có thể cai trị trên ngai vàng Tây Ban Nha, và đó là một phần của kế hoạch bao vây nước Pháp. Tháng 7.1870, Pháp bị cuốn vào cuộc chiến với niềm tin rằng điều đó “không thể tránh khỏi”. Bằng sức mạnh quân sự và công nghệ vượt trội Đức đã đánh bại Pháp. Thế cân bằng quyền lực của châu Âu bị phá vỡ. Cuộc chiến Pháp-Phổ, xuất phát từ lừa dối, đến liên minh, khiêu khích để dẫn đến xung đột và rồi đè bẹp đối phương để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán do bên kia chi phối, là kết quả của một chiến thuật từng được Tôn Tử nghiên cứu.

Chiến thắng trước Pháp hối thúc Đức cạnh tranh với một cường quốc khác là Anh. Sự thù địch với Anh đến từ 3 nguyên nhân: quyền kiểm sát quân sự đối với đất đai và biển cả, ưu thế kinh tế và công nghệ gắn với quyền khai thác tài nguyên, và thứ 3 là ưu thế chính trị và ngoại giao. Năm 1890, Đức đã có ưu thế quân sự trên đất liền và đang triển khai chương trình xây dựng đội tàu chiến có khả năng thách thức vị thế bá chủ trên biển của Anh. Về kinh tế, Đức đã vượt Anh về công nghiệp nặng, chiếm phần lớn thị trường thế giới và thu về lượng tư bản lớn. Điều này lại chuyển thành sự ảnh hưởng về quân sự và ưu thế này tiếp nối ưu thế kia.

Kế hoạch 30 năm đặt ra từ năm 1890 vẽ ra viễn cảnh Đức, quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất, với khả năng tiếp cận nhiều tài nguyên, nơi có các trường đại học tốt nhất thế giới, những ngân hàng giàu có nhất và một xã hội cân bằng, có thể đạt được mọi mục tiêu của mình. Vậy mà đúng 30 năm sau, Đức lại rơi vào cảnh điêu tàn, kinh tế trì trệ, người dân nghèo đói và xã hội bị chia rẽ. Sự nhục nhã của Đức phơi bày trên Hòa ước Versailles. Bài học rút ra là việc Đức tìm kiếm vị thế bá chủ đã khiến các quốc gia gác qua một bên những mối bất hòa truyền thống để hợp sức với nhau nhằm đánh bại nước Đức cùng tham vọng phá vỡ trật tự thế giới.

Nhìn vào Trung Quốc

Nghiên cứu lịch sử không thể ngăn chặn lịch sử lặp lại, nhưng nó lại giúp ta hiểu được hiện tại.

Nỗi lo của các quốc gia đương đại đến từ 4 vấn đề: sự tồn tại vĩnh cửu của nhà nước, ảnh hưởng của những áp lực từ bên trong và bên ngoài, việc hòa nhập với các hệ thống toàn cầu, và cuối cùng là câu hỏi hóc búa về việc liệu sức mạnh quân sự có đưa đến thành công chính trị. Mô hình phát triển ngày nay là sự “không chắc chắn”,  với những nguy cơ đến từ sự phân cực đa chiều, việc kinh tế chi phối mọi thứ, những nhu cầu và chiều hướng cực đoan hóa phức tạp là kết quả của những luồng văn hóa – tôn giáo khác nhau dưới tác động của toàn cầu hóa.

Nếu toàn cầu hóa là đòn bẩy với phần còn lại của thế giới, với Trung Quốc, toàn cầu hóa là về chủ nghĩa tư bản nhà nước, sự tập trung quyền lực, thị trường và tiền tệ được kiểm sát và quyền bá chủ. Quân đội là công cụ để giải quyết những xung đột cơ bản có khả năng đe dọa đến nhà nước Trung Hoa. Đáng nói hơn, toàn cầu hóa mang lại cơ hội để thay đổi tình thế hiện tại. Đây là cơ sở của đường lối chính trị cạnh tranh để tiếp cận tài nguyên và coi việc bị từ chối là lý do hợp lý để sử dụng vũ lực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc phải được đánh giá từ góc nhìn này.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm mục tiêu vượt qua Mỹ. Sự trỗi dậy này đi kèm với tham vọng lãnh đạo thế giới. Tham vọng này đến lượt nó kích thích sự trỗi dậy chưa từng thấy của quân sự. Trong bối cảnh này Trung Quốc lại đối mặt với sự cạnh tranh được khai thác tài nguyên của các nền kinh tế lớn khác. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông là những ví dụ.

Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ dương được nhìn nhận là “chuỗi an ninh thứ 3”. “Sức mạnh cẩn trọng” của Đặng Tiểu Bình đã hết thời, thay vào đó là tư tưởng thế giới cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần thế giới. Bắc Kinh luôn khăng khăng quan điểm giải quyết song phương mọi tranh chấp đến mức không chấp nhận cả phản ứng tự nhiên của các quốc gia bị đe dọa là muốn cân bằng lực lượng bằng chiến lược an ninh tập thể.

Ý nghĩa của chiến lược an ninh tập thể

Quan điểm cho rằng khiêu khích và đe dọa có thể buộc các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán những tranh chấp với thái độ hòa hoãn là một suy nghĩ sai lầm về chiến lược. Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và các tranh chấp ở Biển Đông đã chứng minh điều đó. Thay vì khuất phục, họ chọn đương đầu, và dần tạo ra xu hướng lựa chọn chiến lược an ninh tập thể. Xu thế này bao gồm cả chủ động khước từ nguồn lợi kinh tế từ Trung Quốc mặc dù lợi ích rất rõ ràng. Những hành động đơn phương có thể không có nhiều ý nghĩa, nhưng nếu cộng dồn các động thái của nhiều nước có thể cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc. Điều này tới lượt nó đặt dấu chấm hỏi cho sự ổn định của việc phân phối nguồn lực.

Bức tranh tương đồng với lịch sử trỗi dậy và sụp đổ của đế chế Đức hoàn thiện với việc Sách Trắng năm 2013 của Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu tăng cường năng lực quân sự theo đà tăng trưởng kinh tế. Với thế giới điều này hết sức đáng lo. Ảo tưởng rằng các nước bị đe dọa không hợp tác để chống lại kế hoạch lớn của Trung Quốc là một ý tưởng sai lầm về chiến lược.