Trung Quốc và tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

ThS. NGHIÊM THỊ THÚY HẰNG

Chiến lược quốc tế hoá đồng nhân dân tệ đã được Trung Quốc xác định là một quá trình lâu dài. Để trở thành đồng tiền quốc tế, đồng nhân dân tệ phải được công nhận và chấp nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, đồng thời phát huy được vai trò của đơn vị định giá, trung gian trao đổi và lưu trữ giá trị, tức là trở thành một đồng tiền được sử dụng trong thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế và dự trữ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chiến lược quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cơ bản chia thành 3 giai đoạn: (i) Giai đoạn 1: Khu vực hoá đồng NDT, ký kết các hiệp định song phương về thanh toán quốc tế. Giai đoạn thí điểm này sẽ giúp đồng NDT có thêm được những kinh nghiệm và thị trường vốn trong nước của Trung Quốc sẽ ngày càng chuẩn hoá hơn; (ii) Giai đoạn 2: GDP của Trung Quốc đạt mức cao, cộng với việc đồng NDT sau khi đã khu vực hoá thành công sẽ tiến tới trở thành đồng tiền quốc tế, có nhiều quốc gia ký kết thoả thuận thanh toán song phương với Trung Quốc, thị trường vốn trong nước (đặc biệt là thị trường trái phiếu phát hành bằng đồng NDT) có sức ảnh hưởng quốc tế lớn; (iii) Giai đoạn 3, trên cơ sở của những bước phát triển 1 và 2, tiến hành chuyển đổi đồng NDT hoàn toàn và đưa đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế thực sự.

Tham vọng trở thành đồng tiền
trong thanh toán quốc tế

Trung Quốc đã mở đầu quá trình quốc tế hóa đồng NDT bằng các biện pháp đưa đồng NDT trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, cụ thể: (i) Thực hiện giao dịch thương mại quốc tế bằng NDT bên ngoài Trung Quốc; (ii) Ký kết các hiệp định thanh toán trực tiếp bằng NDT, trao đổi tiền tệ trực tiếp trên thị trường ngoại hối và hoán đổi tiền tệ.

Thúc đẩy giao thương bằng đồng NDT là bước đi ban đầu đơn giản trong tiến trình quốc tế hóa đồng NDT bởi việc thực hiện bước đi này không đòi hỏi Trung Quốc phải có sự thay đổi cơ bản trong chính sách trong nước. Trung Quốc đã từng bước thí điểm thành lập các trung tâm giao dịch NDT ở ngoài Trung Quốc Đại lục, tại Hồng Kông từ năm 2004, tại Luân Đôn năm 2012, Singapore năm 2013... Hiện nay, với 15 trung tâm giao dịch NDT ở ngoài Trung Quốc Đại lục và 4 khu tự do thương mại Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến, Trung Quốc có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch và sử dụng đồng NDT.

Để tăng cường việc sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế, kể từ năm 2010, Trung Quốc đã ký kết một số hiệp định về việc sử dụng đồng bản tệ của mỗi nước làm phương tiện thanh toán thay vì sử dụng đồng USD hay một ngoại tệ thứ 3 khác. Hiệp định tăng cường sử dụng tiền tệ song phương giữa Trung Quốc – Nhật Bản được đánh giá là quan trọng nhất cho đến thời điểm này do không chỉ giúp hai bên giảm bớt rủi ro và chi phí giao dịch mà còn có khả năng làm suy giảm sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có bước tiến mới với một số quốc gia về việc trao đổi tiền tệ trực tiếp trên thị trường ngoại hối Trung Quốc, cụ thể tính đến tháng 3/2015, đã có 9 đồng tiền được trao đổi trực tiếp trên thị trường ngoại hối Trung Quốc (USD, Đô la Sing, Euro, Đô la NewZealand, Bảng Anh, Yên Nhật, Đô la Australia, Ringgit Malaysia, Rúp Nga).

Ngoài ra, từ cuối năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã có xu hướng tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ (bằng NDT) với nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, EU, Nhật Bản… Tính đến giữa năm 2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ký 52 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương (BSA) với 31 đối tác thương mại như Argentina, Indonesia, Belarus, Malaysia, Hàn Quốc và đặc khu kinh tế Hồng Kông... Động thái này không chỉ giúp thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư song phương giữa Trung Quốc với quốc gia đối tác mà còn được cho là nhằm thực hiện một số mục đích khác như: (i) Giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và tạo kênh huy động tài chính cho các nước đối tác trong giai đoạn khủng hoảng tài chính; (ii) Tăng thêm mức độ chấp nhận sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế nhằm thực hiện tiến trình quốc tế hóa đồng NDT; (iii) Giảm chi phí giao dịch và rủi ro tỷ giá; (iv) Thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (v) Không loại trừ mục đích chính trị do nhiều thỏa thuận hoán đổi có giá trị thấp, chỉ mang tính tượng trưng.

Những nỗ lực trên của Trung Quốc đã giúp giá trị kim ngạch thương mại xuyên biên giới được thanh toán bằng đồng NDT tăng mạnh; mức độ công nhận và chấp nhận đồng NDT ở nước ngoài cũng được nâng cao; nghiệp vụ đồng NDT ở ngoài Trung Quốc đại lục đã phát huy vai trò lớn trong việc đáp ứng nhu cầu của các thực thể kinh tế và chủ thể thị trường. Theo Báo cáo tháng 4/2014 của Ngân hàng thanh toán quốc tế, NDT là đồng tiền sử dụng trong thanh toán quốc tế đứng thứ hai chỉ sau USD và NDT là đồng tiền được thanh toán nhiều thứ năm trên thế giới. Tuy nhiên, NDT mới chỉ chiếm 2,17% khối lượng thanh toán trên toàn cầu.

Hướng đến vai trò là đồng tiền trong đầu tư quốc tế

Để đồng NDT được sử dụng và lưu hành rộng rãi ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục, nước này đã và đang thúc đẩy việc duy trì nhu cầu nắm giữ đồng NDT của thế giới qua việc tạo ra được nhiều sản phẩm đầu tư và tài chính cho đồng NDT ở thị trường bên ngoài Trung Quốc đại lục. Từ năm 2002, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để đưa đồng NDT hướng tới vai trò đồng tiền đầu tư quốc tế: (i) Phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng NDT ở nước ngoài và kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông; (ii) Cho phép các nhà đầu tư có tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc; (iii) Cho phép nhà đầu tư Trung Quốc chuyển NDT ra nước ngoài để đầu tư; (iv) Trợ cấp, cho vay quốc tế bằng đồng NDT.

Sau khi thử nghiệm thành công tại Hồng Kông, trái phiếu quốc tế đồng NDT tiếp tục được phát hành tại Singapore, London, Đài Loan, Luxembourg… Tại Hồng Kông, hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu đồng NDT đã tăng mạnh kể từ năm 2010 sau khi Trung Quốc nới lỏng một số quy định về kiểm soát vốn và có những bước đi nhằm khuyến khích sử dụng đồng tiền này trong thanh toán thương mại thay cho đồng USD. Thị trường Hồng Kông còn cung cấp một số sản phẩm đầu tư tài chính đối với đồng NDT ở bên ngoài Trung Quốc như hợp đồng hoán đổi nợ xấu bằng đồng NDT, quỹ trái phiếu đồng NDT, chương trình bảo hiểm và tiết kiệm cùng với các sản phẩm cấu trúc. Sự xuất hiện của các sản phẩm này được coi như một trong những lợi thế của Hồng Kông trong vai trò trung tâm giao dịch đồng NDT ở bên ngoài Trung Quốc. Chương trình kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải và thị trường chứng khoán Hồng Kông cho phép các công ty đầu tư và môi giới có thể từ Hồng Kông mua bán một số cổ phiếu chọn lọc trên sàn Thượng Hải và ngược lại cũng là một bước tiến của Trung Quốc nhằm nới lỏng thêm quản lý dòng luân chuyển vốn và là bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hóa thị trường, những mục tiêu cần thực hiện để tiến tới quốc tế hóa đồng NDT.

Ngoài việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo chiến lược “Đi ra ngoài”, trong đó có chính sách cho phép chuyển NDT ra nước ngoài đầu tư. Chính sách cho phép đầu tư bằng NDT ra nước ngoài cùng với các chính sách hỗ trợ khác đã giúp cho đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh và đạt mức 87,8 tỷ USD trong năm 2012, tăng 17,6% so 2011.

Trong những năm gần đây, cùng với sự lớn mạnh về tiềm lực kinh tế và tiến trình quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc đã tích cực đưa đồng NDT ra thị trường quốc tế thông qua các dạng thức viện trợ, giúp đỡ và cho vay với điều kiện ưu đãi hơn - với một phần mục đích là nắm giữ các tài nguyên thiên nhiên nước ngoài, tích lũy kiến thức quản lý, tạo mạng lưới phân phối hàng hoá. Việc Trung Quốc cấp các khoản cho vay cho các nước đang phát triển trong 2 năm qua đã vượt qua cả Ngân hàng Thế giới, cộng với việc tăng cường cho vay bằng đồng NDT đã là một minh chứng cho thấy rõ quy mô bành trướng kinh tế và xu thế đảm bảo nguồn lợi tự nhiên của Trung Quốc. Trong năm 2014, Trung Quốc đã thúc đẩy thành lập hai tổ chức quốc tế (ngân hàng) mới: NDB (15/7/2014) và AIIB (24/10/2014) nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình đến khu vực và thế giới cũng như đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng NDT. Cụ thể, AIIB sẽ sử dụng đồng NDT trong các hoạt động tín dụng nhằm đẩy mạnh việc sử dụng đồng NDT trong khu vực châu Á. Ngân hàng NDB sẽ hỗ trợ sử dụng đồng NDT ở khu vực châu Phi và khối các nền kinh kế mới nổi (BRICS).

Nhìn chung, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa NDT trở thành đồng tiền sử dụng trong đầu tư, tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay mới chỉ đang bước những bước đi đầu tiên trong việc hướng đồng NDT trở thành đồng tiền sử dụng trong đầu tư quốc tế.

Nỗ lực trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những nỗ lực trong việc từng bước đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế như tích cực vận động để đồng NDT có một vai trò lớn hơn trong các định chế tài chính quốc tế, hay có mặt trong hệ thống dự trữ ngoại hối của các quốc gia. Danh sách các quốc gia, khu vực sử dụng NDT làm đồng tiền dự trữ ngày càng mở rộng và hiện đã lên trên 50 quốc gia, khu vực.

Mặc dù tỷ trọng đồng NDT trong hệ thống dự trữ của phần lớn các quốc gia và khu vực trên còn ở mức khiêm tốn nhưng theo kết quả khảo sát các ngân hàng Trung ương do Central Banking Publications thực hiện tháng 3/2015, 72 cơ quan tiền tệ trên thế giới sẽ có lượng dự trữ ngoại hối bằng NDT chiếm khoảng 2,9% dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2015 và sẽ tăng lên mức 10% dự trữ tiền tệ thế giới vào năm 2025.

Trung Quốc đang muốn NDT nhanh chóng có mặt trong rổ tiền tệ SDR (quyền rút vốn đặc biệt - loại tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà các quốc gia có thể dùng để dự trữ). Rổ tiền tệ SDR hiện đang chỉ có 4 đồng tiền là USD, EUR, Bảng Anh và Yên Nhật. Những đồng tiền tham gia vào cơ cấu rổ tiền tệ SDR được IMF lựa chọn dựa trên quy mô của khu vực xuất khẩu và tiêu chí sử dụng tự do, tức là nó được sử dụng rộng rãi trên thực tế và được giao dịch trên thị trường toàn cầu. Đối với Trung Quốc, việc NDT được tham gia vào cơ cấu rổ tiền tệ SDR sẽ là tuyên bố hiệu quả nhất về tính quốc tế hóa của đồng NDT. Các nước trên thế giới sẽ coi NDT là một trong những đồng tiền mạnh, đồng thời, thông qua đồng tiền này Trung Quốc sẽ có điều kiện đẩy mạnh vai trò của đồng NDT và từng bước thao túng thị truờng tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, trong lần đánh giá tiền tệ của IMF vào tháng 10/2010, mặc dù có xem xét trường hợp đồng NDT của Trung Quốc, song IMF chưa đưa NDT vào rổ tiền tệ SDR là do NDT chưa đáp ứng được tiêu chí sử dụng tự do.

Mới đây, trong 3 ngày liên tiếp từ 11-13/8/2015, Trung Quốc đã giảm giá đồng NDT khoảng 4,6% so với đồng USD. Động thái này không chỉ nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nước này mà còn thúc đẩy tiến trình tự do hóa và quốc tế hóa đồng NDT, biến NDT trở thành một đồng tiền dự trữ, được nằm trong rổ SDR của IMF. Phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, động thái này sẽ giúp tỷ giá phản ánh cung cầu thực đúng hơn, do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đây là một bước đi quan trọng trong công cuộc cải cách tỷ giá của Trung Quốc nhằm cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong quyết định tỷ giá, dần tiến tới bỏ việc can thiệp của nhà nước.

Những nỗ lực của Trung Quốc gần đây đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ IMF. Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc cũng gặp phải sự phản đối từ Phía Mỹ. Trong thời gian tới, việc tham gia rổ tiền tệ SDR của đồng NDT sẽ vẫn còn phụ thuộc ít nhiều vào Mỹ - nước có thể sẽ bác bỏ quyết định. Bên cạnh đó, việc đưa NDT vào rổ SDR cũng kéo theo những rủi ro nhất định cho Trung Quốc do Mỹ, IMF nhiều khả năng đặt điều kiện yêu cầu Trung Quốc nâng cao mức độ tự do sử dụng NDT, đẩy nhanh tự do hóa tài khoản vốn, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tư nhân ở nước ngoài, giao dịch chứng khoán, sản phẩm phái sinh, lưu thông vốn…

Nhìn chung, tiến trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc đã và đang có những bước tiến nhất định song vẫn mới chỉ là những bước tiến sơ khai ban đầu. Nhiều nhận định cho rằng, theo quy luật phát triển của đồng tiền quốc tế, Trung Quốc cũng sẽ phải mất một quá trình khoảng 15-20 năm để đáp ứng đủ điều kiện trở thành đồng tiền quốc tế. Báo cáo “Quốc tế hóa đồng NDṬ năm 2014” do Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố tháng 7/2014, dự kiến trước năm 2020 NDT sẽ trở thành đồng tiền quốc tế lớn thứ 3 thế giới sau USD và Euro.