TTIP trước nguy cơ đổ vỡ

Theo daibieunhandan.vn

Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường lớn nhất thế giới, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do sự hoài nghi không ngừng gia tăng ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace (Hòa bình Xanh) đã giáng một đòn nặng nề vào TTIP khi tiết lộ nhiều chi tiết xung quanh các cuộc thương lượng kín giữa Mỹ và châu Âu. Trang mạng của tổ chức này đã công bố tài liệu gồm 246 trang, với 13 trên tổng số 17 chương của thỏa thuận. Dự thảo này là văn bản có trước vòng đàm phán thứ 13, vừa diễn ra tại New York tuần trước, phơi bày những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và EU sau gần 3 năm đàm phán. Mỹ và EU đã ngay lập tức phản bác thông tin từ Greenpeace, cho rằng tổ chức này đã cung cấp những tài liệu gây “hiểu nhầm” và “sai lệch”. Tuy nhiên, dù không có vụ rò rỉ trên, thì khả năng thành công của hiệp định này cũng khá xa vời vì nhiều yếu tố.

5 vấn đề bế tắc

Yếu tố thứ nhất liên quan đến các thỏa thuận mua sắm công. Các nhà đàm phán của Mỹ và EU đã kết thúc vòng đàm phán thứ 13 tại New York hôm 29.4. Như thường lệ, hai bên khẳng định đã đạt được tiến triển qua các cuộc đàm phán. Mặc dù vậy, châu Âu đã tỏ ra tức giận trước việc Mỹ từ chối cho phép các đối tác châu Âu tiếp cận hoạt động mua sắm của Chính phủ nước này. Kể từ năm 1933, luật pháp Mỹ ràng buộc Chính phủ nước này phải dành ưu đãi cho các công ty Mỹ trong các thỏa thuận mua sắm công. Tuy nhiên, EU muốn thay đổi điều này và đã yêu cầu Washington dùng TTIP để loại bỏ những quy định trên, nhằm mang lại quyền tiếp cận thị trường mua sắm công một cách bình đẳng cho các công ty EU. Song, thực tế cho thấy, bất kỳ thỏa thuận nào dành ưu tiên cho các đối tác nước ngoài đều sẽ trải qua quá trình khó khăn để được Quốc hội Mỹ thông qua.

Yếu tố thứ hai là đầu tư. Những người phản đối TTIP ở châu Âu không tán thành điều khoản giải quyết tranh chấp cho các nhà đầu tư, một điều khoản cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào EU đưa các vụ tranh chấp ra ban trọng tài đặc biệt và tòa án trọng tài địa phương. Sau khi tạm ngừng đàm phán về chương đầu tư năm 2014, đồng thời tiến hành thăm dò dư luận trong khu vực, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một bản kế hoạch sửa đổi bao gồm việc thành lập tòa án trọng tài quốc tế giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư và một cơ quan kháng cáo. Tuy nhiên, phía Mỹ đã phản đối những đề xuất này. Do đó, việc đi tới một thỏa hiệp về vấn đề đầu tư sẽ không dễ dàng.

Yếu tố thứ ba là dịch vụ. Một trong những mục tiêu của TTIP là tự do hóa thương mại, dịch vụ, bao gồm từ dịch vụ ngân hàng tới vận tải, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong thương mại toàn cầu. Trước sức ép của các nước thành viên, EU đưa ra đề xuất loại bỏ hơn 200 loại hình dịch vụ khỏi TTIP, trong khi Mỹ chỉ yêu cầu 4 ngoại lệ dành cho họ. Mỹ cũng bác bỏ ý tưởng mở cửa ngành vận tải đường biên cho cạnh tranh nước ngoài. Điều đó khiến bất đồng giữa Mỹ và EU xung quanh lĩnh vực đàm phán quan trọng và nhạy cảm này càng khó thu hẹp.

Yếu tố thứ tư là nông nghiệp. Bất kỳ cuộc đối thoại nào liên quan đến TTIP và nông nghiệp đều được dự đoán sẽ kéo dài. Các nhóm vận động khá quyền lực trong lĩnh vực này ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương lâu nay muốn bảo vệ thị trường nội địa thông qua việc áp thuế nhập khẩu hay các rào cản thương mại. Thêm vào đó, EU và Mỹ lâu nay vẫn bất đồng trong một loạt vấn đề nông nghiệp như cây trồng biến đổi gene, sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng...

Yếu tố cuối cùng là chính trị. Châu Âu cũng phải đối mặt với những rào cản chính trị nhạy cảm do dư luận cho rằng thỏa thuận có thể có lợi cho các tập đoàn kinh doanh lớn mà phớt lờ nguyên tắc về sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Giáo sư luật thuộc Đại học Harvard, Mark Wu, một cựu quan chức của cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, nói: “Nếu không được ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, việc định đoạt thỏa thuận có thể sẽ bị hoãn lại tới sau các cuộc bầu cử khác ở châu Âu trong năm 2017”. Trong năm 2017, cả Đức và Pháp đều tổng tuyển cử và các cuộc tranh cãi về TTIP đang rất nóng, tới mức nhiều người cho là các ứng cử viên sẽ tận dụng thỏa thuận này làm đề tài trong chiến dịch tranh cử của mình. Giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo Pháp dường như cũng đang bắt đầu sử dụng vấn đề này cho chiến dịch tranh cử, nhất là sau khi cả Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Fancois Hollande đều cam kết phản đối mọi thỏa thuận không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sức khỏe, môi trường và quy định của ngành nông nghiệp Pháp. Không chỉ vậy, khả năng Anh rời EU sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23.6 tới cũng đe dọa thành công của các cuộc đàm phán về TTIP.

Trong khi đó, tại Mỹ, các cuộc đàm phán thương mại với EU dường như bị lu mờ bởi tham vọng về thương mại với châu Á. Tổng thống Obama, người quyết tâm bảo vệ TTIP sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 1.2017 và người kế nhiệm ông, sẽ được bầu ra vào tháng 11.2016, có thể kém hào hứng hơn trong việc thúc đẩy hoạt động tự do thương mại, một vấn đề đang đánh mất sự ủng hộ của dân chúng do họ lo ngại về nguy cơ mất việc làm.

Cú giáng từ vụ rò rỉ tài liệu

Trong bối cảnh đó, việc Greenpeace công khai thông tin về tình trạng bất đồng sâu sắc giữa các bên đàm phán sẽ càng khiến dư luận ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương hoài nghi và quay lưng với thỏa thuận. Giáo sư Mark Wu nhận định: “Vụ rò rỉ vừa qua sẽ khiến những người phản đối thỏa thuận càng có thêm cơ sở và những người nỗ lực hàn gắn bất đồng gặp nhiều khó khăn hơn”. Sau khi các tài liệu rò rỉ xuất hiện, nhóm môi trường Sierra Cliub của Mỹ đã tuyên bố phản đối hiệp định, cho rằng thỏa thuận đang đi sai hướng và có thể đưa chính sách thương mại của Tổng thống Obama trở thành một sai lầm. Còn nhóm hoạt động xã hội Public Citizen ở Washington cho rằng, các thông tin bị rò rỉ cho thấy nếu được ký kết, TTIP sẽ tạo ra những điều khoản về thương mại và kinh doanh “hạn chế, kìm hãm, phá hủy”.

Có ý kiến cho rằng các bên đàm phán có thể giảm bớt tham vọng đối với thỏa thuận. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU đều khẳng định, một TTIP ít tham vọng hơn cũng đồng nghĩa với sự thất bại hoàn toàn của các cuộc đàm phán.