Trung Quốc và thời thế

Theo dddn.com,vn

Ngay sau tuyên bố của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke rằng Fed sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu trên diện rộng, các thị trường trên toàn cầu đồng loạt rơi vào trạng thái hỗn loạn. Điển hình là Trung Quốc.

Trung Quốc và thời thế
Sự mất cân bằng tài chính của Trung Quốc đang dần lộ diện với các bóng ma tín dụng đen. Nguồn: Internet

Lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) đột ngột tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Tác động của Fed, những tưởng đang ở cách xa và khó tác động tới một thị trường tài chính cách nửa địa cầu, hóa ra, lại gần trong gang tấc.

Mối tương quan

Thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã khó tránh được tác động của Fed lên thị trường tài chính, khi một phần của khối tài sản khổng lồ trong kho dự trữ ngoại hối của quốc gia này chủ yếu là trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Năm 2009, Bắc Kinh đã vượt nhanh như vũ bão qua mặt Tokyo trong việc mua trái phiếu để trở thành quốc gia nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới. Mỹ, với vị thế của một cường quốc tài chính hàng đầu toàn cầu, theo đó và theo đà tăng trưởng xuất khẩu trái phiếu Chính phủ sang cường quốc phát triển Châu Á, cũng chính thức trở thành con nợ lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc, với giá trị nợ lên tới 1.200 tỷ USD.

Mối tương quan giữa chủ nợ và con nợ cứ tưởng sẽ theo một chiều thuận duy nhất, rằng chủ nợ sẽ chỉ việc ung dung đòi nợ và con nợ sẽ lâm vào khó khăn. Song tình hình hiện nay đã không còn như trước. Mối tương quan này nếu thu hẹp lại, chẳng khác gì nợ nần giữa các đại gia DN lớn với các ngân hàng. Một khi các ngân hàng đã cho vay nợ quá nhiều để tăng trưởng tín dụng và thu lợi trong giai đoạn hiện tại hoặc kỳ vọng tương lai, thì sự phụ thuộc của ngân hàng vào DN sẽ càng trở lên khó kiểm soát. Đến một lúc nào đó, sức khỏe của DN sẽ khiến các ngân hàng – chủ nợ cũng phải hắt hơi, thậm chí có thể đổ bệnh nặng. Nó tương tự như tình trạng ngân hàng và DN Việt thời gian qua, khi mà nền kinh tế Việt đã có lúc trở thành “con tin” của các ngân hàng.

Mối tương quan đa chiều giữa chủ nợ Trung Quốc và con nợ Mỹ ngày nay cũng như vậy. Hơn thế, tương quan này cũng đã và đang quyết định nhiều yếu tố khác có tác động lên nền kinh tế hơn 1 tỷ dân. Nếu Mỹ không phát hành trái phiếu và gia tăng nợ công, tiếp tục bơm vốn giá rẻ, các dòng vốn liệu có còn ào ạt chảy vào các quốc gia mới nổi, trong đó có thị trường rộng lớn Trung Quốc để tìm lợi nhuận khi lãi suất của Fed là siêu thấp? Và sẽ ra sao nếu đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới bên kia bờ Thái Bình Dương bỗng nhiên bị giảm lại, khi sự tăng trưởng của nền kinh tế đang được đặt phần nào trên sự thịnh vượng phù hoa từ tài trợ nợ?

Câu trả lời sẽ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng sẽ bớt đi màu mỡ. Kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh – đà tăng trưởng của Bắc Kinh trong mấy năm qua - tất nhiên, cũng sẽ gặp vấn đề. Còn hơn thế, dòng vốn lưu chuyển trong một thị trường trước nay vẫn được nhân lên bằng  nhiều tài sản đa dạng trong đó có trái phiếu Chính phủ Mỹ, nay nếu không còn kỳ vọng vào kỷ nguyên trái phiếu giá rẻ và được đánh giá là rất đảm bảo an toàn để sinh lợi trong tương lai, liệu có tiếp tục trơn tru như trước?

Sẽ là cơ hội thanh lọc thị trường?

Bắc Kinh chắc chắn đang lo ngại bởi tuyên bố của ông Bernanke. Điều mà ông tuyên bố hôm 19/6 mới đây, đã và đang trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố cách đây chưa lâu, khi Fed tung gói nới lỏng định lượng QE3 gồm chương trình mua không giới hạn trái phiếu và giữ lãi suất siêu thấp. Sự mất cân bằng tài chính của Trung Quốc vì vậy cũng đang dần lộ diện với các bóng ma tín dụng đen, mà quan trọng là bong bóng tài sản đã bắt đầu phình to khó kiểm soát. 

Siết lại chính sách tín dụng, siết bong bóng tài sản, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực địa ốc là kế hoạch Bắc Kinh đã nỗ lực hãm đà trong những năm qua để tìm một cái kết softlanning êm ái, nay có thể sẽ là một kịch bản bị phá sản bởi quyết định sớm ngoài dự đoán của Fed. FBOC - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ làm gì để hỗ trợ hệ thống ngân hàng khi đối diện với nguy cơ cạn kiệt thanh khoản, hay sẽ tận dụng cơ hội này và tiến tới thanh lọc thị trường?